29 năm Gạc Ma bị chiếm đóng: Mắc nợ người nằm xuống

Tượng đài kỷ niệm chiến sĩ Gạc Ma tại Cam Ranh. Ảnh: Thanh Hải
Tượng đài kỷ niệm chiến sĩ Gạc Ma tại Cam Ranh. Ảnh: Thanh Hải
TP - Mấy ngày này, ông Hoan tất tả ngược xuôi chuẩn bị cho lễ tưởng niệm 29 năm Gạc Ma và cũng là dịp Hội liên lạc Bộ đội Trường Sa CQ-88 ra mắt, có tên gọi chính thức. Ông Hoan chia sẻ, anh em đồng đội tham gia Chiến dịch Chủ quyền 1988 (CQ-88) ở Đà Nẵng đông nhưng tham gia sinh hoạt khoảng 60 người.

Lật giở danh sách 64 đồng đội năm xưa mà mình chỉ huy, trung tá Hoàng Hoan (71 tuổi, nguyên Phó Trung đoàn trưởng chỉ huy chính trị Trung đoàn 83 giai đoạn 1988 – 1997) không khỏi bùi ngùi. Tên tuổi, quê quán 64 liệt sỹ Gạc Ma ông Hoan gần như thuộc hết. Thời gian bôi xóa, nhưng những ký ức về trận chiến và niềm trăn trở về Gạc Ma, về anh em đồng đội vẫn khiến người lính già đau đáu.

“Thay áo” cho đồng đội

Đã thành lệ, mỗi năm vào ngày 14/3, ông Hoan cùng cựu binh CQ-88 Trần Văn Tiến và anh em lại tề tựu làm lễ tưởng nhớ đồng đội. Mấy năm trước, anh em thường ra cảng của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực II bên Sơn Trà để làm lễ và thả hoa đăng. Năm nay, khi trụ sở Công ty Kỹ thuật  và dịch vụ hàng hải của anh Tiến vừa được xây dựng khang trang, anh dành hẳn một căn phòng để làm nơi anh em lui tới chia sẻ buồn vui trong cuộc sống, ôn lại những kỷ niệm một thời gắn bó với Trường Sa. Và nhất là những anh em đồng đội tham gia chiến dịch CQ-88 tưởng niệm đồng đội ngã xuống vì Gạc Ma, vì Trường Sa sẽ sát cánh chia sẻ, kêu gọi giúp đỡ nhau lúc khó khăn hoạn nạn. Cửa vịnh nơi sông Hàn đổ ra biển, sẽ là nơi đồng đội thả hoa tưởng niệm.

“Sông Hàn đổ ra biển sẽ mang theo những lời khấn nguyện đến các anh. Hy vọng một ngày, cửa sông này sẽ đón các anh về với đất liền trong vòng tay đồng đội và người thân”, ông Hoan chia sẻ.

Anh Tiến tham gia chiến dịch với vai trò là lính liên lạc, góp phần đảm bảo thông tin xuyên suốt cho chỉ huy và tiền tuyến. Tiền sảnh công ty những ngày này tấm biển lớn với dòng chữ “Đời đời nhớ ơn 64 liệt sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma 14/3/1988” được đặt ngay ngắn và trang nghiêm. Kèm theo là danh sách 64 liệt sỹ, ghi rõ tên tuổi, quê quán. Nhiều khách nước ngoài đến đây làm thủ tục đăng kiểm được anh Tiến đứng ra giới thiệu và kể về sự kiện Gạc Ma khiến họ xúc động bùi ngùi.

Mấy năm trước, anh Tiến âm thầm đi “thay áo”, cho di ảnh 9 liệt sỹ Gạc Ma ở Đà Nẵng, việc làm đó giúp anh và đồng đội vơi đi ít nhiều day dứt. “Mỗi dịp lễ, anh em chưa có chỗ tưởng niệm đàng hoàng cũng khiến mình ái ngại, nên quyết định dành một phòng làm nơi sinh hoạt cho đồng đội. Lễ tưởng niệm dù lớn hay nhỏ cũng phải tươm tất. Anh em đồng đội còn nằm lại ở Gạc Ma, thi thể chưa về với đất mẹ, anh em chúng tôi đang cảm thấy mặc nợ với đồng đội nhiều lắm”. 

