24 giờ không ngủ của y bác sĩ cấp cứu 115 Hà Nội

Những chiếc xe 115 liên tục hú còi di chuyển thời điểm dịch COVID-19 cao điểm ở Hà Nội
Những chiếc xe 115 liên tục hú còi di chuyển thời điểm dịch COVID-19 cao điểm ở Hà Nội
TPO - Ca trực kéo dài 24 tiếng liên tục, lên đường bất cứ khi nào có tiếng chuông reo điều động, trực tiếp tiếp xúc với những bệnh nhân dương tính với SARS- Cov-2, thế nhưng tinh thần của các y bác sĩ cấp cứu 115 vẫn luôn sẵn sàng vì người bệnh.

20 giờ ngày 6/3, lệnh điều động xe được chuyển đến, kíp trực gồm 3 người: bác sĩ Nguyễn Đức Quý (thường gọi là Quý B), điều dưỡng Liên (Liên B) và lái xe nhanh chóng mặc đồ bảo hộ rồi lên đường đến số nhà 125 Trúc Bạch (quận Ba Đình).

Với anh Quý, chị Liên, họ đã tiếp xúc nhiều với những ca nghi nhiễm SARS- Cov-2, trước đó họ đã đưa nhiều người nước ngoài nghi nhiễm đến các bệnh viện. Nhưng đây là lần đầu tiên, họ đón một bệnh nhân dương tính với SARS- Cov-2, là ca nhiễm đầu tiên của Hà Nội, ca nhiễm thứ 17 của cả nước.

Chỉ trong hơn 10 phút, kíp trực đi từ phố Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm) có mặt tại số nhà 125 Trúc Bạch. Thời điểm đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC) đang thực hiện điều tra dịch tễ đối với bệnh nhân. Sau chừng vài phút, cán bộ CDC cho phun thuốc sát khuẩn toàn bộ ngôi nhà cũng như các khu vực xung quanh. Bác sĩ Quý B cùng điều dưỡng Liên B vào bên trong nhà, hướng dẫn bệnh nhân N.H.N thực hiện các biện pháp an toàn theo quy định của ngành y tế. Đeo khẩu trang cho bệnh nhân và khuyến cáo bệnh nhân không nói chuyện suốt thời gian đưa ra xe. Lúc này chị N sốt nhẹ, ho hắng.

Cùng trong tối hôm ấy, lái xe và bác của bệnh nhân N cũng được lực lượng 115 chuyến đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh) để theo dõi và điều trị. Sau này cả 2 người này đều xác định dương tính với SARS- Cov-2.

24 giờ không ngủ của y bác sĩ cấp cứu 115 Hà Nội ảnh 1

Cấp cứu 115 có mặt đưa bệnh nhân đầu tiên của Hà Nội đi điều trị

Sau ca nhiễm COVID-19 đầu tiên của Hà Nội, đường dây nóng 115 mỗi ngày tiếp nhận gấp đôi số cuộc gọi. Bác sĩ Nguyễn Hữu Liên (điều hành phòng trực) cho biết, từ khi phát dịch, mỗi ngày tổng đài nhận 1.200 – 1.500 cuộc gọi, cao điểm có hôm 1.800 cuộc gọi. Trong đó có nhiều cuộc gọi không cấp cứu mà để tư vấn về biểu hiện bệnh. Nhiều người lo lắng nhưng đôi khi chỉ là cảm cúm thông thường. Lúc đó, ca trực có thêm công việc điều tra dịch tễ nhanh về vùng di chuyển, tiếp xúc những ai, nếu không có nghi vấn thì có thể loại ra khỏi đối tượng có nguy cơ. Nếu có vấn đề nghi ngờ, cán bộ trực tổng đài sẽ chuyển cuộc gọi đến Trung tâm y tế các quận, huyện địa bàn.

Mỗi ca trực kéo dài 24 giờ, mọi ăn uống chỉ là tranh thủ, 3 người trực luôn căng mình trước mỗi tiếng chuông reo từ 6 chiếc điện thoại trên bàn. Đáng buồn, 40% số đó là những trường hợp gọi trêu đùa, chửi bậy… “Làm nhiều cũng quen, nhân viên trực không bận tâm về vấn đề đó nữa, chỉ lo trong lúc nghe những cú điện thoại “trời ơi” lại có những cú điện thoại thực sự cần cấp cứu thì rất ảnh hưởng”, bác sĩ Liên nói.

Ngoài trực chiến với dịch bệnh, những ca cấp cứu cho người đột quỵ, chấn thương... vẫn liên tục dồn về.

Đến thời điểm này, dịch COVID-19 đã tạm thời lắng xuống, số cuộc gọi cấp cứu đã giảm đi nhiều, nhưng đội ngũ điện thoại viên vẫn luôn đáp ứng đủ quân số. Bởi số người gọi điện đến nhờ tư vấn về triệu chứng dịch vẫn còn nhiều.

