2000 tỷ xây, nâng cấp Trung tâm hỗ trợ nông dân: Hiệu quả không?

Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Trường Phong
Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Trường Phong
TP - Theo tài liệu báo cáo của Hội Nông dân khi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, dự toán tổng kinh phí đầu tư xây dựng và nâng cấp các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành phố trong cả nước là 2.148 tỷ đồng.

Xin 1.600 tỷ đồng trong 3 năm

Cụ thể, tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ tháng 4/2015, Hội Nông dân cho biết, về nhiệm vụ đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở đào tạo, dạy nghề cho nông dân, Ban Thường vụ T.Ư Hội đã: Xây dựng và ban hành Quyết định số 945-QĐ/HNDTW, ngày 30/12/2011 phê duyệt Đề án Quy hoạch đầu tư xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân cấp tỉnh để tổ chức thực hiện; Chỉ đạo các tỉnh, thành Hội xây dựng đề án và đề nghị UBND các tỉnh, thành phố hoặc tỉnh, thành ủy ra quyết định thành lập mới hoặc đổi tên các Trung tâm Dạy nghề thành Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân trực thuộc các tỉnh, thành Hội.

Cũng theo Hội Nông dân, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ về rút ngắn thời gian hoàn thành đầu tư xây dựng mới và nâng cấp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân cấp tỉnh xuống còn 5-7 năm, Ban Thường vụ T.Ư Hội đã lập kế hoạch trung hạn đến năm 2017 hoàn thành việc xây mới và nâng cấp, bổ sung trang thiết bị các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh, tiến hành điều chỉnh quy hoạch, lộ trình thực hiện các dự án ở các tỉnh, thành phố. Hội Nông dân các tỉnh, thành phố cũng được chỉ đạo khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư xây dựng và giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án; đến tháng 4/2015 (thời điểm báo cáo - PV) 54 tỉnh, thành phố đã bố trí mặt bằng xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân.

Theo số liệu trong báo cáo, dự toán tổng kinh phí đầu tư xây dựng và nâng cấp các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành phố trong cả nước là 2.148 tỷ đồng. Trong 4 năm 2012 – 2015 đã được cấp 648 tỷ đồng (bình quân mỗi năm cấp 162 tỷ đồng). 

Trong cuộc làm việc nói trên, T.Ư Hội Nông dân đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cấp 1.600 tỷ đồng đầu tư xây dựng mới và nâng cấp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân cấp tỉnh, phân bổ trong 3 năm: Năm 2015 ứng hoặc cấp bổ sung 500 tỷ đồng; năm 2016 cấp 600 tỷ; năm 2017 cấp 500 tỷ để bảo đảm tiến độ đề án. Như vậy, tổng kinh phí đầu tư xây dựng có thể lên tới 2.248 tỷ đồng.

Báo cáo Công tác Hội và phong trào nông dân năm 2015 của Hội Nông dân cho biết, năm 2015 có thêm 7 dự án đầu tư xây mới và nâng cấp Trung tâm được khởi công, 3 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng. Đến quý I năm 2016 đã có 11 công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Hoạt động nhưng chưa quyết toán?

Trước đó, khảo sát một số Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, Chi nhánh Trung tâm hỗ trợ nông dân, nông thôn ở một số tỉnh, được biết, số lượng giáo viên, nhân viên, cán bộ thuộc Trung tâm rất ít. Nhiều Trung tâm vẫn phải đi thuê giáo viên giảng dạy. 

Đơn cử như ở Thái Nguyên, trong cuộc trò chuyện với phóng viên, ông Trần Văn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh cho biết, hiện Trung tâm có khoảng chục người, đều là lao động hợp đồng. “Chưa có giáo viên cơ hữu. Mới có cán bộ quản lý khung thôi”, ông Nguyên nói.

Cũng trong tình trạng đó, ông Bùi Đức Thái Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện Trung tâm có khoảng 10 giáo viên, còn lại vẫn phải đi mời thêm. “Giáo viên nghề sửa chữa máy nguội phải thuê thêm ngoài. 

