19 tổ chức kiện chính phủ Mỹ vì bị theo dõi

19 tổ chức kiện chính phủ Mỹ vì bị theo dõi
TP - Mới đây, 19 tổ chức ở Mỹ đâm đơn kiện chính phủ Mỹ, cho rằng Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã vi phạm quyền của họ được quy định trong hiến pháp, khi thực hiện chương trình bí mật thu thập dữ liệu mà cựu nhân viên tình báo Edward Snowden phanh phui.

> Tình báo Pháp cũng theo dõi máy tính, điện thoại
> Mỹ thanh minh việc theo dõi đồng minh

Chương trình do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia nhằm vào nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Getty Images
Chương trình do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia nhằm vào nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Getty Images.

Tổ chức phi chính phủ ủng hộ quyền sử dụng công nghệ số Electronic Frontier Foundation (EEF) đại diện cho nhiều nhóm đứng tên trong đơn kiện, trong đó có nhóm First Unitarian Church ở Los Angeles, tổ chức ủng hộ quyền sử dụng súng Calguns Foundation, tổ chức phi chính phủ đấu tranh vì môi trường Greenpeace… Đơn kiện được nộp lên tòa án liên bang, cáo buộc chương trình thu thập dữ liệu trên diện rộng mang tên PRISM của NSA vi phạm các quyền được quy định trong Hiến pháp Mỹ.

“Chúng tôi muốn quyền của các hiệp hội được thực hiện trong kỷ nguyên kỹ thuật số”, luật sư Cindy Cohn của EEF nói. Bà Cohn cho biết, đơn kiện của EEF cùng các tổ chức, dựa trên quy định do Tòa án Tối cao ban hành nhiều năm trước, nhằm đấu tranh với chương trình thu thập thông tin điện thoại trên quy mô lớn của chính phủ mà theo đó tất cả thành viên của những tổ chức này đều bị theo dõi.

“Những người có quan điểm gây tranh cãi, có thể là tranh cãi về chính sách sử dụng súng, luật pháp về ma túy hay di cư, thường thể hiện quan điểm theo nhóm nhằm hành động và lên tiếng một cách hiệu quả”, bà Cohn nói.

“Nhưng sự sợ hãi bị lộ thân phận khi tham gia tranh cãi chính trị xung quanh các vấn đề nhạy cảm có thể khiến mọi người không còn muốn tham gia. Đó là lý do tại sao Tòa án Tối cao ra quy định vào năm 1958 rằng danh sách thành viên của các tổ chức được bảo vệ chặt chẽ theo Hiến pháp sửa đổi lần đầu tiên”.

Ông Sherwin Siy thuộc nhóm ủng hộ quyền tiếp cận kỹ thuật số Public Knowledge, tổ chức cùng tham gia vụ kiện này, nói rằng, chương trình của NSA “không chỉ vi phạm quyền riêng tư mà còn vi phạm quyền của hiệp hội quy định trong Hiến pháp sửa đổi lần thứ nhất.

“Khi chính phủ thu thập thông tin về việc ai gọi cho ai, khi nào, mức độ ra sao, họ sẽ có được một bức tranh rất sáng tỏ về các mối quan hệ của cá nhân đó. Trong quá khứ, chính quyền từng cố gắng nắm danh sách thành viên của các hiệp hội nhằm khiến mọi người không còn muốn tham gia các tổ chức, hiệp hội nữa”, ông Siy nói.

Vụ việc là phản ứng mới nhất trong làn sóng đấu tranh pháp lý chống lại chính quyền Mỹ từ khi Edward Snowden tiết lộ cho báo chí về PRISM. Mới đây, tòa án mật của Mỹ có chức năng giám sát các điều tra liên quan an ninh quốc gia vừa gợi ý giải mật các tài liệu về chương trình thu thập dữ liệu của chính phủ liên quan công ty Yahoo!.

Tòa án giám sát tình báo nước ngoài nói rằng, chính phủ nên xem tài liệu nào nên được giải mật và thông báo quyết định cho tòa án vào ngày 29/7. Các công ty internet khác như Google, Microsoft… đang chờ đợi các tài liệu này được công bố.

Nga coi trọng quan hệ với Mỹ hơn vấn đề Snowden

Ngày 17/7, khi đề cập vụ ông Snowden đang tạm trú ở Nga bị Mỹ truy nã về tội làm gián điệp, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: “Tôi cho rằng, các quan hệ quốc tế quan trọng hơn nhiều bất cứ sự rắc rối tình báo nào”.

Hôm qua, ông Snowden chính thức nộp đơn xin tị nạn tại Nga, sau khi tạm trú ở khu vực quá cảnh sân bay quốc tế Sheremetyevo ở Mátxcơva từ ngày 23/6. Tổng thống Putin cùng ngày cho biết, phía Nga đã cảnh báo rằng, trong lúc có mặt ở Nga, ông Snowden không nên làm hại mối quan hệ Nga-Mỹ.

Tổng thống Putin nói: “Trên thực tế, Snowden còn trẻ. Chúng tôi hoàn toàn không hiểu vì sao ông ấy lại hành động như vậy, cũng như không biết ông ấy sẽ tạo dựng cuộc sống tương lai của mình ra sao?”.

Trước đó, Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết, phía Mỹ sắp hết kiên nhẫn với việc Nga vẫn cho phép ông Snowden tạm trú tại sân bay Mátxcơva. Ông Carney nói rằng, bằng việc trao trả Snowden cho Mỹ hoặc ít nhất là trục xuất cựu nhân viên CIA này, Nga có thể giải quyết được tình hình căng thẳng quan hệ Nga-Mỹ suốt 3 tuần qua.

Bình Giang - Đ.P
Theo PressTV, Ria-Novosti, Oliver Knox

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG