Bài thơ và câu chuyện xung quanh nó đã đi vào lịch sử báo Tiền Phong, và cũng là lịch sử đất nước ngay “đêm trước Đổi mới”.
Nhớ mùa hè cách đây đúng 11 năm (năm 2010), tôi bất ngờ nhận được một bưu kiện gửi đến văn phòng Tiền Phong tại Đà Nẵng, ghi tên tôi. Tên người gửi khiến tôi chựng lại mấy giây: “Phạm Thị Xuân Khải, Quy Nhơn, Bình Định”. Cái tên quen thuộc với tôi ngay từ ngày bước chân vào đại học năm 1986 với bao bàn luận, tranh cãi từ giảng đường tới ký túc xá của lũ sinh viên chúng tôi. Bên trong bưu kiện là cuốn sách “Mùa xuân nhớ Bác – tự sự của tác giả” (Nhà xuất bản Thông tấn, tháng 12/2006), với lời đề tặng của tác giả.
Nhớ lại, chỉ một bài thơ đăng báo mà đích thân ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư sau khi nhận được từ sinh viên Phạm Thị Xuân Khải, đã cho thư ký riêng là ông Lưu Văn Lợi cầm bản thảo (viết tay) ấy trao cho Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Vũ Mão kèm theo chỉ thị yêu cầu báo Tiền Phong “thẩm định kỹ về tác giả và động cơ sáng tác. Nếu cô ấy là người tốt thì đăng bài thơ”. Nhưng rồi ngay sau khi xuất hiện trên Tiền Phong, bài thơ được ví như “trái bộc phá” ấy gây rung chấn dữ dội, ập đến với tác giả, với lãnh đạo T.Ư Đoàn thời đó, với báo Tiền Phong và số phận đau lòng của cả những người hưởng ứng bài thơ. Đó là thời điểm chuẩn bị diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Là Đại hội mở ra thời kỳ Đổi mới của đất nước, nhưng lực cản bảo thủ, trì trệ lúc ấy vẫn còn rất mạnh. Ở phía ngược lại, bạn đọc, cán bộ và người dân cả nước hân hoan đón nhận bài thơ, như một chỉ dấu đặc biệt của Đảng về xu thế và quyết tâm Đổi mới.
Câu chuyện rất dài. Phải mãi đến năm 2006, tròn 20 năm sau công cuộc Đổi mới, báo Tiền Phong và tác giả Phạm Thị Xuân Khải mới có thể chính thức công bố toàn bộ “hồ sơ” của sự kiện. Đó cũng là năm bà Khải ra mắt cuốn tự sự kể trên, sau mấy chục năm trời im lặng.
15 năm “ở ẩn”?
Thế rồi từ năm 2006 đến nay, hầu như không ai biết bà Phạm Thị Xuân Khải còn sống không, đang ở đâu, làm gì?
Dịp kỷ niệm 90 thành lập Đoàn, tôi tìm bà, bởi từ lâu ám ảnh những câu trong bài thơ chấn động một thời: “Mùa xuân về đọc thơ xuân các anh/Tuổi trẻ chúng tôi thấy lòng mình day dứt/Day dứt vì mình chưa làm được/Những điều hằng ước mơ/Những điều chúng tôi thề/Dưới cờ Đoàn trong ngày kết nạp...”.
May mắn cuối cùng tôi cũng kết nối được. Câu chuyện giữa tôi với bà là những cuộc điện thoại. Bà cho biết hiện đang ở nhà thuê, một mình. 74 tuổi rồi, có vẻ như bà đang “ở ẩn”? Trả lời câu ấy của tôi, bà bảo không hẳn là vậy, nhưng từ lâu bà không muốn tiếp xúc với ai, không cho ai biết địa chỉ của mình, cả với các nhà báo nhiều lần muốn gặp. Lý do bà đưa ra đó là để tập trung thời gian hoàn chỉnh bản thảo mấy cuốn sách đang viết, và giải quyết những chuyện riêng bản thân, gia đình. “Chuyện riêng” ấy, sau nhiều lần trò chuyện, tôi mới hay toàn những chuyện trĩu lòng, kéo dài suốt bao nhiêu năm trời. Như việc toàn bộ đất đai hương hỏa tổ tiên dòng họ có lịch sử 300 năm ở quê bị vô cớ “thu hồi”!? Như chuyện tưởng ai cũng biết nhưng ít ai lưu ý, rằng suốt mấy chục năm qua bà vẫn “trắng” mọi chế độ chính sách, từ bảo hiểm xã hội đến bảo hiểm y tế, mỗi lần ốm đau bệnh tật lại phải ra ngoài. Bà cố sức đi “kêu”, từ hơn hai chục năm qua, vẫn không kết quả (những chuyện này tôi sẽ có dịp trở lại kỹ).
