Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, Ngày ấy – Bây giờ

20 năm - một lời hứa

TS.BS Vương Thị Ngọc Lan.
TS.BS Vương Thị Ngọc Lan.
TP - Gặp TS.BS Vương Thị Ngọc Lan - Phó chủ nhiệm bộ môn Phụ sản ÐH Y Dược TPHCM vào một buổi trưa tháng 8, sau khi chị vừa hoàn thành xong ca chọc hút trứng cho bệnh nhân của mình. Bắt đầu câu chuyện, chị khẽ mỉm cười: “Gần 20 năm rồi, nhanh quá!”.

Chị nhớ lại, ngày nhận được thông tin mình sẽ là một trong số những đại diện được trao giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 1999”của Trung ương Đoàn, cũng là những ngày đầu tiên chị biết mình mang trong người một sinh linh bé nhỏ. Ngày ấy, bản báo cáo thành tích chị gửi cho Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh chỉ vỏn vẹn một trang giấy, phải nhờ phía Thành đoàn chỉnh sửa, góp ý để viết lại vì quá ngắn. “Thật ra chị chẳng biết viết gì, vì cứ nghĩ bất cứ ai trong hoàn cảnh tương tự cũng phải cố gắng như vậy. Chị không xem đó là thành tích, vì thấy bệnh nhân thất vọng, mình phải cố để làm họ vui, đấy là sứ mệnh, là nghĩa vụ của người bác sĩ mà thôi!”, BS Ngọc Lan tâm sự.

Buổi chiều mưa cách đây gần 20 năm tại Phủ Chủ tịch, chị được tận tay cố Thủ tướng Phan Văn Khải trao bằng khen cùng lời dặn dò trìu mến : “Gắng làm sao để trình độ y học của nước mình có thể sánh ngang với các nước trong khu vực, con nhé!” sẽ là một nét khảm đẹp trong ký ức của người bác sĩ mang tên loài hoa ngọc lan. Chị bảo lời dặn dò ấy không chỉ là sự giao phó, là nghĩa vụ, mà còn là cả niềm tin.

Chị kể, thời ấy mới bắt đầu bước vào lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm, hành trang duy nhất của người bác sĩ chỉ có lòng yêu nghề. Những năm 1998-1999, lúc ấy danh mục kỹ thuật của bộ y tế không hề có danh mục chọc hút trứng hay kỹ thuật chuyển phôi. “Đồng nghĩa với việc mình có làm cũng không được trả lương, trong khi một ca thụ tinh phải theo đuổi tận hàng tháng trời, từ khi nhận bệnh, tư vấn…đến lúc thực hiện.Phác đồ điều trị ngày ấy kéo dài đến 1 tháng, không chỉ 2 tuần như hiện tại.”, BS Ngọc Lan cho biết.

Tốn nhiều thời gian, vất vả, tỉ lệ thất bại cao, ngày nào cũng chứng kiến cảnh bệnh nhân khóc vì thụ tinh không thành, nhiều BS thời ấy thẳng thừng từ chối công việc vì họ không chịu nổi áp lực. Ấy thế mà cô gái trẻ cùng 2 đồng nghiệp- mà một trong số đó sau này cũng trở thành người bạn đời của mình, trong suốt vài năm trời đã quyết tâm theo đuổi công việc thụ tinh ống nghiệm bằng hết lòng đam mê.

20 năm trước, theo lời BS Ngọc Lan, nhiều người cho rằng chuyện “thụ tinh ống nghiệm” là một kỹ thuật xa xỉ, không cần thiết trong tình trạng dân số còn nghèo như hiện tại. Ngày trở về sau chuyến tu nghiệp thạc sĩ tại Singapore, chị gói ghém cẩn thận, chăm chút từng quyển sách, xếp gọn gàng vào chiếc vali. Chị tâm sự, lúc ấy chúng không chỉ là những quyển sách vô hồn, mà với chị đó còn là cả kho báu. Người phụ nữ với chiếc vali đầy sách trở về quê hương với quyết tâm phát triển một kỹ thuật mới, làm sao để có thể nói thật nhiều với bệnh nhân- những mảnh đời khát hạnh phúc, khát niềm tin đến cùng cực, hai chữ “thành công”.

