Sau sự cố cá chết hàng loạt ở Hồ Tây (Hà Nội), UBND Thành phố Hà Nội đã lập tức tung nhiều lực lượng với hàng nghìn người làm việc thâu đêm suốt sáng để khắc phục sự cố.
Nhằm tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, công việc thu gom và xử lý cá chết chủ yếu diễn ra vào đêm khuya.
Song song với việc thu tôm cá chết, lực lượng chức năng đã liên tục tiến hành lấy mẫu nước Hồ Tây đưa đi xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân của sự cố.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trong 3 ngày vừa qua (từ 2-4/10), số lượng cá chết tại Hồ Tây đã lên tới 200 tấn. Toàn bộ số cá chết trên đều được mang đi chôn lấp theo tiêu chuẩn tại Trung tâm xử lý rác thải Nam Sơn.
Tất cả số cá vớt lên đều được khử trùng tại chỗ trước khi mang đi xử lý.
Việc thu gom cá chết được thực hiện liên tục không ngừng nghỉ. (Trong ảnh: Lực lượng thu gom cá Hồ Tây phải tranh thủ nghỉ ngơi và ăn giữa đêm khuya).
Tại Trung tâm xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội), các hố chôn cá đều được rắc vôi bột xung quanh để diệt khuẩn. Sau khi chôn các bao tải cá cùng vôi bột, các lớp bao tải sẽ được chèn lớp đất lên trên và phun chất khử mùi, thuốc sát trùng để tránh dịch bệnh.
Ông Lê Hồng Phong, phó giám đốc Trung tâm xử lí chất thải Nam Sơn cho biết, quy trình xử lý cá trước đây đã được áp dụng để xử lý gia cầm, gia súc bị dịch bệnh.
Sau khi xử lý xong cá, mỗi xe chở cá lại được vệ sinh, khử trùng để tránh dịch bệnh lây lan trong quá trình di chuyển.
Các phương tiện vận chuyển sau khi vệ sinh phần thùng và bên ngoài để khử mùi còn phải trải qua khâu vệ sinh bằng Cloramin B để đảm bảo vệ sinh và phòng dịch bệnh.
Còn tại Hồ Tây, ngay khi xảy ra sự cố, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng nghiên cứu đặt nhiều máy lọc nước. Được biết, đến chiều ngày 3/10 mức oxy hòa tan trên mặt nước Hồ Tây đã nâng từ 0 lên 2,8 mg/l.