3 “kẻ thù” của bàn chân

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
 Họ nhà nấm luôn rình rập để “tấn công” đôi bàn chân xinh xắn của bạn. Hãy tìm hiểu về chúng để bảo vệ bàn chân trước khi quá muộn.

Nấm da chân

Một ngày, khi đang ngắm nghía đôi bàn chân xinh đẹp, bỗng dưng bạn phát hiện ra những nốt đỏ hình tròn và mụn nước. Ban đầu bạn thấy ngứa và sau đó da tróc vảy. Nhiều khả năng chân bạn đã bị nấm.

Thủ phạm gây ra bệnh này là nấm hiển vi. Chúng đến từ những lần bạn đi chân trần ở bể bơi, phòng sauna; từ thói quen dùng chung khăn mặt, khăn tắm hoặc đi giầy thường xuyên... Gãi bằng móng tay hay dùng vật cứng cạo, chích... chỉ làm vùng da bị nấm thêm trầy xước, nhiễm khuẩn, giúp bệnh lan nhanh.

Để trị nấm da chân, có thể dùng các loại thuộc đặc trị như Miconazale 2%, Ketoconazol 1%, Etoral Cream.

3 “kẻ thù” của bàn chân ảnh 1

Nấm móng chân

Chúng khiến cho bề mặt móng sần sùi, đánh mất sắc hồng tự nhiên, thay vào đó là màu nâu hoặc vàng. Móng trở nên dày khác thường nhưng lại rất giòn và dễ gãy, đôi khi còn có mùi khó chịu. Nóng ẩm là điều kiện để cho nấm móng xâm nhập và phát triển. Trong điều kiện thuận lợi, bệnh nhanh chóng lan ra các ngón chân khác, thậm chí các ngón tay chúng cũng “không tha”. Bệnh thường gặp nhất ở những người lớn tuổi, bị tiểu đường, suy giảm miễn dịch hoặc tiếp xúc thường xuyên với nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.

Nấm móng không thể tự khỏi mà phải dùng thuốc uống, bôi tại chỗ, thậm chí phải phẫu thuật lấy bỏ móng. Dung dịch sơn móng ciclopirox là thuốc điều trị nấm móng khá hiệu quả trong trường hợp nhẹ. Nếu bệnh nặng hay lây ra nhiều ngón chân, cần dùng những loại thuốc mạnh, chứa thành phần itraconazole và terbinafine. Bạn cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ chuyên khoa để điều trị dứt điểm.

3 “kẻ thù” của bàn chân ảnh 2

Á sừng

Người mắc bệnh á sừng thường rất khốn khổ vì lòng chân khô ráp, tróc da, nứt nẻ ở rìa, gót chân, đầu các ngón gây đau và chảy máu. Nếu không giữ gìn vệ sinh, người bệnh dễ bị nhiễm khuẩn thứ phát gây sưng tấy, nổi hạch, sốt. Nguyên nhân gây á sừng đến nay vẫn chưa xác định. Song, nhiều ý kiến cho rằng đó là do yếu tố di truyền trong gia đình hoặc do thiếu vitamin A, C, D, E.

Người bệnh không được ngâm rửa chân tay nhiều, hạn chế sử dụng xà phòng, chất tẩy rửa. Tuyệt đối không chà xát lên lớp vẩy bong; giữ khô chân, đặc biệt là các kẽ ngón. Bệnh có xu hướng nặng hơn vào thời tiết khô hanh, mùa đông nên đi tất, đi găng tay để bảo vệ lớp sừng. Các loại hạt và rau quả tươi chứa nhiều vitamin C, E là những thực phẩm tốt cho người bị bệnh này. Ngoài ra, bạn nên uống nhiều nước (2 l/ngày) và tránh xa các thực phẩm cay, nóng, có tính kích thích.

Một số bài thuốc dân gian chữa nấm da chân:

- Vò nát lá trầu không xát vào các kẽ ngón chân, các vùng da bị nấm.

- Xông chân, ngâm rửa chân bằng nước lá lốt nấu.

- Rửa chân bằng nước kim ngân nấu đặc.

- Giã nát búp ổi (hoặc lá muớp già) với muối, xát nhẹ vào chỗ ngứa, ngày 2-3 lần.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG