Tại tọa đàm quốc tế “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân thế giới” tổ chức tại Phủ Chủ tịch ngày 24/11, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho biết, Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 (từ ngày 20/10 đến 20/11/1987 tại Paris) thông qua nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất” với sự đồng thuận tuyệt đối. Ông nói: “Tôi vô cùng cảm ơn bạn bè quốc tế khắp năm châu đã hết lòng ủng hộ Việt Nam vào một thời điểm đặc biệt khó khăn. Tôi đặc biệt biết ơn ông Tổng Giám đốc UNESCO Amadou-Mahtar M’Bow, người đã có vai trò rất lớn trong sự kiện này. Ấy thế mà khi tôi đến cám ơn ông, ông chỉ khiêm tốn nói: Đây là nhiệm vụ và bổn phận của chúng tôi”.
Ông Niên cũng kể về những khó khăn thời điểm đó. “Nên nhớ rằng vào thời điểm năm 1987, còn một số nước chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và không ít nước còn căng thẳng với Việt Nam vì hiểu lầm hành động đầy tính nhân văn và cả hy sinh xương máu và lợi ích quốc gia của Việt Nam để giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng khủng khiếp. Sau này nhiều nước mới hiểu ra sự thật, họ đã cảm ơn Việt Nam và trở thành những người bạn thân thiết và tin cậy với Việt Nam”, ông nói. Lúc đó, nhiều đại biểu châu Phi đến gặp ông và bày tỏ nguyện vọng được đến thăm Việt Nam, được viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và bắt tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông cho biết, vì điều kiện khó khăn lúc đó nên nhiều đại biểu châu Phi không đến được Hà Nội trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người.
Bà Phan Thị Phúc, nguyên Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, nói rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà cách mạng có uy tín trên thế giới, không phải riêng ở Việt Nam. UNESCO từng vinh danh Karl Marx, Lenin, Jose Marti… là nhà tư tưởng lớn, từng công nhận Nguyễn Trãi là nhà văn hóa lớn. Bà cho rằng, việc đề nghị tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa lớn, là danh nhân văn hóa thế giới thông qua con đường của UNESCO có khả năng chấp nhận được.
Bà mạnh dạn nêu ý kiến này với Bộ trưởng Ngoại giao lúc bấy giờ là ông Nguyễn Cơ Thạch và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Võ Đông Giang kiêm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Trước những phân vân, lo ngại ban đầu của các lãnh đạo rằng, nếu đề xuất mà không được thông qua thì mất uy tín, bà Phúc nói rằng, lần này cũng có một số nhân vật lớn như Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, nếu không được tôn vinh cũng không có gì mất uy tín. Bà Phúc cho biết thêm, tình hình Tây Đức lúc đó cũng rắc rối, bọn phản động chống phá ta, nhưng ta vẫn đạt được mục đích và thắng lợi.
Ngày 13/11 tại Paris, bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO, tham dự lễ mít-tinh kỷ niệm sự kiện thông qua nghị quyết. Bà nói đã ba lần tới Việt Nam, gần đây nhất là tháng 8/2017. Bà đã tới đặt vòng hoa vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà nói: “Cách đây 30 năm, nghị quyết của UNESCO đã khẳng định rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc; Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
Một vị khách mời khá đặc biệt của buổi tọa đàm là ông Nguyễn Sinh Tuấn, cháu đời thứ 5 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông nói rằng, ông và làng Sen vô cùng vinh dự khi Chủ tịch Hồ Chí Minh được thế giới tôn vinh. Ông và các con, cháu, chắt của mình đã nguyện suốt đời đi theo tiếng gọi của Đảng, làm theo đường lối của Đảng và Nhà nước.
Sự ghi nhận của thế giới, của LHQ
Sáng 24/11, Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm UNESCO ra nghị quyết khuyến khích các nước thành viên tiến hành các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghị quyết số 24C/18.65 được thông qua năm 1987 tại Pháp khuyến nghị các nước thành viên tiến hành các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất” nhằm “làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người”, đồng thời thông qua việc kỷ niệm này “trên phạm vi quốc tế, góp phần thực hiện các mục tiêu của UNESCO và đóng góp vào sự hiểu biết trên thế giới”.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá, nghị quyết của UNESCO có giá trị lớn lao, là sự ghi nhận của thế giới, của Liên Hợp Quốc đối với những giá trị cao đẹp của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cao quý nhất, xuất sắc nhất. Đó cũng là nguồn cổ vũ lớn lao, là biểu hiện của tình cảm bạn bè quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với nhân dân Việt Nam nói chung trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cùng phấn đấu vì những giá trị chung cao đẹp của nhân loại tiến bộ. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cắt băng khai trương triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất”.
Bình Giang