200 tỷ đồng thiệt hại của Navibank đang nằm ở đâu?

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Tân Châu.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Tân Châu.
TP - Hôm qua (2/3), phiên tòa của TAND TPHCM  xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (Navibank) nay là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân, tiếp tục với việc các luật sư (Ls) tham gia xét hỏi.

“Navibank không mất tiền...”

Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX) các bị cáo khẳng định số tiền 200 tỷ đồng không phải là thiệt hại của vụ án mà đang ở VietinBank. Bị cáo Phạm Thị Thu Hiền (nguyên trưởng phòng pháp chế) cho rằng, mình thực hiện theo sự phân công của lãnh đạo và hoàn toàn không biết số tiền đã mất như thế nào. Bị cáo Hiền cho biết, nếu bị buộc tội là quá bất công. “Rất oan cho bị cáo vì bị cáo thấy không vi phạm bất cứ quy định nào, thời điểm xét phê duyệt cho vay, bị cáo không có trách nhiệm xem xét phương án cho vay nên bị cáo nghĩ là oan sai cho bị cáo” - Bị cáo Hiền nói trước HĐXX. Bị cáo Lê Quang Trí (nguyên tổng giám đốc) trình bày việc chuyển tiền của Navibank sang VietinBank theo đúng hợp đồng, và số tiền này theo bị cáo Trí là vẫn đang nằm tại VietinBank chứ chưa bị thiệt hại. Đồng quan điểm với bị cáo Trí, bị cáo Trần Thanh Bình (nguyên trưởng phòng khách hàng) khẳng định, số tiền 200 tỷ đồng chắc chắn vẫn còn nằm ở VietinBank Chi nhánh TP.HCM vì hồ sơ, quá trình chuyển tiền đều hợp lý. “Khi không có chữ ký, giấy tờ của các nhân viên Navibank thì không thể rút tiền”, bị cáo Bình nói.

Đồng tình với các bị cáo nguyên cán bộ Navibank, đại diện Navibank cũng khẳng định, cáo trạng xác định Huyền Như chiếm đoạt 200 tỷ đồng là không đúng. Số tiền nay đang ở VietinBank hay đang ở đâu là vấn đề nội bộ của VietinBank. “Theo chúng tôi, số tiền 200 tỷ đồng không mất mà vẫn ở VietinBank nên yêu cầu VietinBank bồi thường cho chúng tôi”, đại diện Navibank nói.

Đáng lưu ý là phần tham gia xét hỏi của luật sư Trần Vũ Hải (Đoàn Ls TP Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Lê Quang Trí, Nguyễn Hồng Sơn). Theo Ls Hải, cáo trạng cho rằng từ hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm vụ “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như, cáo trạng “lấy” phần thiệt hại 200 tỷ đồng từ các bản án đó, rồi quy chụp cho 10 bị cáo đang ngồi ở đây là hết sức phi lý: VietinBank phải có bản sao kê và tài liệu liên quan chứng minh số tiền 200 tỷ đồng đã được rút ra như thế nào mới chứng minh được thiệt hại, đằng này chỉ lấy một phần bản án phúc thẩm rồi áp dụng cho 10 bị cáo là không thuyết phục, hạn chế quyền chứng minh không gây thiệt hại của các bị cáo, một vụ án mà không chứng minh thiệt hại thì sao xét xử hành vi phạm tội?” – Ls Hải đặt vấn đề với HĐXX.

Trả lời ông Hải, đại diện VietinBank nói rằng đã nộp chứng từ hết cho Tòa từ rất lâu, ông Hải nói rằng hồ sơ vụ án không thể hiện việc rút tiền 200 tỷ đồng này ra khỏi VietinBank. Trong khi đó chủ tọa nói rằng cần đọc lại bút lục, tuy nhiên ông Hải trả lời Tòa rằng: Các bút lục thể hiện rút tiền từ VietinBank Chi nhánh Nhà Bè, ở đây tôi muốn hỏi là hỏi các bản sao kê rút tiền 200 tỷ đồng này từ VietinBank Chi nhánh TPHCM, và nếu không có các chứng từ rút tiền thì tôi cho rằng 200 tỷ đồng này còn ở VietinBank Chi nhánh TPHCM và nếu tiền còn thì không có thiệt hại, không có thiệt hại thì không thể quy kết các bị cáo phạm tội - Ls Hải phân tích.

