20 tỉnh, thành đã phát dịch

20 tỉnh, thành đã phát dịch

(TP-Hà Nội) - Báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) ngày 19/1 cho hay, Hải Dương đã trở thành tỉnh thứ 4 ở phía Bắc bùng phát ổ dịch cúm gia cầm sau Nam Định, Hà Nam và Hà Nội. Dịch cúm gia cầm bùng phát ở 2 xã: Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) và Thái Học (Gình Gia) đã khiến phải tiêu hủy 100 gia cầm. Nhiều chuyên gia dự đoán, sau Hải Dương chắc chắn sẽ có nhiều tỉnh miền Bắc bùng phát ổ dịch cúm gia cầm, nhất là khi điều kiện thời tiết ở phía Bắc đang rất thuận lợi cho virus lây lan, phát triển.

Trong ngày 18/1, cả nước có thêm 46 ổ dịch tại 19 xã của 7 huyện thuộc 3 tỉnh: Hải Dương, Kiên Giang và Bình Dương. Số gia cầm bị chết và tiêu hủy trong ngày này là: 12.460 gà; 4.413 vịt; 24.500 chim cút. Cũng theo Cục Thú y, trong 19 ngày đầu năm 2005, đã có 20 tỉnh, thành phố bùng phát ổ dịch cúm gia cầm, với số gia cầm chết, tiêu hủy là: 88.700 gà; 96.692 vịt, ngan và 142.350 chim cút.  

Tỷ lệ người mắc cúm H5N1 tử vong là rất cao

Đến chiều qua, 19/1, tại Viện Y học Lâm sàng các Bệnh nhiệt đới, đã tiếp nhận bệnh nhân nam 43 tuổi tên là NTH được xác định nhiễm virus cúm A/H5N1 trú tại Hà Nội. Bệnh nhân sốt 39-40 độ C, rét run, kèm đau đầu, dùng thuốc không đỡ. Th.S Nguyễn Hồng Hà, Trưởng phòng Hồi sức cấp cứu lây, thông báo mẫu xét nghiệm của bệnh nhân tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho kết quả dương tính. Và bệnh nhân 25 tuổi tên T.V.T cũng đang điều trị do viêm phổi nặng. Ngoài ra, tại TP Hồ Chí Minh, một bệnh nhân T.D 35 tuổi (An Giang) cũng nhập viện trong tình trạng sốt, ho.

Bệnh nhân N.H.V 47 tuổi trú ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã tử vong ngày 9/1/2005 tại Viện Y học Lâm sàng các Bệnh nhiệt đới.

Theo BS Trần Tịnh Hiền, Phó GĐ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM cho biết  tỷ lệ tử vong do mắc cúm H5N1 năm nay rất cao: 6 người mắc bệnh thì đã có 5 người chết.  

Hà Nội: Tiêu hủy trứng, gia cầm không có nguồn gốc

Chiều ngày 19/1/2005, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã triệu tập các sở, ngành triển khai ngay các biện pháp “mạnh” chống lại dịch cúm gia cầm. UBND TP Hà Nội yêu cầu: Phải tiêu hủy toàn bộ gia cầm, trứng gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm không có nguồn gốc, nhập lậu vận chuyển vào thành phố; thành lập đội “phản ứng nhanh” thường trực theo dõi dịch và chống dịch  cúm gồm: lực lượng Y tế, Công an, Giao thông vận tải, Quản lý thị trường và Sở NN&PTNT. Đội này sẽ phải trực tiếp đến các điểm nghi có dịch và bùng phát dịch để xử lý gấp các tình huống xảy ra; tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm có biểu hiện chết hàng loạt mà không cần xét nghiệm; những địa phương nào không triển khai chống dịch tốt, để xảy ra dịch, thì chủ tịch huyện, phường, xã phải chịu trách nhiệm… 

Bạc Liêu: Một thanh niên chết nghi nhiễm H5N1

(TP-Bạc Liêu) - Anh Bùi Tấn Tài 17 tuổi ở ấp Nội Ô, thị trấn Phước Long (Phước Long, Bạc Liêu) đã chết ngày 15/1/2005 với chẩn đoán “Suy hô hấp, viêm phổi nặng”. Đến nay mẫu xét nghiệm gửi đi Viện Paster (TP Hồ Chí Minh) chưa có kết quả trả lời, tuy nhiên triệu chứng bệnh là nhiễm vi rút H5N1. Anh Tài sốt cao từ ngày 10/1, điều trị 3 ngày ở Trung tâm y tế huyện nhưng bệnh càng nặng, ngày 14/1 chuyển đến Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu thì đã trong tình trạng suy kiệt hô hấp. Đặc biệt, sau khi anh Tài chết, gia đình anh cho hay là anh đã có ăn thịt gà chết trước ngày mắc bệnh. 

Cà Mau: Vịt, gà chết nhiều nhưng tiêu hủy ít

(TP - Cà Mau) -Đàn gia cầm bị dịch bệnh chết trên 50.000 con, tập trung nhiều nhất là huyện Trần Văn Thời 36.000 con và TP Cà Mau hơn 10.000 con. Dịch bệnh làm chết đàn gia cầm tại huyện Trần Văn Thời xảy ra trên diện rộng, thiệt hại rất nặng nề, môi trường ô nhiễm. Cho tới thời điểm này, chính quyền địa phương chưa thông báo mức hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi nên người dân có vịt, gà chết đều tự ý xử lý như bán tháo ra thị trường, chế biến để ăn dần hoặc vứt xác ra đồng ruộng, sông rạch. Đàn gia cầm bị dịch bệnh chết nhiều nhưng Chi cục Thú y Cà Mau phối hợp với các ngành chức năng chỉ tổ chức tiêu hủy đúng quy trình kỹ thuật hơn 2.000 con gà, vịt phát hiện nhiễm H5. Theo người chăn nuôi, khi đàn gà, vịt bị chết do dịch bệnh nhưng không được chính quyền hỗ trợ nên không trình báo mà tiêu thụ hoặc vớt xác xuống sông. 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.