30 năm Hoa Học Trò ra số đầu: Đó là một gia đình!

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nếu không có khoảng thời gian sinh viên đẹp đẽ ở Hoa Học Trò, tôi đã không chắc mình theo nghề báo.

Tôi bắt đầu bén duyên với Hoa Học Trò từ năm 1994, lúc chờ kết quả thi đại học. Lúc đó rảnh quá không biết làm gì, tôi cùng với người bạn học chung trường phổ thông là Trung Nghĩa (một thời gian dài làm báo Tuổi Trẻ, hiện là biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ) rủ nhau cộng tác với các báo kiếm nhuận bút. Mới cộng tác viết được vài tin bài, anh Phạm Công Luận, khi đó là Phó Trưởng đại diện phụ trách tờ Hoa Học Trò ở phía Nam hỏi chúng tôi: Hai đứa có muốn ra Hà Nội dự sinh nhật báo tròn 3 tuổi không?

30 năm Hoa Học Trò ra số đầu: Đó là một gia đình! ảnh 1

Tác giả và lần lên bìa báo Hoa Học Trò số 108, chuyên đề Sinh viên (1.1996)

Đó là chuyến ra Bắc đầu tiên của tôi, chuyến đi đầu tiên đến Hà Nội! Đến giờ tôi vẫn nhớ như in lúc đó anh Hoài Linh, phóng viên ảnh của báo chở tôi ra bờ hồ Hoàn Kiếm. Lần đầu tiên ngắm Tháp Rùa vốn chỉ được thấy trong tranh ảnh, tự dưng tôi xúc động nổi hết gai ốc… dù không phải vì lạnh hay vì gió Bờ Hồ…

Chuyến đi ngắn đó quyết định tôi với Hoa Học Trò không chỉ là mối quan hệ cộng tác. Tôi trở nên thân thiết hơn với Hoa Học Trò, tờ báo vốn là gia đình của một thời tuổi trẻ. Ở đó, số 5 Hòa Mã, buổi trưa tất cả cán bộ, phóng viên của tòa soạn cùng nhau ăn trưa. Tôi nhớ hình như trong hội trường, mọi người dùng cơm phần, vui vẻ đùa giỡn, trêu chọc nhau. Ở đó buổi chiều, các chị Tường Vân, Bích Vân, Mai Hoa, Trang Thơ… kéo bọn tôi ra quán. Ở đó buổi tối, chúng tôi sang nhà Chu Quốc Dũng (cũng là thành viên của hội bút ở phía Bắc, hiện là Phó Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô), hồn nhiên chào bố mẹ Dũng rồi xin phép ở lại ngủ đêm…

Gia đình Hoa Học Trò dù là ở phía Bắc hay gia đình nhỏ gắn bó với Hội bút Hương Đầu Mùa ở phía Nam tại số 1 Cao Thắng đều thật sự gắn kết chúng tôi trong một mối quan hệ không chỉ là bạn bè đồng nghiệp. Không chỉ hồn nhiên rất “trẻ trâu” ở lứa tuổi 20 mà là thật lòng và quý mến nhau.

Anh chị tôi thi thoảng vẫn hỏi thăm họa sĩ Mai Hoa, người từng được cả nhóm hội bút đưa đến tá túc nhà tôi một thời gian. Đến nhà tôi, cốt để chị lánh một anh si tình trong lúc được tòa soạn cử vào Nam học trình bày tạp chí trên một phần mềm mới. Phải nói thêm là khi đó Hoa Học Trò là tờ báo đầu tiên ở phía Bắc cải tiến trình bày theo kỹ thuật rất mới này.

Như một gia đình thật sự, thậm chí mãi đến rất nhiều năm sau khi tôi đã không còn làm ở báo Hoa Học Trò nữa, có một hôm vợ chồng Hải Miên hẹn đến, đưa cho tôi ký một hợp đồng mua bán nhà. Khi đó tôi mới sực nhớ hồi còn làm ở Hoa Học Trò, Hải Miên chưa có hộ khẩu ở TPHCM nên nhờ tôi đứng tên mua một căn nhà nhỏ xíu ven rạch trong hẻm sâu…

Từ năm 1994 đến 1999, từ cộng tác viên, tôi trở thành phóng viên báo Hoa. 5 năm đó bằng với khoảng thời gian người ta tốt nghiệp một trường đại học. Ở đó, Hoa Học Trò đúng nghĩa là nơi tôi học được mọi điều về cuộc sống bằng nhãn quan trong trẻo nhất. Tuổi 20, tôi ở đó và đã may mắn được nghe biết bao nhiêu cộng tác viên cây đa cây đề của làng báo: Cứ vài tuần, nhà văn Sơn Nam lại đến chơi, nơi Bùi Chí Vinh, Trần Mạnh Hảo, Trương Nam Hương… tạt qua nói, kể cho chúng tôi nghe cả tỉ điều thú vị. Ở đó, tôi được viết đủ thể loại, miễn là cần cho lứa tuổi học trò; một không gian làm báo rộng mở, sôi nổi nhưng luôn bắt buộc phải đào sâu hơn chứ không thể chạy theo thời sự.

MỚI - NÓNG