Tình tiết tố tụng mới: Không dự tòa nhưng bị buộc công nhận bản án!

Phiên tòa thực sự “nóng” khi Ls Nguyễn Hà Luân (Đoàn Ls TP Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Giang Nam, Cao Kim Sơn Cương) tham gia xét hỏi, theo vị Ls phiên tòa sơ thẩm ngày 27/1/2014, TAND TPHCM đã tuyên án tù chung thân đối với Huỳnh Thị Huyền Như về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Đến ngày 7/1/2015, bản án phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM  tuyên phạt tù chung thân Huỳnh Thị Huyền Như. Bản án phúc thẩm tuyên liên quan tới Navibank là Huyền Như chiếm đoạt của Navibank 200 tỷ đồng và xác định Navibank bị thiệt hại. Nay tại phiên tòa này, cáo trạng mang nội dung bản án Huyền Như chỉ với phần Navibank thiệt hại 200 tỷ đồng áp dụng quy tội 10 bị cáo, điều này khiến các bị cáo bất ngờ. Theo vị Ls, trong phiên tòa xử vụ Huyền Như trước đây, 9/10 bị cáo không tham gia phiên tòa với bất cứ tư cách nào (ngoại trừ bị cáo Đoàn Đăng Luật có tham gia với vai trò người liên quan), vì vậy các bị cáo không được bảo vệ và chứng minh hành vi của mình không gây thiệt hại, nay tại phiên tòa này, HĐXX cho rằng phần 200 tỷ đồng thiệt hại là lấy từ bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật rồi không bàn đến nữa. “Điều này khiến bị cáo bất ngờ và hạn chế quyền tự bảo vệ của các bị cáo”- Ls Luân nói. Cũng theo vị luật sư này thì “Tòa xử tội các bị cáo gây thiệt hại, nhưng tại tòa không cho các bị cáo chứng minh mình không gây thiệt hại là tình huống pháp lý hy hữu, sai phạm tố tụng nghiêm trọng”.

Ngày 5/3 phiên tòa sẽ tiếp tục sau 2 ngày nghỉ cuối tuần.

“Tòa xử tội các bị cáo gây thiệt hại, nhưng tại tòa không cho các bị cáo chứng minh mình không gây thiệt hại là tình huống pháp lý hy hữu, sai phạm tố tụng nghiêm trọng”.

Luật sư Nguyễn Hà Luân

Trong xét xử đại án Huyền Như, bản án Hình sự sơ thẩm và Bản án Hình sự phúc thẩm đã xem xét và giải quyết nội dung thiệt hại do hành vi của Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 200 tỷ của Navibank. Cụ thể Như đã sử dụng chứng từ được ký khống, giả mạo chữ ký của các nhân viên Navibank để chiếm đoạt tiền khi tiền được chuyển vào tài khoản của Nhân viên Navibank đứng tên. Do bản án đã có hiệu lực và đã được giải quyết vấn đề dân sự nên phạm vi việc xét xử 10 cựu cán bộ Navibank trong vụ án này không xem xét nội dung về thủ đoạn, thiệt hại của Navibank mà Huyền Như đã lừa đảo, chiếm đoạt.

Phiên toà vụ án tại Navibank đang diễn ra chỉ xét xử hành vi cố ý làm trái của các lãnh đạo, cán bộ và nhân viên Navibank gây thiệt hại thực tế (200 tỉ đồng) và có phán quyết có hiệu lực của Toà án đối với số bị cáo đó”. 

Vũ Thuỷ

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.