2.000 ngày làm phim về tướng Giáp

Đạo diễn Đường Minh Giang tại Cao Bằng
Đạo diễn Đường Minh Giang tại Cao Bằng
TP - Chơi với Đường Minh Giang (ĐMG) đã lâu, nhưng quả thực tôi không biết gọi anh là gì, ca sĩ, diễn viên cũng được, “bầu sô” - đạo diễn - cũng đúng; và, kể cả có gọi là võ sĩ ĐMG cũng chẳng sai. Ít người biết, anh đã miệt mài làm một bộ phim để đời về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp.

> Kỷ niệm đặc biệt về Tướng Giáp

Cách đây ngót chục năm, tôi có dịp may được cùng ĐMG vi vu lên đất Hà Giang. Trong một buổi giao lưu văn nghệ với các cô giáo vùng cao, vừa gặp mặt, một nữ giáo viên trẻ đã nhận ngay ra ĐMG, người từng trình diễn ấn tượng ca khúc “Chào em cô gái Lam Hồng”.

Đi lên từ hai bàn tay trắng

Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc trẻ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc trẻ.
 

Tóm gọn nhất, có thể nói, ĐMG là một nghệ sĩ đi lên từ hai bàn tay trắng! Tên thật là Nguyễn Quốc Việt, sinh nhằm tuổi Tý (1960); tốt nghiệp phổ thông vào cuối những năm 70 thế kỷ trước, cùng với 7 nam thanh, nữ tú Hà Thành, ĐMG thi vào khoa Cải lương của trường Sân khấu - Điện ảnh.

Còn nhớ, sau giải phóng 1975, Hà Nội rộ lên cơn sốt đi xem - nghe cải lương. Rạp Chuông Vàng thời ấy luôn là nơi chen chúc vã mồ hôi để có được tấm vé qua cửa.

Vậy nhưng, khi lớp diễn viên Cải lương tốt nghiệp, cũng là lúc rạp Chuông Vàng vơi dần khách, rồi dần dần tới mức quạnh hiu.

Trong số 8 người bạn ngày xưa hăm hở theo học cải lương, lần lượt, từng người một, chia tay với nghề: Có người “theo chồng bỏ cuộc chơi”, có người chuyển sang nghề kinh doanh, buôn bán, thậm chí, có kẻ sa vào may túy, nghiện ngập, tù đày. Riêng ĐMG vẫn đau đáu, sống chết với nghề.

Nhận thấy, cải lương ngày càng thưa khách, ĐMG đã tự chọn cho mình một hướng đi: vừa kiếm sống – vừa tự học nhạc lý, ký xướng âm, luyện giọng; rồi theo học các lớp đạo diễn, diễn xuất. Để có tiền theo học, ĐMG đã phải bươn trải qua nhiều nghề, kể cả đi buôn bán đồ điện tử, rồi mở lớp dạy võ…

Sau này, khi thấy ĐMG xuất hiện nhiều trên sân khấu ca nhạc, trên phim ảnh, không ít người khen ĐMG là một nghệ sĩ đa tài.

Nhưng mấy ai biết được rằng, ĐMG đã phải nhiều năm liền âm thầm đổ mồ hôi, sôi nước mắt, lao khổ cùng cực để trụ lại với “nghề”, không bỏ cuộc như 7 đồng môn kia.

Từ hơn chục năm nay, khi bước vào tuổi “tứ tuần”, ĐMG bắt tay vào làm đạo diễn chuyên về hai mảng tài liệu và văn nghệ.

Với tần suất làm việc không ngừng nghỉ, có thể nói không ngoa rằng, ĐMG đang giữ kỷ lục về số lượng phim văn nghệ, phim tài liệu được phát trên khắp các Đài Phát thanh – Truyền hình từ Cao Bằng – Lạng Sơn đến đất mũi Cà Mau.

Vị đạo diễn “không lương”

Đạo diễn Đường Minh Giang tại Cao Bằng
Đạo diễn Đường Minh Giang tại Cao Bằng.
 

ĐMG cũng là một trong số ít đạo diễn có nhiều thước phim “độc quyền” về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ lâu, ĐMG đã ấp ủ ước vọng một bộ phim do chính đôi bàn tay và khối óc của mình về Lão Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chính bởi vậy, ĐMG đã chuẩn bị rất kỹ càng trong các khâu từ viết kịch bản, quay phim, đạo diễn, biên tập, viết nhạc, sáng tác ca khúc, dựng phim… đều do một mình ĐMG đảm nhận.

Trong một lần trò chuyện, Đại tướng đã tâm sự với đạo diễn ĐMG rằng: “Cao Bằng là quê hương thứ hai của tôi”. Xuất phát từ đó, ĐMG đã chọn mạch cho bộ phim dài 3 tập khắc họa khoảng thời gian Đại tướng đã sinh sống và hoạt động tại Cao Bằng.

Để có được những thước phim sinh động, quý hiếm, ĐMG đã hàng chục lần tự lái xe ô tô lên Cao Bằng, lần theo dấu vết xưa kia của Đại tướng để gặp gỡ, quay phim lại những cảnh cũ, người xưa; rồi lại đi khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam, tìm gặp những nhân chứng lịch sử để quay phim, phỏng vấn.

Vị đạo diễn “không lương” này còn “sục sạo” vào các Trung tâm lưu trữ, thư viện; đặc biệt là dành nhiều tháng trời làm việc với các nhân viên của Đại sứ quán Pháp để có được những hình ảnh lần đầu tiên xuất hiện trên phim tài liệu Việt Nam.

Bộ phim được khởi quay từ giữa những năm 2000, sau 6 năm thì hoàn tất. Sau hơn 2.000 ngày miệt mài lao động một mình, khi phim hoàn thành, ĐMG đem phim đến tận nhà riêng trân trọng biếu gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau đó, ĐMG lại một mình lái xe lên Cao Bằng biếu tặng phim mà không nhận một đồng nhuận bút.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.