Tính cách bà Khải, đọc trong cuốn “Tự sự” bà viết, thấy rất rõ. Mạnh mẽ, thẳng thắn cương quyết, và đặc biệt là rất kiên định với nguyên tắc sống của mình. Học xong trường Học sinh miền Nam ở Hải Phòng, theo ba mẹ chuyển lên Hà Nội học cấp 3 ở trường Chu Văn An. Và dù là con cán bộ cao cấp, nhưng hoàn cảnh lúc ấy khó khăn, Xuân Khải đã bỏ thi đại học để đi làm giúp đỡ gia đình. Đến năm 1973 đang học năm 2 khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, cô lại quyết xin nghỉ học đi B vào chiến trường Khu 5 ác liệt. Và khi từ miền Nam ra Hà Nội là cán bộ học tiếp đại học, thì xảy ra sự kiện bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác”. Áp lực lúc đó đối với cô sinh viên vừa tốt nghiệp đại học loại khá giỏi, là tác giả bài thơ lớn đến mức ông Lê Đức Thọ và một số lãnh đạo Trung ương khuyên cô “đừng về Nghĩa Bình”, vì lúc này vẫn còn “những cái đầu nóng” ở địa phương, có thể xảy ra những việc chưa thể lường trước được. Và cũng chưa nên nhận công tác ở đâu! “Tôi đã chấp hành ý kiến của đồng chí Lê Đức Thọ và lặng lẽ nghỉ việc, không được phép hé lộ sự thật này khi điều kiện chưa cho phép”.
“Tuổi trẻ chúng tôi vẫn tự hào/ Những trang sử vẻ vang dân tộc/ Chúng tôi được học/ Được thử thách nhiều trong chiến tranh/... Lẽ nào tuổi trẻ hôm nay thua thiệt/ Có học hành, lại phải sống cầu an” (Mùa xuân nhớ Bác – Phạm Thị Xuân Khải). Bà bảo đến giờ vẫn nung nấu với câu hỏi ấy...
Từ đó Phạm Thị Xuân Khải như bà kể “bắt đầu sống những tháng ngày gian khổ nhất trong đời mình. Tôi phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn, phức tạp và cũng rất nguy hiểm đến số phận... Những gì được ghi lại trong các phóng sự đã đăng trên báo Tiền Phong (năm 2006, nhân kỷ niệm 20 năm Đổi mới) cũng chỉ mới là một phần trăm của nỗi vất vả mà tôi đã phải trải qua trong suốt 20 năm (tức 1986-2006 – NV)”. Mãi đến 2005, bà mới bắt đầu hé mở vài câu chuyện liên quan đến bài thơ với các con. Bởi bà muốn “giữ kín câu chuyện đời quá buồn của riêng mình, không muốn để các con biết sớm, trong khi chúng cần tập trung vào việc học hành,... sẽ ảnh hưởng không tốt cả quãng đời tương lai còn dài của con cái”.
Với tính cách ấy, việc chọn cách “một mình” lúc này, tôi hiểu quyết tâm của bà đang tập trung cho những việc lớn cần giải quyết đến cùng.
Đoàn vẫn nóng trong tim
Giữa những cuộc điện thoại, tôi nhận thấy rất rõ một điều, đó là giọng bà Khải thường như reo vui mỗi khi nhắc đến chữ “Đoàn”.
Hỏi bà cái thời viết “Mùa xuân nhớ Bác” bà có còn là đoàn viên không? Bởi trong bài thơ có những câu “Day dứt vì mình chưa làm được/Những điều hằng ước mơ/Những điều chúng tôi thề/Dưới cờ Đoàn trong ngày kết nạp...”. Một hình ảnh thiêng liêng, rất đẹp.
