180 xã tái phát dịch tả lợn châu Phi ở Hà Nội

Giá thịt lợn đang tăng cao dịp cận Tết
Giá thịt lợn đang tăng cao dịp cận Tết
TPO - Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp chống dịch, trong đó có cấp bổ sung 1.100 tỷ đồng hỗ trợ các huyện xử lý khắc phục. Tuy nhiên bệnh dịch vẫn diễn biến phức tạp; 180 xã, phường, thị trấn dịch bệnh tái phát trở lại sau 30 ngày.

UBND Hà Nội vừa giao Thanh tra tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ quy trình phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các huyện, tránh để xảy ra tình trạng khai khống lợn mắc bệnh dịch chết để nhận tiền hỗ trợ.

Theo đó, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp chống dịch, trong đó có cấp bổ sung 1.100 tỷ đồng hỗ trợ các huyện xử lý khắc phục. Tuy nhiên bệnh dịch vẫn diễn biến phức tạp; 180 xã, phường, thị trấn dịch bệnh tái phát trở lại sau 30 ngày.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng chi cục Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, theo quy định cứ 30 ngày là công bố hết dịch, 180 xã là số xã từ đầu vụ dịch đến giờ (có xã bị dịch tả lợn châu Phi quay trở lại) gọi là phát sinh chứ không phải bùng phát.

Trên thực tế, có những xã chưa bị dịch tả lợn châu Phi thì nay có khả năng bị; hoặc những xã bị rồi thì có thể tái phát ở một ổ dịch mới chứ không phải bùng phát cùng một lúc 180 xã.

Hiện nay, Hà Nội vẫn tích cực áp dụng các biện pháp phòng chống dịch. Nhưng, để chữa dứt điểm chỉ khi nào có vắc-xin thì mới dứt điểm được.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến 4/11, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 32.696  hộ chăn nuôi (chiếm 40,5% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi)/2.384 thôn, tổ dân phố/449 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã (gồm Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất, Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng...); làm mắc bệnh và tiêu hủy 541.330 con (chiếm 28,9 % tổng đàn) với trọng lượng 37 tấn.

Đến nay, có 254 xã, phường (chiếm 57% tổng số xã, phường có dịch) và 6 quận ( Hà Đông, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàng Mai,Bắc Từ Liêm, Long Biên) dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh.

Sau thời điểm xuất hiện dịch bệnh lần đầu tiên trên địa bàn thành phố (tháng 2,3), cùng với diễn biến dịch bệnh cả nước trên địa bàn thành phố dịch bệnh phát sinh mạnh ở tháng 4 đến tháng 6. Từ tháng 8 đến nay dịch bệnh phát sinh đã giảm nhiều, cụ thể tháng 10 số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy chỉ chiếm 2,04% tổng số lợn tiêu hủy.

Lên phương án nhập khẩu thịt lợn dịp cận Tết

Theo Bộ NN&PTNT, Đồng bằng sông Hồng là nơi bị thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi, nhiều địa phương mất tới 30-40% tổng đàn, ngân sách dự phòng cho công tác chống dịch đã cạn kiệt. Riêng địa bàn Hà Nội, dịch tả lợn châu Phi đã phủ kín nhiều quận, huyện và gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi.

Từ tháng 2 đến nay, bệnh dịch đã khiến cả nước thiệt hại khoảng 5,5 triệu con lợn, tương đương 8% tổng sản lượng. Vào tháng 5, số lượng lợn tiêu hủy cao nhất với 1,2 triệu con và đang có xu hướng giảm trong 4 tháng qua. Một điều đáng lo ngại hơn, rất nhiều địa phương có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó người dân tái đàn, dịch bệnh này lại quay trở lại.

Trong khi đó, đầu tháng 11/2019 giá lợn hơi trên cả nước tiếp tục tăng mạnh trên cả nước. Tại các tình phía Bắc, mức giá giao động trong khoảng từ 60.000 – 66.000 đồng/kg, còn ở các tỉnh phía Nam cũng ghi nhận tăng khoảng 1.000 đồng/kg, nằm ở mức từ 56.000 – 60.000 đồng trên/kg. 

Các chuyên gia đánh giá, nguồn cung thịt lợn suy giảm, trong khi nhu cầu hàng thực phẩm cuối năm tăng cao nên giá được đẩy lên.

Để giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung và thị trường tăng giá, nhiều phương án để giải quyết tình trạng hiện tại. Bộ NN&PTNT đã có kịch bản chi tiết cụ thể tình hình sản xuất, dịch bệnh, đánh giá sát từng tháng tình hình cung – cầu và phối hợp Bộ Công thương để có biện pháp bảo đảm nguồn cung cho tiêu dùng trong nước; tránh tình trạng tăng giá đột xuất nhóm hàng này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tái đàn ở các khu vực hết dịch. Đồng thời đa dạng hóa nguồn cung các sản phẩm thay thế.

Bộ Công thương cho biết, trong trường hợp nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu, có kế hoạch nhập khẩu nguồn thịt từ nước ngoài để thay thế. Hiện tại có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ có đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt vào Việt Nam.

MỚI - NÓNG