30 năm một hành trình tôn vinh nhan sắc Việt

Các hoa hậu trong sự kiện tổ chức nhân kỉ niệm 20 năm cuọc thi Hoa hậu Việt Nam (2008). Ảnh: Hồng Vĩnh.
Các hoa hậu trong sự kiện tổ chức nhân kỉ niệm 20 năm cuọc thi Hoa hậu Việt Nam (2008). Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Năm 2018 này sẽ diễn ra cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Tính cả các cuộc thi tiền thân là Hoa hậu Hội báo Tiền Phong, Hoa hậu Toàn quốc báo Tiền Phong, cuộc thi lần này là lần thứ 16 và Hoa hậu Việt Nam đã có lịch sử 30 năm.

30 năm, một thời gian đủ dài để khẳng định một giá trị đã vượt qua thử thách. Với một khởi đầu gian nanvà một hành trình trên con đường không phải lúc nào cũng bằng phẳng, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đã đột phá qua những định kiến, lối tư duy khuôn mẫu, tạo ra một sinh hoạt văn hoá mới, một giá trị tinh thần tôn vinh nhan sắc và văn hoá Việt.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh – Tổng Biên tập báo Tiền Phong từ 1988, khi Tiền Phong bắt đầu tổ chức cuộc thi (người giờ đây thường được gọi là “cha đẻ của các cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam”) vẫn thường kể rằng để vượt được qua “cửa ải” đầu tiên, ông đã phải lên cấp lãnh đạo rất cao để giải trình. 

Thỉnh thoảng gặp, nếu có nhắc đến cuộc thi Hoa hậu, ông Hà Quang Dự - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn thời điểm đó đều cười mà nói: “Chính tôi dẫn ông Nam lên gặp các cụ để giải trình sau cuộc thi chứ đâu!”

30 năm một hành trình tôn vinh nhan sắc Việt ảnh 1 Hoa hậu Mỹ Linh với trẻ em vùng sâu vùng xa. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Quả thật năm 1988, mặc dù không khí đổi mới đã khá mạnh mẽ, nhưng có lẽ trong đầu đa số người Việt, thi hoa hậu vẫn là một nét điển hình cho lối sống tư sản và không phù hợp với truyền thống văn hoá Việt. Phải có đầu óc đổi mới quyết liệt, và có thể nói cả lòng dũng cảm nữa, tập thể báo Tiền Phong, Ban Biên tập báo và Ban Bí thư T.Ư Đoàn mới quyết định tổ chức cuộc thi sắc đẹp đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất: Cuộc thi Hoa hậu Hội báo Tiền Phong năm 1988.

Tháng 11 năm 1988 - chẵn 35 năm ngày báo Tiền Phong ra đời. Báo tổ chức Hội báo Tiền Phong khá lớn, kéo dài tới 4 ngày với nhiều hoạt động phong phú thu hút hàng vạn lượt bạn đọc tham gia. Ngày cuối cùng chính là “quả bom” với công luận khi đó – cuộc thi Hoa hậu.

Hôm nay, từ tầm cao của cuộc thi nhìn lại, thấy mọi thứ ở cái thuở ban đầu đấy đều thật sơ khai. Cuộc thi đặt ra mục đích là tạo ra một sân chơi lành mạnh cho các bạn nữ đoàn viên, thanh niên, để các bạn thể hiện được vẻ đẹp, “cái tôi” của mình trước mọi người, nhưng không ai trong báo biết cách thức tổ chức cuộc thi là như thế nào. 

May sao hồi đó FAFILM  Việt Nam lại có được cuốn băng video ghi lại cuộc thi Hoa hậu Thế giới năm 1988. Báo mượn cuốn phim đó về chiếu nội bộ để học tập thể thức, kinh nghiệm, rồi mọi người cùng nhau soạn ra các quy định về tổ chức và thí sinh. 

Về thể thức và các phần của cuộc thi, thôi thì học các phần thi bikini, tài năng, ứng xử… Phải có cái gì đó thuần Việt chứ? Đưa phần thi áo dài vào. Cho đến bây giờ, hình như tất cả các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp của Việt Nam đều có phần thi trang phục Việt đặc sắc này.

