3 điểm/môn trúng tuyển ngành sư phạm: Có nên bỏ cao đẳng sư phạm?

TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT ĐH FPT
TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT ĐH FPT
"Với điểm số 12,75 đã đỗ sư phạm cho thấy bức tranh giáo dục ngày càng bi đát. Bên cạnh đó cũng cho thấy thí sinh không còn mặn mà với ngành sư phạm", TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT ĐH FPT cho hay.

Vừa qua, dư luận lại hết sức băn khoăn, lo lắng với đầu vào các trường sư phạm. Trường ĐH Sư phạm Huế lấy điểm đầu vào 12,75 (công thức tính điểm riêng) được cho rằng điểm chuẩn quá thấp. Trong khi đó ngành Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội lấy đến 29,25 điểm, ngành Kinh tế Quốc tế của ĐH Ngoại thương là 28,25; ngành Luật kinh tế của ĐH Luật Hà Nội 28,75.

Điều đáng bất ngờ hơn, vừa qua trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh đưa ra mức điểm trúng tuyển các ngành: Sư phạm Toán, Sư phạm Sinh, Sư phạm Ngữ văn chỉ là 9 điểm với phương thức sử dụng kết quả thi quốc gia. Như vậy, chỉ với 3 điểm/môn thi thí sinh đã có sẵn 1 vé vào học tại trường sư phạm.

Điểm đầu vào thấp báo động điều gì về bức tranh giáo dục trong tương lai? Liên quan đến vấn đề trên PV đã có cuộc trò chuyện cùng TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT ĐH FPT.

PV: Thưa TS. Lê Trường Tùng, ông suy nghĩ gì về việc những trường trong khối ngành công an, quân đội lấy trên 30 điểm trong khi điểm chuẩn vào ĐH sư phạm Huế chỉ có 12,75 và một số trường cao đẳng chỉ lấy đầu vào 9 điểm?

TS Lê Trường Tùng: Theo chủ trương chung, giáo viên phổ thông sau này đều phải có trình độ ĐH trở lên. Vì thế giáo viên chỉ học cao đẳng sau này vẫn phải nâng cấp lên trình độ ĐH. Đáng lẽ phải bỏ hệ thống cao đẳng sư phạm đi, duy trì nốt những khóa đang học và nâng cấp những giáo viên hệ cao đẳng lên ĐH.

Thế nhưng, hiện nay chúng ta vẫn duy trì hệ thống cao đẳng sư phạm thì đương nhiên điểm chuẩn phải thấp. Các trường sư phạm đang bỏ mặc chất lượng để chạy theo số lượng. Tất cả các trường trong ngành công an mới chỉ tuyển 1.500 chỉ tiêu trong khi chỉ riêng ĐH Sư phạm Huế đã tuyển hơn 1.500 chỉ tiêu rồi. Khi số lượng muốn theo học các ngành đông, chỉ tiêu ít như ngành công an đương nhiên điểm sẽ cao để đảm bảo chất lượng đầu vào.

Với điểm đầu sư phạm vào thấp như vậy, chúng ta cũng không yên tâm giao cho giáo viên đó đi dạy mặc dù là dạy tiểu học và THCS. Bởi lẽ, những lớp học đầu đời của học sinh ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của các em sau này.

Tuy nhiên, với điểm số 12,75 đã đỗ sư phạm cho thấy bức tranh giáo dục ngày càng bi đát. Bên cạnh đó cũng cho thấy thí sinh không còn mặn mà với ngành sư phạm.

PV: Theo TS, tại sao ngành sư phạm ngày càng “rớt giá” như vậy?

TS Lê Trường Tùng: Hiện nay ngành sư phạm còn tồn tại khá nhiều bất cập. Số lượng giáo viên ra trường thất nghiệp nhiều, để có “vé vào” dạy tại một cơ sở giáo dục thường rất “chật vật”. Đó là chưa kể công việc nhiếu áp lực, tồn tại nhiều rủi ro trong khi lương lại không đủ sống. Vì thế, tính hấp dẫn của sư phạm với những ngành khác không cao, chính vì thế khiến ngành sư phạm ngày càng “rớt giá” đến thảm hại.

PV: Với đầu vào thấp như vậy báo động điều gì về bức tranh giáo dục trong tương lai? 

TS Lê Trường Tùng: Với một đầu vào quá thấp thì chất lượng đầu ra cũng là điều đáng báo động. Việc đầu vào thấp, nhưng trong quá trình dạy, cố gắng nâng tầm cho sinh viên sư phạm  để đảm bảo chất lượng đầu ra là điều mà ít cơ sở giáo dục sư phạm có thể làm được.

Có thầy giỏi thì mới có trò giỏi, sư phạm thực sự cần những giáo viên có năng lực và chuyên môn tốt. Chỉ khi có nền tảng kiến thức vững chắc họ mới có thể đào tạo học sinh tốt nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đổi mới giáo dục phổ thông để nâng cao chất lượng. Vì thế, nhìn vào điểm đầu vào ngành sư phạm quá thấp quả thật cũng là điều khiến nhiều người lo lắng.

PV: Theo TS, chúng ta cần có giải pháp gì để nâng cao đầu vào ngành sư phạm, để những “nhân tài thực sự” đầu quân cho giáo dục?

TS Lê Trường Tùng: Có rất nhiều cách nhưng vấn đề là mức độ kiên quyết để thực hiện thế nào. Lẽ ra là phải “dẹp” cao đẳng sư phạm đi nhưng các trường vẫn cố chạy theo số lượng. Theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Việt Nam ban hành từ cuối năm 2013 đã nói rõ: “Chuẩn hóa giáo viên phổ thông phải có trình độ ĐH”.

Vì thế, việc nâng cấp giáo viên có bằng cao đẳng lên trình độ ĐH đã là việc rất mệt rồi chúng ta còn đi đào tạo hệ cao đẳng. Trong khi đó, lượng giáo viên thất nghiệp ngày càng nhiều.

Để thu hút người tài vào sư phạm, chúng ta “thắt chặt” đầu vào. Hiện nay sinh viên học ngành sư phạm không phải đóng học phí mà do Nhà nước hỗ trợ. Vì thế, nếu số tiền chi cho 10.000 thí sinh sau khi chúng ta “thắt” đầu vào chỉ chi cho 1.000 thí sinh thì không những học sinh không phải đóng học phí mà còn không phải lo chuyện ăn ở, sinh hoạt như các trường công an, quân đội. Hơn thế, khi đầu vào ít thì chúng ta có điều kiện chọn lựa những thí sinh có điểm cao.

PV: Ở nước có nền giáo dục phát triển họ đào tạo sư phạm thế nào thưa TS?

TS Lê Trường Tùng: Ở các nước đó họ quan niệm sư phạm là ngành đặc biệt. Để trở thành giáo viên Toán, đầu tiên người đó phải là cử nhân Toán học. Sau khi học ĐH xong, họ phải học chương trình sư phạm trong 2 năm. Khi ấy giáo viên của họ có 2 bằng ĐH:  1 bằng chuyên ngành phụ trách môn mình dạy, một bằng ĐH sư phạm để người đảm bảo người đó có đủ tố chất đứng trên bục giảng.

Xin cảm ơn TS về  cuộc trò chuyện!

Theo Theo Infonet
MỚI - NÓNG