Hiện tại chưa có giáo viên cơ khí. Có một người mới chuyển về nhưng chưa quen nên chưa dạy được”, ông Bình nói. Cũng theo ông Bình, dù được xây dựng khá hoành tráng nhưng hiện tại vẫn chưa đủ thiết bị. “Bàn ghế còn chưa có. Cả ở lớp học và hội trường”, ông Bình nói.

Ông Bình cũng giải thích, ngoài hoạt động dạy nghề, Trung tâm còn có một số hoạt động như tư vấn, hỗ trợ nông dân… tuy nhiên, hoạt động đó không thường xuyên. 

“Thực ra cái này chúng tôi nhờ vào chính sách. Chúng tôi xin được cái gì, nhà nước hỗ trợ cái gì thì chúng tôi triển khai đến người dân cái đó chứ không theo kế hoạch gì cả”, ông Bình nói. Vẫn theo lãnh đạo Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Tuyên Quang, đến nay công trình vẫn chưa được kiểm toán, quyết toán.

Liên quan đến các chi nhánh Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn ở Thừa Thiên - Huế và Phú Yên, bà Lê Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (T.Ư Hội Nông dân) cho biết, trường hợp ở Thừa Thiên - Huế chỉ có một cán bộ, vừa làm giám đốc, vừa làm bảo vệ, nhân viên trông nhà, ở Phú Yên thì có 2 người. “Đây là một bất cập mà chúng tôi không xử lý được”, bà Hương nói và cho biết, các công trình đều vẫn đang chờ kiểm toán, quyết toán dù đã xây dựng cách đây cả chục năm.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Tiền Phong về tình trạng cán bộ, biên chế của các trung tâm này, ông Lương Quốc Đoàn, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Hội Nông dân cho biết, việc phân bổ cán bộ chủ yếu ở đầu mối phía trên, còn ở dưới không có biên chế. “Trong tình trạng rất khó khăn thì chủ yếu là cho một biên chế, còn lại đơn vị phải tự lo. Vì đây đều là đơn vị sự nghiệp có thu cho nên không thể nào có biên chế đủ cho hoạt động”, ông Đoàn nói. 

Cũng theo ông Đoàn, tất cả các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân và các chi nhánh Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn đều là đơn vị sự nghiệp. Ông Đoàn giải thích thêm về trường hợp mỗi chi nhánh Trung tâm hỗ trợ nông dân, nông thôn chỉ có một, hai người: “Chỉ có một hai người đứng lên duy trì, làm đầu mối, trực thuộc trung tâm hỗ trợ nông dân, nông thôn ngoài này. 

Theo phân cấp, các đơn vị đó có quyền được tuyển dụng cán bộ hợp đồng”. Cũng theo ông Đoàn, vì lý do nhiều năm chưa hoàn thiện do vấn đề kinh phí từ T.Ư cấp xuống nên các trung tâm chưa thể hoạt động đúng như một đơn vị sự nghiệp. “Lãnh đạo T.Ư Hội cũng đang chỉ đạo các đơn vị xây dựng đề án hoạt động”, ông Đoàn nói.

Thủ tướng từng yêu cầu đánh giá hiệu quả

Về việc rút ngắn thời gian hoàn thành còn 5 - 7 năm đối với việc đầu tư xây mới và nâng cấp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh; đến năm 2017 cấp thêm 1.600 tỷ đồng để hoàn thành xây mới và nâng cấp Trung tâm, trong công văn thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với T.Ư Hội Nông dân tháng 4/2015 ghi rõ: “Thủ tướng Chính phủ đề nghị T.Ư Hội Nông dân đánh giá hiệu quả của 35 dự án đã được đầu tư, rà soát nhu cầu đầu tư các dự án còn lại, gửi Bộ KH&ĐT tổng hợp đưa vào kế hoạch trung hạn 2016 - 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.