Hà Nội:

2/3 ca mắc COVID-19 không có triệu chứng lâm sàng

Một người dân được nhắc nhở khi đi qua khu vực cách ly thôn Hạ Lôi Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Một người dân được nhắc nhở khi đi qua khu vực cách ly thôn Hạ Lôi Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
TP - Sáng 13/4, báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố Hà Nội, Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, qua thực tế phân tích dịch tễ học, các ca bệnh của Hà Nội có 68% không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ, thoáng qua.

Do đó, nếu dựa vào triệu chứng lâm sàng thì khả năng bỏ sót đến 2/3, chỉ có khả năng phát hiện 1/3 ca bệnh. 

"Đây là tính chất hết sức phức tạp của dịch bệnh mới này. Dù không có triệu chứng nhưng khả năng lây lan vẫn xảy ra nên việc giám sát, phát hiện dựa vào xét nghiệm là phần rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch”, ông Cảm nói. Theo ông Cảm, nếu thời gian vừa qua thành phố không quyết liệt triển khai các biện pháp giám sát, khoanh vùng thì khả năng dịch lây lan rộng, bùng phát trên địa bàn là hoàn toàn có thể.

Về triển khai test nhanh, Hà Nội có 14.000 test, đã triển khai được 12.000 mẫu. Ông Cảm cho biết, đã lấy 128 mẫu test nhanh ở Mê Linh, đồng thời cũng lấy mẫu làm RT-PCR, 2 kết quả tương đồng nhau, tức 128 đều âm tính. Triển khai 277 mẫu test nhanh tại Bệnh viện Thận, đồng thời làm RT-PCR cũng âm tính. Tuy nhiên, có triển khai trên một số bệnh nhân dùng RT-PCR dương tính thì test nhanh lại âm tính. Suy ra rằng, những trường hợp này mới mắc nên chưa có kháng thể. “Như vậy, test nhanh là công cụ sàng lọc cộng đồng cần thiết, bởi trả lời kết quả nhanh, chi phí thấp, có thể sàng lọc tại cộng đồng. Tuy nhiên những trường hợp nghi ngờ vẫn phải làm bằng RT-PCR và căn cứ vào dịch tễ để làm cho chính xác”, ông Cảm nói.

Theo ông Cảm, đến nay đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch nhưng dịch đã chuyển sang giai đoạn lây lan trong cộng đồng nên chiến lược phòng chống phải thay đổi. Giai đoạn đầu ngăn chặn, giai đoạn 2 cách ly, khoanh vùng, bao vây kịp thời. Hiện nay, giai đoạn dịch lây lan ra cộng đồng ở phạm vị hẹp, nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống, đặc biệt là cách ly, giãn cách ly xã hội thì việc duy trì thành quả rất khó khăn. “Việc thực hiện cách ly xã hội cần phải tiếp tục thực hiện, nghiêm túc”, ông Cảm nói.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng ở Hạ Lôi cần duy trì biện pháp phong tỏa. “Thực hiện như thiết quân luật. Nhà nào ở nhà đó. Trong nhà cũng phải cách ly mọi người với nhau”, ông Chung nói và yêu cầu toàn thành phố tập trung cho việc dập ổ dịch Hạ Lôi, xác minh tất cả những người tiếp xúc với bệnh nhân 243, tiếp tục rà soát những trường hợp F1, F2, F3, F4 của bệnh nhân này vì đây là nguồn lây chính.       

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu ngành Y tế thành phố phải thông báo cho tất cả các hiệu thuốc trên địa bàn cung cấp danh sách các cá nhân mua thuốc cảm, thuốc ho, thuốc sốt trong thời gian qua cho các trạm y tế phường, xã để thực hiện khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm. “Nếu hiệu thuốc nào để sót các trường hợp này, sau này phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đây là một nhiệm vụ tham gia công tác phòng chống dịch. Những trường hợp không phối hợp thông báo sau này có thể bị tước giấy phép vĩnh viễn”, ông Chung nói.

MỚI - NÓNG