Ông có thể chia sẻ về ý nghĩa và tầm quan trọng khi Việt Nam giành lại việc điều hành phía Nam FIR HCM?
Việc giành lại quyền điều hành phần phía Nam FIR HCM đã trực tiếp tạo tiếng nói quan trọng trong các vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông. Khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế về hoạt động hàng không dân dụng nói chung, công tác bảo đảm điều hành bay nói riêng. Tạo sự chủ động cho các hoạt động bay quân sự của ta và gián tiếp hỗ trợ công tác bảo vệ vùng trời tổ quốc. Về mặt kinh tế, kết quả đấu tranh này đã giúp mở rộng vùng trời trách nhiệm điều hành bay của Việt Nam, một trong những vùng trời có mật độ bay cao trên thế giới.
Thắng lợi này còn có ý nghĩa to lớn và tạo tiền đề vững chắc trong việc giành lại quyền quản lý phần phía Bắc FIR HCM. Từ năm 2001 - 2006, ta đã xoá bỏ vùng trách nhiệm tạm thời Hồng Công lấn sát vào vùng biển và lãnh thổ nước ta, mở rộng đáng kể vùng quản lý điều hành bay của ta với diện tích ước khoảng 116.000 km2. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, điều hành bay hàng không dân dụng và hoạt động bay quân sự của ta. Đồng thời phân định rõ ranh giới vùng FIR HCM với các vùng FIR kế cận.
Trong hành trình gần 20 năm đấu tranh giành lại FIR HCM, theo ông, đâu là dấu mốc quan trọng nhất?
Có lẽ đó là Hội nghị Không vận RAN-3 được tổ chức tại Thái Lan từ tháng 4-5/1993, với sự tham dự của 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, 6 tổ chức quốc tế tham dự. Trước hội nghị, để khẳng định năng lực quản lý bay của Việt Nam, chúng ta đã đẩy mạnh đầu tư cho quản lý bay từ con người tới cơ sở vật chất, kỹ thuật, để giành lại quyền điều hành FIR HCM. Cuối cùng, Hội nghị RAN-3 đã nhất trí “Việt Nam sẽ chính thức tiếp nhận và điều hành phần phía Nam FIR HCM sau một năm kể từ khi có phê chuẩn của Hội đồng ICAO”.
Xin ông cho biết những tiềm năng kinh tế của việc quản lý FIR HCM trong thời gian tới?
Giành lại quyền điều hành phần phía Nam FIR HCM trong 25 năm qua đã mang lại thành quả tốt đẹp, ghi nhận sự trưởng thành vượt bậc của VATM. Nếu năm 1994 tổng doanh thu của chúng tôi đạt 206,6 tỷ đồng, thì đến năm 2018 tổng thu đạt gần 6.000 tỷ đồng, tăng hơn 28 lần so với kết quả thực hiện của năm 1994, nộp ngân sách Nhà nước đạt trên 3.000 tỷ đồng. Kết quả này đã thể hiện rõ tính hiệu quả về lợi ích kinh tế qua việc giành lại quyền kiềm soát FIR HCM, khi riêng vùng này trong 25 năm qua đã mang về tổng doanh thu 48.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 25.000 tỷ đồng.
Một số đường bay trong vùng FIR HCM thuộc nhóm đường bay nhộn nhịp nhất thế giới. VATM sẽ tiếp tục nhiều giải pháp trong đề án nâng cao năng lực điều hành bay, nhằm tiếp tục củng cố và xây dựng Tổng công ty thành nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay hàng đầu khu vực. Đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hiện, VATM đang trực tiếp cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên 31 đường hàng không trong nước và 36 đường hàng không quốc tế. Riêng FIR HCM mỗi ngày có gần 3.000 chuyến bay đi/đến và quá cảnh qua.