Anh Tiến cũng dự định, đến tháng 3/2018, anh sẽ đi thăm gia đình 64 liệt sỹ xin phép “thay áo” cho đồng đội, để các anh được khoác lên mình bộ quân phục hải quân xứng đáng với sự hy sinh vì chủ quyền Tổ quốc.

Chưa bao giờ thôi nghĩ về Gạc Ma

Mười ngày trước (4/3) lần đầu tiên cựu binh Gạc Ma Lê Văn Đông (Quảng Bình), Trần Thiện Phụng, Lê Hữu Thảo (Quảng Trị) đến viếng 7 ngôi mộ gió liệt sỹ Gạc Ma tại nghĩa trang liệt sĩ TP Đà Nẵng sau khi tiễn đưa đồng đội cựu binh Dương Văn Dũng (Dũng Gạc Ma) về với đất mẹ. Sau ngần ấy thời gian, lần đầu tiên anh Phụng, anh Thảo, anh Đông thắp nhang lên mộ đồng đội của mình, dù rằng đó chỉ là những ngôi mộ không hài cốt. Anh em quây quần ôn lại những kỷ niệm xưa. Rồi kể cho đồng đội nghe về cuộc sống thường ngày, kể về người thân anh em bạn bè. Anh Nguyễn Văn Tấn, Trưởng ban liên lạc Bộ đội Trường Sa (1984 - 1988) báo với anh em đồng đội rằng, Dũng đã về với anh em trong niềm xúc động nghẹn ngào. Hôm đó, anh Phụng ngồi bên mộ đồng đội thật lâu. Anh bảo, những cái tên quen thuộc anh vẫn nhớ từng gương mặt, nụ cười của anh em. Mắt nhòe đi trong làn khói, chờ hương tàn, anh em mới chịu ra về.

“Chưa bao giờ thôi nghĩ về Trường Sa, về Gạc Ma và đồng đội. Ngày nào anh em sống sót chúng tôi cũng khắc khoải, thấy còn mắc nợ với đồng đội và thân nhân các anh”, anh Phụng nói.

Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu (Đà Nẵng) có 7 liệt sĩ, trong số 64 chiến sỹ hy sinh trong cuộc chiến hải chiến năm xưa. Mẹ Lê Thị Muộn có con trai là liệt sỹ Phan Văn Sự. Sau khi con trai hy sinh, Lữ đoàn mang đến cho mẹ một bộ quân phục Hải quân, kỷ vật cuối cùng mà con trai mẹ để lại. Suốt 29 năm nay, mẹ coi bộ quân phục này như một báu vật. Mẹ còn tự tay tháo rời từng đường chỉ, rồi sửa quân phục thành tấm áo bà ba, đi đâu cũng khoác áo lên người để nhớ đến con. Phần yếm áo thừa ra, mẹ gấp lại để trên gối ngủ. Anh Tấn tâm sự.

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại Cam Ranh đã hoàn thành cơ bản

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tọa lạc bên bờ biển bán đảo Cam Ranh (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), trên diện tích khoảng 2,5 ha, với tổng mức đầu tư (dự kiến giai đoạn 1) hơn 150 tỷ đồng, từ sự đóng góp của người lao động, nhân dân cả nước thông qua phát động của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Tâm điểm công trình là cụm tượng đài mang tên “Những người nằm lại phía chân trời” cách điệu “Vòng trong bất tử” – hình tượng những người lính Gạc Ma siết chặt tay nhau bảo vệ cờ Tổ quốc và đảo trong trận hải chiến ngày 14/3/1988. Tác giả cụm tượng đài này là nhà điêu khắc Lâm Quang Nới cùng các cộng sự, thể hiện trên đá hoa cương cao 12m (chưa tính đế), rộng 12m, bán kính 7m.

Công trình khởi công ngày 13/3/2015, đến nay đã cơ bản hoàn thành để khánh thành vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 năm nay.     

T.Q

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.