30.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 được cấp cho ai?

0:00 / 0:00
0:00
30.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 được cấp cho ai?
TPO - Ngày 17/8, Bộ Y tế đã xuất cấp 30.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị COVID-19.

Theo quyết định của Bộ Y tế, có 17 bệnh viện (các trung tâm hồi sức tích cực COVID-19) và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh và Cần Thơ được cấp xuất thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 trong đợt này.

Đây là lần thứ 2 thuốc này được Bộ Y tế xuất cấp để phục vụ nhu cầu điều trị của các cơ sở y tế. Trước đó, ngày 8/8, lô thuốc đầu tiên 10.000 lọ Remdesivir đã được đưa vào điều trị bệnh nhân COVID-19 của TPHCM.

Theo kế hoạch, dự kiến từ ngày 19/8 đến hết tháng 8, sẽ có thêm khoảng 330 nghìn lọ Remdesivir sẽ về TPHCM.

Đây là các lô Remdesivir trong số 500.000 lọ Remdesivir được Tập đoàn Vingroup nhập khẩu, tặng cho Bộ Y tế sử dụng điều trị bệnh nhân COVID-19.

Remdesivir là là thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt khẩn cấp để điều trị cho bệnh nhân COVID-19, từng được cựu Tổng thống Mỹ sử dụng để chữa COVID-19.

Với khả năng rút ngắn thời gian hồi phục và giảm mạnh tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị từ tháng 5/2020, và là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới.

Thuốc Remdesivir cũng là thuốc đã được cấp phép khẩn cấp tại Ấn Độ cho chỉ định điều trị COVID-19, cho bệnh nhân COVID nặng, thở máy/ECMO…

Trước đó, theo thông tin từ Bộ Y tế ngày 2/8, dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế, Tập đoàn Vingroup vừa đàm phán thành công đơn hàng đặc biệt - 500.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 được FDA Mỹ cấp phép.

Theo hướng dẫn sử dụng của Bộ Y tế thời điểm dùng thuốc Remdesivir là trong vòng 10 ngày đầu từ khi khởi phát bệnh và nên phối hợp với Dexamethasone. Cũng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thuốc này ưu tiên sử dụng cho nhóm nguy cơ cao gồm người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, béo phì (BMI >25).

Bộ Y tế lưu ý không bắt đầu sử dụng thuốc cho người bệnh COVID-19 cần thở máy xâm nhập, ECMO. Riêng đối với các trường hợp được điều trị bằng Remdesivir trước khi thở máy xâm nhập hoặc ECMO thì tiếp tục dùng Remdesivir cho đủ liệu trình.

Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ thuốc này chống chỉ định với trường hợp phản ứng quá mẫn với bất kỳ thành phần của thuốc; Suy chức năng thận eGFR < 30mL/phút; Tăng enzyme gan ALT > 5 lần giá trị giới hạn trên; Suy chức năng đa cơ quan nặng và thận trọng sử dụng với phụ nữ có thai, cho con bú: Chưa có dữ liệu đầy đủ. Không khuyến cáo trừ trường hợp lợi ích vượt trội so với nguy cơ.

PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, thuốc Remdesivir là thuốc mới, liều dùng của thuốc tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Theo đó trong quá trình điều trị, các cơ sở y tế cũng cần theo dõi chặt chẽ về hiệu quả của thuốc. Việc sử dụng thuốc cho người bệnh phải được bác sĩ chỉ định.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.