Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu (thứ tư từ phải sang) cùng đại diện các ban, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: L.A |
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết: Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh (Nghị quyết 23), công tác đại đoàn kết đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đã đạt được nhiều tiến bộ và kết quả quan trọng.
Trong 20 năm qua, cộng đồng NVNONN ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Từ 2,7 triệu người năm 2003, hiện đã tăng lên khoảng hơn 5,3 triệu người sinh sống, học tập, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là các nước phát triển. Đáng chú ý, thành phần cộng đồng ngày càng đa dạng, trong đó số lượng du học sinh, lao động xuất khẩu, người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài có xu hướng tăng. Địa vị pháp lý, điều kiện kinh tế, vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng NVNONN trong xã hội sở tại ngày càng nâng cao.
Kiều bào ngày càng gắn bó với quê hương, trở thành nguồn lực quan trọng, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Về kinh tế, tính đến hết năm 2021, có 376 dự án của kiều bào đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD và hàng nghìn doanh nghiệp có vốn góp của kiều bào.
Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, mang tầm cỡ khu vực do những doanh nhân kiều bào về nước thành lập, điều hành đã góp phần tạo công ăn việc làm, chuyển giao công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội. Kiều hối liên tục tăng, năm 2021 đạt 18,1 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2020; đưa tổng kiều hối từ năm 2003 - 2021 đạt khoảng 187 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Khi đất nước gặp khó khăn, kiều bào luôn đồng hành và sẵn sàng ủng hộ trong nước (trong đại dịch COVID-19 vừa qua, kiều bào đã quyên góp hơn 80 tỷ đồng tiền mặt và nhiều vật phẩm y tế trị giá hàng chục triệu USD hỗ trợ công tác phòng chống dịch trong nước).
Về tri thức, nhiều sáng kiến tập hợp, kết nối chuyên gia, trí thức người Việt tại các địa bàn đóng góp cho những vấn đề phát triển đất nước được đề xuất và triển khai. Kiều bào tham gia Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngoài ra, kiều bào còn đóng góp tích cực vào quá trình vận động chính quyền các nước ký kết các hiệp định thương mại với Việt Nam, đóng góp vào việc bảo vệ an ninh Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Các hội đoàn NVNONN tiếp tục được củng cố và phát triển, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng, gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, là cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, đồng thời đóng vai trò nòng cốt, tổ chức nhiều hoạt động hướng về quê hương.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định, có được những kết quả trên chính là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, những nỗ lực triển khai tích cực của các ban, bộ, ngành, địa phương và sự đồng sức, đồng lòng của người dân, cả ở trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Cuộc sống của một bộ phận NVNONN tại một số địa bàn còn khó khăn, địa vị pháp lý chưa vững chắc. Một số tổ chức hội đoàn NVNONN gặp nhiều thách thức trong việc kiện toàn bộ máy tổ chức, kinh phí hoạt động. Tình hình phạm tội trong cộng đồng NVNONN có xu hướng gia tăng. Các tổ chức và cá nhân người Việt cực đoan ở nước ngoài tiếp tục chống phá với hình thức tinh vi hơn nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.