24 giờ không ngủ của y bác sĩ cấp cứu 115 Hà Nội ảnh 2

Mỗi ca trực là 24 giờ với chiếc máy điện thoại liên tục đổ chuông.

24 giờ không ngủ của “chiến sĩ” 115

Bác sĩ Trần Anh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, các ca cấp cứu COVID-19 gần như không còn. Thi thoảng có 1, 2 trường hợp sốt, có tiền sự dịch tễ liên quan thì anh em bác sĩ vẫn mặc đồ bảo hộ để chuyển bệnh nhân. Tuy nhiên sau đó xét nghiệm thì đều âm tính. "Đây là khoảng thời gian nhẹ nhàng hơn với anh em cán bộ 115 sau 1 thời gian căng mình chống dịch", bác sĩ Thắng nói.

Tuy vậy, Trung tâm 115 Hà Nội vẫn duy trì chế độ làm việc 24 giờ, nghỉ 48 giờ. Nghĩa là một cán bộ sẽ làm nhiệm vụ liên tục trong 1 ngày, điều này để tránh gián đoạn, giảm thời gian đổi ca, tăng năng suất lao động. Nói làm 24 giờ nhưng không có nghĩa là đúng 24 giờ, nhiều lúc ca trực đến 8 giờ thì 7g30 có cuộc cấp cứu khẩn, các y bác sĩ lại lên đường không thể chậm trễ. Có những ca cấp cứu đến 9 – 10 tiếng.

Cần phải nói rằng, những đối tượng vận chuyển của cấp cứu 115 có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn những lực lượng vận chuyển khác. Vì thế, các y bác sĩ của 115 luôn ý thức về việc tự bảo vệ mình trước dịch cho bản thân và cả cộng đồng.

Sau mỗi chuyến đi, xe cấp cứu dù đã được khử khuẩn trước khi ra khỏi viện thì công đoạn khử khuẩn tại chỗ là không thể thiếu. Xà phòng, vòi xịt được ê kíp 3 người đưa ra dọn dẹp sạch sẽ xe cấp cứu, bác sĩ làm sạch khoang ngoài, điều dưỡng phun rửa bên trong, lái xe làm sạch buồng lái. Rửa sạch sẽ xong, xe được sưởi bằng đèn và khử khuẩn lần cuối bằng tia cực tím.

24 giờ không ngủ của y bác sĩ cấp cứu 115 Hà Nội ảnh 3 Khử khuẩn làm sạch xe sau mỗi ca cấp cứu
24 giờ không ngủ của y bác sĩ cấp cứu 115 Hà Nội ảnh 4 Đây là việc cực kỳ quan trọng để đảm bảo an toàn cho những người trực tiếp chống dịch

Cẩn thận là thế nhưng lo lắng không phải không có. Ở trung tâm có 4 cặp vợ chồng cùng làm với nhau, công việc căng thẳng nên đều phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc. Có cặp vợ chồng từ Tết đến giờ mới chỉ gặp con 1, 2 lần.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Liên tâm sự, những lúc này cán bộ 115 đều mong muốn được test tổng thể một lần vào một dịp gần nhất. “Đây cũng là để anh em chúng tôi được kiểm tra sức khỏe, an tâm hơn, động lực hơn để tiếp tục cống hiến cho cộng đồng”, bác sĩ Liên nói.

Bác sĩ Nguyễn Văn Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm, là người có 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cấp cứu. Ông từng tham gia chống dịch SARS, H5N1, H1N1… nhưng cũng phải thừa nhận chưa dịch bệnh nào mạnh như COVID-19 lần này. Trung tâm không có phòng ăn chung do đặc thù công việc luôn đột xuất, anh em cùng làm với nhau thật nhưng để đi ăn với nhau một bữa chung rất khó. “Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ế là thường” là câu nói đùa nhau về những y bác sĩ tại 115. Nhận thấy sự vất vả của anh chị em, lãnh đạo trung tâm bổ sung vào mỗi xe cấp cứu vài chiếc bánh mỳ và hộp sữa. “Kíp trực nào kéo dài, có đói thì cũng có đồ lót dạ”, bác sĩ Chánh nói.

 Bác sĩ Nguyễn Đức Quý cho biết, mặc đồ bảo hộ đi cấp cứu thì việc đầu tiên là phải đi… vệ sinh. Bởi trong suốt thời gian mặc đồ bảo hộ không thể cởi bộ đồ ra. Có ca trực đón bệnh nhân trên sân bay Nội Bài kéo dài hơn 9 tiếng, cả ê kíp chỉ ăn chút bánh mỳ, uống nước lọc, còn mọi thứ đều phải… nhịn.

MỚI - NÓNG