> Tàu cá bị đâm chìm, 4 ngư dân được cứu sống
> Bệnh xá Song Tử Tây cứu ngư dân
Ngư trường xa, lắm thiệt thòi
Theo Phó GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi Phan Huy Hoàng, ngư dân Quảng Ngãi ra ngư trường Hoàng Sa thường xuyên bị tàu Trung Quốc ngăn cản, cướp bóc, đẩy đuổi. “Tàu Quảng Ngãi ra Hoàng Sa nếu gặp tàu Trung Quốc thì gần như chắc chắn quay về với thiệt hại lớn. Vì thế, đề nghị phải nghiên cứu tăng thêm hỗ trợ cho những ngư dân, những tổ đội bám biển Hoàng Sa, tối thiểu phải hỗ trợ thêm 2 chuyến biển trong năm để bù vào chi phí thiệt hại”.
Thực tế, rất nhiều tàu ở Quảng Ngãi rẽ sóng ra ngư trường Hoàng Sa, gặp ngay tàu Trung Quốc hoặc đánh bắt một vài ngày thì bị đẩy đuổi, cướp bóc nên phải trở về. Trong khi đó, quy định của QĐ 48 là tàu xa bờ cần phải ra khơi xa tối thiểu 15 ngày mới được hỗ trợ. Đây là một thiệt thòi lớn, bởi người dân vừa bị trắng tay, lại mất tiền hỗ trợ.
Quảng Ngãi hiện có hơn 5.500 tàu ra khơi, trong đó có 2.300 tàu trên 90 CV, thường xuyên ra ngư trường Hoàng Sa. Tuy nhiên, có nhiều tàu dưới 90 CV (đối tượng không được hỗ trợ) vẫn bám biển xa. “Đây đa số là ngư dân nghèo, luôn có khát vọng ra Hoàng Sa nhưng chưa đủ tiềm lực. Chúng ta cũng cần cân nhắc hỗ trợ” - ông Hoàng nói.
Phải làm sao để ngư dân hiệu quả trong đánh bắt, đó mới là mấu chốt. Không phải cứ đưa tiền là xong”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát
“Với Quảng Bình và nhiều tỉnh ven biển khác, Hoàng Sa vẫn là ngư trường mới, độ sâu lớn, đối tượng khai thác mới. Vì thế, nhiều ngư dân khao khát ra Hoàng Sa nhưng không đủ tiềm lực sắm tàu lớn, đầu tư ngư cụ. Người dân không thể vay ngân hàng để mua sắm vì nhà họ đã cầm rồi, cầm tàu thì không thể. Bắt buộc họ phải vay lãi nóng, khiến bà con ngư dân rất vất vả. Chúng ta cần nghiên cứu hỗ trợ ngay” - ông Trần Đình Du, Phó GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình đề nghị. Năm 2012 và 6 tháng đầu 2013, Quảng Bình giải ngân trên 50 tỷ đồng tiền hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân. Ông Du đề nghị trung ương bổ sung kinh phí 30 tỷ để hỗ trợ cho ngư dân những tháng còn lại của năm 2013.
Tin nhắn giữa trùng khơi: còn bất cập
Sau khi xảy ra bất cập của việc xin con dấu ở ngư trường Hoàng Sa (để nhận hỗ trợ theo QĐ 48), các bộ ngành đã cải tiến bằng cách lắp đặt máy định vị trên tàu và trạm bờ. Từ khơi xa, ngư dân xác minh với đất liền bằng tin nhắn.
Ông Hồ Văn Tình (chủ tàu ĐNa 90082 và 90051, Thanh Khê, Đà Nẵng) nhiều lần phản ánh các tàu của ông trong năm 2012 đi nhiều chuyến biển, có nhắn tin về nhưng máy chủ ở Chi cục thủy sản Đà Nẵng không hiển thị. Sau đó, qua kiểm tra đã phát hiện lỗi phần mềm, những chuyến biển thực tế của ông Tình đã được hỗ trợ.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho hay, từ khi xây trạm bờ (tháng 11/2011) đến nay, lượng tin nhắn từ tàu thuyền là 297.000 tin. Tuy nhiên, đầu năm tới nay, lượng tàu thuyền tăng vọt nên thường xuyên nghẽn mạch khiến ngư dân rất khó khăn. Kênh tần số chính 7918 kHz thường xuyên bị nhiễu và ít có thời gian rỗi để ngư dân gửi tin nhắn. Bốn kênh dự phòng khác thì ngư dân không thể sử dụng.