Năm 2000, một năm sau khi nhận được giải thưởng, bài báo cáo của BS Ngọc Lan được chọn để trình bày tại báo cáo quốc tế của hiệp hội phôi học và sinh sản người châu Âu. Câu chúc mừng kèm câu hỏi vô tình của một đại biểu nước bạn: “Việt Nam cũng có thụ tinh ống nghiệm nữa à?” khiến nữ BS bất chợt “tự ái”. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, chị cho rằng, nỗi niềm ấy đã chuyển thành “tự hào”, vì ít ra, Việt Nam đã ghi được tên mình vào bản đồ thụ tinh ống nghiệm của thế giới.

“Lời hứa ngày ấy, chị thực hiện được rồi!”. Nói đến đây, chị dừng lại vài giây, tận sâu trong ánh mắt người phụ nữ ấy dâng tràn bao xúc cảm.

Bài học vỡ lòng

BS Ngọc Lan cho biết, hiện tại Đơn vị Thụ tinh Ống nghiệm BV Mỹ Đức- nơi chị công tác, mỗi 3 tháng lại tiếp nhận rất nhiều đoàn các BS đến học tập kinh nghiệm, kỹ năng trong lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm. “Suy cho cùng, mọi cố gắng của bác sĩ cũng là vì cái lợi của bệnh nhân, nên phải làm sao để cho bác sĩ luôn làm đúng”, chị  bảo đã trả lời như thế khi có người hỏi về sự cạnh tranh.

Ngày ngày lên giảng đường giảng dạy, chị tâm sự bài học đầu tiên chị dạy cho sinh viên không phải là kỹ năng nghề nghiệp, mà chính là việc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Ý nghĩa của thụ tinh ống nghiệm là gì?”. Chị tự hào bảo đó là sứ mệnh tạo ra con người, mà con người đó sẽ sống, sẽ trưởng thành, sẽ cống hiến cho cuộc đời tận mấy mươi năm ròng rã. Do đó, bài học vỡ lòng của người BS thụ tinh ống nghiệm là bài học về ý thức, về trách nhiệm, làm sao để mọi thứ phải đúng đến tuyệt đối. “Có những cái sai mãi mãi không bao giờ có cơ hội sửa chữa!”, BS Ngọc Lan nhấn mạnh.

20 năm, nhìn lại về chặng đường đã qua, nữ BS cho biết, đó là một quãng thời gian thử thách. Và hiện tại trái ngọt đã bắt đầu đơm hoa. Việc  bài nghiên cứu của nữ bác sĩ này được đăng trên tạp chí NEJM, một tạp chí đứng hàng đầu về y khoa thế giới được xem là một thành tích “chấn động” giới y khoa Việt Nam, là câu trả lời đầy đủ cho những khó khăn, là cái kết có hậu cho những nỗ lực.

 20 năm, đó không chỉ là hành trình theo đuổi miệt mài ước mơ, là chặng đường để thực hiện cho tròn đầy, đúng nghĩa một lời hứa, mà còn là cả thanh xuân, là tuổi trẻ, là tình yêu trọn vẹn của một người dành cho lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm- mà nói  như chị, đó là sản sinh những yêu thương.

20 năm, BS Ngọc Lan cho biết những nỗ lực, cống hiến và tình yêu y học của mẹ, của vợ chồng chị đã được ghi nhận, đáp đền xứng đáng khi sắp tới đây- con gái đầu lòng của chị- người đã được nhận thưởng cùng mẹ khi còn là một bào thai, cô bé nhỏ với câu trả lời ngô nghê “con muốn sau này làm bác sĩ ống nghiệm” khi được hỏi về ước mơ sau này, đã nhìn thấy, cảm nhận và yêu cả những vất vả, nhọc nhằn của ba mẹ, của bà ngoại, sẽ bắt đầu nhập học tại Khoa Y, ĐH Quốc gia TPHCM. “Vậy là gia đình 3 thế hệ đều mang duyên, mang nợ với nghề bác sĩ”, chị khẽ mỉm cười.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.