3.400 câu thơ tình sử Huyền Trân công chúa

Ảnh: Ngọc Ánh
Ảnh: Ngọc Ánh
TP - Bùi Mạnh Hảo tác giả của tác phẩm thơ dài “KHẤP TỐ NHƯ” bằng ngôn ngữ và văn phong của chính Truyện Kiều, Bùi Mạnh Hảo còn là người tuyên ngôn “ĐẤT NƯỚC MÌNH HÌNH NGƯỜI CON GÁI”, và dẫn bằng thơ văn xuôi – dòng thơ hiện đại trọn vẹn trong một thi phẩm.

Hai tác phẩm trên (đều là song ngữ Việt – Anh) vừa được trình làng cuối năm 2013, đã là một chuyện lạ. Nay, lạ hơn nữa Bùi Mạnh Hảo (với bút danh Tâm Minh) vừa cho xuất bản tập thơ “HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA – Hoàng hậu Paramecvari”, một tác phẩm gồm ngót 3.000 câu thơ lục bát và nhiều đoạn phú, thơ văn xuôi, do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành.

Nếu tính cả những câu thơ của các dạng thể phú và văn xuôi, cùng với thơ lục bát làm chính, tác phẩm có tới ngót 3.400 câu thơ, dài nhất trên thi đàn văn học Việt Nam.

Tác phẩm đề cập tới hầu hết các vấn đề lịch sử, xã hội, văn hóa, tự nhiên, tín ngưỡng, đất nước con người Việt Nam và thắt mở các mối quan hệ vua tôi, cha mẹ, vợ chồng, anh em, mẹ con, bằng hữu… tất cả được trải dài theo Thiên tình sử của công chúa Huyền Trân và vua Vương quốc Chăm Pa Chế Mân gần nghìn năm trước.

3.400 câu thơ tình sử Huyền Trân công chúa ảnh 1

Ảnh: Ngọc Ánh

Thông qua thi phẩm này, tác giả giúp người ta hiểu rõ hơn thân phận con người dù ở bất cứ đẳng cấp nào, đặc biệt là phẩm hạnh cao quý và công lao mở nước to lớn của công chúa Huyền Trân cũng như của người phụ nữ Việt Nam nói chung, cùng với tầm vóc tư tưởng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Bố cục tác phẩm thể hiện trong năm chương, chuyển tải nội dung với nhiều thể thức (lục bát, phú, thơ văn xuôi), một cách biểu hiện mới và lạ.

Xuyên suốt tác phẩm là thể thơ lục bát, trữ tình cổ điển. Thể thơ phú có ưu điểm diễn tả rõ ràng, được tác giả sử dụng trong trường đoạn “đấu khẩu” giữa các quan trong vương triều Trần. Thơ văn xuôi – dòng thơ hiện đại, tác giả dùng để chuyển tải mạnh mẽ tư tưởng lớn lao của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Trong suốt tác phẩm, tác giả không sử dụng điển tích của Trung Quốc, hầu như chỉ sử dụng điển tích của Việt Nam. Xem kỹ tác phẩm, dường như tác giả đi ra từ tự nhiên, thiên nhiên: Trời đất, biển cả, sông núi, hoa lá, cát sỏi, giun dế, chim cá… để nói. Dùng tâm linh vượt thoát. Không gian ba chiều để viết và từ tư duy logic; tư tưởng tình cảm của loài người cùng với văn hóa con người Việt Nam để dẫn giải tác phẩm.

Thi tập Huyền Trân ra mắt đúng dịp Đại hội Phật Đản thế giới (Vesak) 2014 tổ chức tại Việt Nam. Âu cũng là một cái “Duyên”, lạ lùng thay.

Huyền Trân công chúa (1287 -1340) là con của vua (Phật hoàng) Trần Nhân Tông, em gái của vua Trần Anh Tông. Năm 1306, bà được gả cho vua Chiêm Thành là Chế Mân. Đổi lại, vị vua này cắt hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân kéo dài đến hết tỉnh Quảng Trị ngày nay) cho Đại Việt. Huyền Trân được tấn phong làm Hoàng hậu Paramecvari. Một năm sau, bà vừa sinh hạ hoàng tử Chế Đa Đa thì Chế Mân qua đời (tháng 5/1307). Đại thần triều Trần Trần Khắc Chung sang viếng tang đã cứu đưa được Huyền Trân trở về Đại Việt (tương truyền bà có nguy cơ bị hỏa thiêu chết theo chồng theo phong tục). Theo di mệnh của Trần Nhân Tông, bà xuất gia đi tu năm 1309 ở núi Trâu Sơn (nay thuộc Bắc Ninh). Bà hóa năm 1340.

MỚI - NÓNG