Bùi Bích Phương – Hoa hậu đầu tiên cao có 1 mét 58, nhưng cô luôn ngự ở trên cái tầm của một người khai mở. Cô đã khai thông con đường cho những nhan sắc Việt Nguyễn Diệu Hoa (1990), Hà Kiều Anh (1992), Nguyễn Thu Thuỷ (1994), Nguyễn Thiên Nga (1996), Nguyễn Thị Ngọc Khánh (1998), Phan Thu Ngân (2000) tiến bước với danh vị Hoa hậu Toàn quốc báo Tiền Phong

Bắt đầu từ năm 2002, Bộ Văn hoá – Thông tin đồng ý để cuộc thi được mang tên Hoa hậu Việt Nam, đánh dấu bước trưởng thành cũng như những thành tựu, những đóng góp không thể phủ nhận của cuộc thi và đơn vị tổ chức vào đời sống văn hoá tinh thần của đất nước. Người đầu tiên vinh dự mang danh hiệu Hoa hậu Việt Nam là cô gái Hải Phòng Nguyễn Mai Phương (cô cũng là người đẹp Việt Nam đầu tiên đi dự cuộc thi sắc đẹp lớn nhất hành tinh - Hoa hậu Thế giới). 

Tiếp nối là các hoa hậu Việt Nam Nguyễn Thị Huyền (2004), Mai Phương Thuý (2006), Trần Thị Thuỳ Dung (2008), Đặng Thị Ngọc Hân (2010), Đặng Thu Thảo (2012), Nguyễn Cao Kỳ Duyên (2014) và cuối cùng là đương kim Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh (2016).

Một bước tiến đáng được coi là mốc son trong lịch sử cuộc thi Hoa hậu Việt Nam là năm 2004, lần đầu tiên cuộc thi đã được đưa ra sân khấu ngoài trời và truyền hình trực tiếp với sự đăng quang của người đến giờ vẫn được coi là một trong những hoa hậu có vẻ đẹp Việt đặc trưng nhất: Nguyễn Thị Huyền.

Nét quan trọng nữa của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam là tinh thần thiện nguyện vì cộng đồng. Từ các hoạt động nhân ái trong của thí sinh khuôn khổ cuộc thi và của các người đẹp đoạt giải sau đó đến các khoản ủng hộ đáng kể của Ban tổ chức cho các quỹ hoặc các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động hỗ trợ những người thiệt thòi. 

Đỉnh cao của tinh thần vì cộng đồng của Hoa hậu Việt Nam chính là cuộc thi Người đẹp Nhân ái trong khuôn khổ cuộc thi năm 2016, khi các thí sinh vòng chung kết đưa mấy chục dự án, tổng kinh phí khoảng 4 tỷ đồng đến nhiều địa điểm khắp Bắc – Trung - Nam, từ núi cao đến đảo xa để cải thiện cuộc sống cho những người dân. Đây chính là cơ sở thực tế để Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh triển khai dự án đưa điện mặt trời lên bản của đồng bào Mông, giúp cô giành danh hiệu Hoa hậu Nhân ái tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2017.

30 năm một hành trình tôn vinh nhan sắc Việt ảnh 2 Hoa hậu VN2010 Ngọc Hân trao vương miện cho Hoa hậu 2014 Ðặng Thu Thảo. Ảnh: Hồng Vĩnh.

30 năm, một cuộc thi hời hợt có mục đích không sâu sắc, động cơ không vì cái lớn không thể nào kéo dài được đến như vậy, bởi nếu thế nó không thể có được cơ sở xã hội và sự ủng hộ vững chắc của người dân cả nước. 

Cho đến hôm nay, Hoa hậu Việt Nam, đúng như vị thế của tên gọi, vẫn là cuộc thi sắc đẹp quy mô lớn nhất, nghiêm túc nhất, một cuộc thi đúng như lời một vài thí sinh và người nhà đã nói khi thất vọng rút hồ sơ thôi không tham gia tiếp: “Một cuộc thi không có cơ chế”. Họ nói vậy bởi họ hiểu không thể đạt được điều mong muốn bằng tiền bạc hay thế lực của các mối quan hệ.

Trong lịch sử dài lâu của mình, như một lẽ thường tình, cuộc thi không tránh khỏi những sơ suất, sai lầm, một vài hoa hậu có thể thấy quá sức trước gánh nặng của danh hiệu, nhưng Hoa hậu Việt Nam vẫn tiến lên phía trước với sứ mệnh là sân chơi văn hoá cho nữ thanh niên Việt Nam, là nơi góp phần tôi luyện thêm và tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam. 

Và không chỉ có vậy,nó còn tôn vinh và làm lan toả cả vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam, văn hoá Việt Nam không chỉ trong nước mà ra cả thế giới.

30 năm, một cuộc thi hời hợt có mục đích không sâu sắc, động cơ không vì cái lớn không thể nào kéo dài được đến như vậy, bởi nếu thế nó không thể có được cơ sở xã hội và sự ủng hộ vững chắc của người dân cả nước.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.