> Chống tham nhũng: Dàn trận lớn bắt chuột con?
> Đề nghị lập cơ quan chuyên trách điều tra tham nhũng
Càng ngày người dân cả nước càng thấy rõ vai trò quan trọng của Quốc hội nước nhà trong mọi vấn đề từ quốc kế cho tới dân sinh. Mỗi năm Quốc hội họp 2 kỳ cùng các phiên họp hằng tháng của UBTV Quốc hội, tất tật mọi chuyện đều phải được 500 vị đại biểu tỏ tường, luận bàn rồi quyết định.
Quốc hội không chỉ làm luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước mà còn có chức năng giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Nhiều năm nay, mọi phiên chất vấn các thành viên chính phủ, các cuộc thảo luận quan trọng ở nghị trường đều được phát thanh, truyền hình trực tiếp đến mọi người dân cả nước. Sinh hoạt nghị trường nhờ đó đã như được mở rộng không gian, được đông đảo người dân đón chờ, theo dõi sát sao. Đội ngũ nhà báo chuyên trách Quốc hội cũng ngày một đông đảo và chuyên nghiệp.
Chính vì vậy, cả số lượng và chất lượng phát biểu của các đại biểu tại nghị trường hoặc tại các cuộc tiếp xúc cử tri đều được người dân đánh giá, “bỏ phiếu”. Kỳ nào, khóa nào cũng có không ít các ông nghị luôn đau đáu vì dân, luôn dám nói trúng ý dân, không nể nang hay né tránh.
Nhưng cũng thấy không ít vị hầu như không phát biểu gì hoặc có nhưng lại chung chung, tránh đụng chạm. Tại phiên thảo luận ngày 7/11 vừa qua, hàng loạt ý kiến quyết liệt của các đại biểu về một chủ đề rất cũ nhưng vô cùng nhức nhối, nóng bỏng - quốc nạn tham nhũng - lại vang lên trên diễn đàn Quốc hội.
Đại biểu Lê Như Tiến thẳng thắn nói : “Có vị đại biểu tâm sự mỗi lần ra họp Quốc hội là lãnh đạo địa phương căn dặn rất kỹ lưỡng: Muốn phát biểu gì cũng được trừ phát biểu về tham nhũng vì nếu phát biểu khi còn cơ chế xin cho thì mình xin ai cho; càng không phát biểu tham nhũng ở địa phương vì dại gì mà vạch áo cho người xem lưng. Thế là tiếng nói chống tham nhũng có nguy cơ bị triệt tiêu ngay trên diễn đàn Quốc hội”.
ĐBQH do dân bầu nên, 18 vạn dân mới có một người, nếu vị nào không dám nói tiếng nói của dân, chỉ nghe “lời căn dặn kỹ lưỡng” của lãnh đạo tỉnh nhà, không “vạch áo cho người xem lưng”, “không phát biểu về tham nhũng ở địa phương” như đại biểu Lê Như Tiến nêu thì quả là đáng thất vọng.
Sức mạnh của Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất chính là ý chí, nguyện vọng của 90 triệu người dân. Trung bình cứ 18 vạn đồng bào sẽ ủy quyền cho một đại biểu, cũng chính tiền thuế của dân lo kinh phí cho các vị đi họp 2 kỳ/năm. Nếu vị nào cũng luôn nằm lòng điều này hẳn sẽ bớt đi những “lời căn dặn” của lãnh đạo địa phương, và ắt sẽ góp thêm nhiều tiếng nói chống tham nhũng, tiêu cực, vì nước, vì dân dõng dạc vang lên giữa nghị trường.