Theo Bộ NN&PTNT, việc liên lạc bằng các thiết bị máy móc giữa đất liền và biển xa nhằm phục vụ hỗ trợ tiền xăng dầu vẫn còn nhiều vướng mắc. Cụ thể như chưa quy định số lượng tin nhắn; khi chuyển đổi sở hữu tàu gặp khó khăn việc xử lý máy ICOM, GPS; nhiều tàu ngư dân tự trang bị ICOM, định vị hiện rất hoang mang vì không biết có được hỗ trợ hay không. Đại diện Cty CP thiết bị hàng hải (MeCom) cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến, đồng thời là bảo dưỡng máy móc, đặc biệt thiết bị ăngten. Ngoài ra, vi rút trên mạng internet cũng rất nguy hiểm, bởi chỉ cần bị hack, rất có thể những thông tin, con số về tàu thuyền, lao động trên biển rơi vào tay kẻ xấu.
Hiện đã có gần 2.000 tàu cá được hỗ trợ máy định vị GPS. Dự kiến hết năm 2014 sẽ phủ sóng GPS trên toàn bộ tàu đủ điều kiện đánh bắt vùng biển xa. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho hay, cần phải siết chặt hơn nữa việc quản lý bằng tin nhắn, trong đó, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, ngư dân cũng như Hải quân, Biên phòng. Thời gian tới sẽ nghiên cứu cung cấp thiết bị chất lượng nhằm đảm bảo không bị nghẽn mạch, lỗi phần mềm.
Chính sách đặc thù cho ngư dân ra Hoàng Sa?
“Khi ra công tác Trường Sa, tôi và nhiều người cảm nhận được sự cảm động của các chiến sĩ khi thấy những tàu ngư dân xuất hiện quanh đảo. Chúng tôi ước gì, xung quanh đảo, tàu ngư dân ta lúc nào cũng đông nghịt, trên 1 ngàn chiếc, đồng nghĩa với hơn 10 ngàn ngư dân có mặt trên biển. Bây giờ, đã có 2 ngàn tàu được lắp máy định vị, một con số vượt xa mong đợi” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nói. Về những trăn trở của ngư dân Quảng Ngãi, Bộ trưởng cho hay, sẽ đốc thúc nghiên cứu về vấn đề này, đó có thể là một chính sách đặc thù cho ngư dân ra Hoàng Sa. Hỗ trợ ngư lưới cụ hay làm sao hỗ trợ ngư dân bị nạn trở về, dưới 15 ngày bám biển, chưa đủ quy định. Chúng ta phải nghiên cứu, cân nhắc kỹ.
“Phải có nhiều biện pháp, ví như lồng chương trình khuyến ngư vào việc hỗ trợ. Vận động ngư dân tham gia tổ đội đoàn kết, hỗ trợ máy làm lạnh, lọc nước... để giữ chất lượng hải sản. Phải làm sao để ngư dân hiệu quả trong đánh bắt, đó mới là mấu chốt. Không phải cứ đưa tiền là xong” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói. Theo Bộ NN&PTNT, sau hội nghị, Bộ sẽ tập hợp ý kiến, làm văn bản báo cáo Thủ tướng xin ý kiến về triển khai giai đoạn tiếp theo của QĐ 48.
Ủy ban liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc đã quyết định lập đường dây nóng nhằm giải quyết các vụ việc. Theo đó, phía Việt Nam do Cục Kiểm ngư (Tổng cục thủy sản), phía Trung Quốc là Cục Ngư chính Nam Hải (Bộ Nông nghiệp) làm đầu mối tiếp nhận thông tin. Số liên lạc phía Việt Nam: fax: 0084-4-62733279, điện thoại: 0084-4-62737323; phía Trung Quốc:
fax: 0086-20-87300715, điện thoại: 0086-20-37199010.