20/11 bây giờ và 'quốc tế hiến cam' xưa...

Tác giả Nguyễn Kim Anh - Giám đốc Tài chính
Tác giả Nguyễn Kim Anh - Giám đốc Tài chính
TPO - Tôi có cô ruột là giáo viên trường tiểu học trên phố cổ những năm cuối 70 đầu 80 thế kỉ trước. Cô bảo “quân Chai Khoai Rươi Lược” – tức Hàng Chai, Hàng Khoai, Hàng Rươi, Hàng Lược, đầu gấu lắm mà chả chịu học gì cả, thế nên gần đến 20/11 thì bố mẹ chúng rủ nhau đến thăm cô kìn kìn.

Cái sự thăm nom 20/11 hồi xưa nó buồn cười. Hết tuần “hiến chương nhà giáo”, cô gọi tôi lên phòng cô cheo leo tầng tư của ngôi nhà chung bà nội. Thôi thì la liệt toàn “thủ công mỹ nghệ”. Nhiều nhất là cây dừa cuốn từ phim (phim người ta tráng hỏng cả cuộn), nhuộm xanh nhuộm đỏ. Nhiều kha khá là tượng thạch cao, cái bán thân cái chân dung, để đóng đinh rồi treo úp lên tường. Hồi ấy đất nước mới thống nhất nên sang trọng sẽ có vài xấp vải may quần áo (chắc bố mẹ mấy đứa cá biệt tặng), hấp dẫn nhất là khăn Bông bay (hoặc Bôm-bay), màu đỏ đẹp nhất. Thời ấy con gái mà có cái khăn Bông bay đỏ le lói sau cổ áo len thì vô cùng “soang chảnh”.

Cô tôi lúc ấy tùy số lượng và chủng loại quà tặng mà cho tôi vài thứ- mùi xoa, quyển sổ, cái bút. Khủng khiếp nhất là cam. Cam để ngập xô, chậu, rổ. Cô mang biếu hàng xóm vì ăn không hết hỏng thì phí. Tất nhiên không có cái phong bì nào cho dù bọn Chai Khoai Rươi Lược vừa lười vừa dốt vừa hiếu chiến.

Tôi không bao giờ quên khi xưa bố đèo xe đạp đến nhà thầy Nhiếp dạy tôi lớp 1 và lớp 3 ở Ngô Sỹ Liên. Nhà thày rất nghèo, ở tầng 4-5 gì đó tập thể Nguyễn Công Trứ. Thầy ân cần pha trà mời bố, lấy kẹo tôi ăn. Bố hỏi thầy rất cẩn thận con gái học hành thế nào, còn yếu Văn hay Toán. Quà thì mẹ chuẩn bị, thường là sách văn học (mẹ tôi làm nhà xuất bản), lịch treo tường…Sau này khi đã đọc và ngấm Những tấm lòng cao cả, tôi ngẫm hình ảnh hai bố con tới thăm thầy Nhiếp hơi giống bố con Enrico đến thăm thầy giáo, rất đỗi yêu thương trân trọng.

Lớn hơn một tí, cấp 2 cấp 3 thì 20/11 là ngày lễ lớn. Mất cả tuần thậm chí vài tuần làm bích báo, khổ sở áp lực. Bò ra làm thơ, xong chép vào tờ giấy lại còn vẽ vời trang trí đường diềm xanh đỏ hoa hoét. Làm xong phần của mình đã hết hơi, lại làm hộ bạn. Rồi huy động bố mẹ giúp dán vào tờ bìa to, nẹp thanh tre trên dưới đem ra thi thố với lớp khác. Lớp nào có phụ huynh là bác họa sỹ bác nhà thơ, thì sản phẩm khác biệt hẳn. Cơ bản những lớp tôi học đều về gần bét, cũng ôi oai lắm, nhưng vẫn vui.

Vài ngày trước 20/11 hồi đó, cả bọn tụ tập góp mỗi đứa ít tiền mua quà tặng thầy cô. Cãi nhau chí chóe mua gì cho hợp cô và vừa tiền đóng góp, rồi ào ào chạy xe đạp đến nhà cô tặng thì ít, ầm ỹ nói cười thì nhiều. Còn nhớ năm cấp 2 cả bọn kéo đến nhà cô Oanh chủ nhiệm lớp 4 Ngô Sỹ Liên, nhà cô ở Lê Văn Hưu. Mang được 2 cân cam cô cắt ra hết, cả bọn ăn vèo cái sạch bóng. Cấp 3 thì vòng vèo đến cô Tuyết dạy Văn ở Lê Phụng Hiểu. Rồi nháo nhào phóng đến thầy Kính ở Hàng Cân, thầy Đức dạy Toán ở Bùi Thị Xuân, cô Tú dạy Lý ở Yết Kiêu. Toàn đến nhà cổ cầu thang gỗ, sàn gỗ. Cả bọn đi rầm rập nói cười inh ỏi, tôi chỉ sợ sập cầu thang nhà các thầy. Mấy chục đứa quà bé tí, thế mà các thầy cô vẫn yêu, vẫn mong các con ở chơi thêm lúc nữa. Đứa nào cũng mong ngày lễ kéo dài để cả bọn được phóng xe đạp khắp Hà Nội chuyện trò ấm áp không khoảng cách với thầy cô và cười đùa thỏa thích.

Vèo cái hết là trẻ con, vèo cái làm mẹ. Loanh quanh độ mười mấy năm thôi, thế mà lần đầu tiên đi thăm cô mẫu giáo của con đầu lòng thì đã vác phong bì. Có nghĩa lệ biếu phong bì xuất hiện ở nước mình chắc khoảng đầu những năm 90 thế kỉ trước. Hồi đầu ngại lắm. Không có thì… không giống mọi người mà có, chỉ sợ cô không nhận. Sẽ mua món quà nào đó, cái khăn, cuốn sổ, sách, rồi thả cái phong bì vào cùng. Sẽ luôn tìm đến tận nhà các cô dù xa đến mấy, ngõ ngách đến mấy để có chút thời gian riêng chuyện trò về con mình.

Bây giờ ai cũng biết, phổ biến là các mẹ rình ở cửa lớp, chả cần đến nhà làm gì mất thời gian, giúi vội tay cô cái phong bì, có khi còn trước sự chứng kiến của bao học trò, con em. Chả sao cả. Chả ai ngượng, ngại, trẻ con nhìn cũng thấy sự thường. Có đứa vài hôm trước 20/11 chưa thấy mẹ gặp cô còn nhắc mẹ tặng cô phong bì chưa, mẹ chúng nó tặng hết rồi đấy. Và buồn nhất, trẻ con coi 20/11 là nghĩa vụ của cha mẹ, đâu biết đó là ngày chúng phải bày tỏ sự biết ơn, tình cảm yêu mến trân trọng. Cũng chả thấy cắn bút làm thơ vẽ tranh và nộp báo tường.

Cho nên, xưa khi có lúc gọi đùa 20/11 là Ngày quốc tế Hiến cam, thấy thô thiển và hạ thấp nghề giáo cao quý nhưng so với bây giờ, khi chả ai hiến cam mà lại hiến cái mà gần như ai cũng lên án nhưng vẫn giữ như một hủ tục, thì ngày xưa hay hơn nhiều.

MỚI - NÓNG