Bà bảo lúc ấy tất nhiên hết tuổi Đoàn rồi, bởi 10 năm trời rời đại học vào chiến trường, rồi là cán bộ quay về học lại. Và rồi chuyện kể về thời đoàn viên của bà cứ cuốn hút dần. Cái thời Trường Học sinh miền Nam ở Hải Phòng ấy, phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thật nhiều khó khăn, thử thách. Vào năm cuối cấp 2 (lớp 7 thời đó), cô học trò Phạm Thị Xuân Khải được đứng dưới cờ Đoàn trước trường tuyên thệ, vào dịp 26/3.
Để có được phút giây thiêng liêng ấy, quả là cam go. Học giỏi nên trò Khải được bầu làm lớp phó học tập kiêm cán sự môn Văn của lớp nhiều năm liền. Vậy là chỉ tiêu mà cô giáo chủ nhiệm lớp, cũng là đoàn viên của Chi Đoàn giáo viên giao cho, đó là không để bạn nào bị 2 điểm tổng kết thi cuối năm (thời ấy hệ điểm 5 như Liên Xô). Bà Khải nhớ mãi có cô bạn cùng lớp cùng quê có học lực thuộc diện “nguy cơ cao”. Vậy là đôi bạn cùng tiến kèm nhau như sam. Cô bạn ấy sau làm kế toán trưởng một công ty, hiện sống ở Quy Nhơn.
Kỷ luật trường học sinh miền Nam thời ấy hết sức nghiêm ngặt. Khẩu hiệu “Đẹp như công viên, sạch như bệnh viện, kỷ luật như quân đội” treo khắp nơi. Mà đúng như quân đội thật. Học trò đến thứ Bảy, Chủ nhật mới được ra cổng trường, và phải xin phép. Mọi sinh hoạt hay cuộc họp chỉ cần đến muộn một chút là bị điểm trừ, dễ bị “treo” việc vào Đoàn. Nên đến giờ ngoài tuổi 70, bà Khải vẫn giữ thói quen dậy trước 5 giờ sáng, dù nhiều khi không làm gì. Chưa kể những chuyến đi bộ hành quân về Thủy Nguyên tham gia gặt lúa giúp dân... “Vào Đoàn thời ấy thậm chí còn khó hơn phấn đấu vào Đảng bây giờ. Nghiêm túc và sôi nổi lắm”, bà Khải hồi tưởng.
“Chất” Đoàn mạnh mẽ, nóng bỏng chảy trong huyết quản cả gia đình. Em trai thứ ba của bà là Phạm Chấn Thiện (sinh năm 1952) làm cán bộ Đoàn ở trường Tân Trào (quận Ba Đình, Hà Nội) cho đến năm lớp 10. Trước đó, khi mới 15 tuổi, nhưng do dáng vóc cao lớn nên Thiện đã khai 18 tuổi để xin nhập ngũ. Trúng tuyển, được phân công về đơn vị, phát quân phục xong mọi người mới phát hiện. Bị quân đội “đuổi” về, hết cấp 3 cậu không thi đại học mà học quay phim rồi xin vào Cục Điện ảnh, với “âm mưu” đi B vào miền Nam để làm phóng viên chiến trường. Phạm Chấn Thiện sau đó trở thành phóng viên thuộc Ban Tuyên huấn Quân khu 5, và hy sinh năm 1972, khi mới vừa tròn 20 tuổi!
Bà say sưa kể về cô cháu nội hoạt động Đoàn từ thời học sinh, nay đang học năm 3 Đại học Quy Nhơn vẫn là một cán bộ Đoàn sôi nổi. Cha của cháu là anh Nguyễn Phạm Kiên Trung cũng hăng hái với công tác Đoàn từ thời học sinh lên đại học. Cả khi đã ra trường, Kiên Trung vẫn say mê phong trào ở Đoàn phường Trần Phú (Quy Nhơn), dù công việc chính là luật sư và làm du lịch. Anh Kiên cũng đã từng tự ứng cử Đại biểu Quốc hội...
Hỏi cái thời viết “Mùa xuân nhớ Bác” là cán bộ đi học bà còn là Đoàn viên không? Bởi trong bài thơ có những câu “Day dứt vì mình chưa làm được/Những điều hằng ước mơ/Những điều chúng tôi thề/Dưới cờ Đoàn trong ngày kết nạp...”. Một hình ảnh thiêng liêng, rất đẹp. Bà nói khi ấy đã qua tuổi Đoàn rồi, nhưng máu Đoàn, máu tuổi trẻ khát khao dâng hiến vẫn nóng bừng...