17 quận, huyện TPHCM ghi nhận ca nhiễm Zika

TPO - Ngày 23/11, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM đã có buổi giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh do virus Zika trên địa bàn quận 2.

Quận và thành phố báo cáo số liệu lệch nhau.

Theo báo cáo của UBND quận 2 tại buổi giám sát, đến nay, đã có 12 trường hợp dương tính với virus Zika ghi nhận tại 6 phường, trong đó có 3 thai phụ. Cụ thể, phường An Phú có 4 trường hợp, các phường Bình Trưng Tây, Bình Trưng Đông, Cát Lái mỗi phường 2 ca và phường Thạnh Mỹ Lợi, Bình Khánh mỗi phường 1 ca. Đây là quận có số ca mắc cao thứ nhì của thành phố, sau quận Bình Thạnh (13 ca).

Cùng ngày, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM lại cho biết, tính đến 8h ngày 23/11, tiếp tục có thêm huyện Bình Chánh ghi nhận ca nhiễm virus Zika.

Như vậy, số trường hợp nhiễm Zika được xác định tại TPHCM đến nay đã là 65 ca phân bố tại 17/24 quận huyện. Đây là báo cáo số trường hợp được chẩn đoán xác định qua hệ thống giám sát trọng điểm bệnh Sốt xuất huyết Dengue - bệnh Chikungunya - bệnh do vi rút Zika và đã được điều tra dịch tễ.

Tuy nhiên, cũng theo số liệu trên của trung tâm, tổng số ca mắc Zika trên địa bàn quận 2 lại chỉ là 11 trường hợp (?).

Cùng với truyền thông cách phòng chống dịch bệnh trên hệ thống loa phát thanh, quận 2 đã tổ các buổi truyền thông trực tiếp cho 16.700 hộ gia đình trong khu vực có bệnh nhân nhiễm Zika về các biện pháp phòng chống dịch trong cộng đồng. Vận động người dân tham gia chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi và lăng quăng nhằm ngăn chặn dịch bệnh do virus Zika.

Ban hành quy trình thu dung, điều trị thai phụ nhiễm Zika

Theo UBND quận 2, khó khăn cho công tác phòng chống dịch là do địa bàn quá rộng, lại đang trong quá trình đô thị hóa. Do đó, nhiều dự án, nhà cửa xây dựng, nhiều khu đất trống tồn đọng nước thải, vật chứa nước phát sinh lăng quăng và muỗi. Một số hộ dân rất chủ quan với dịch bệnh và có thói quen tập trung rác trước nhà, lề đường tạo thêm điều kiện để dịch bệnh phát triển. Kinh phí cho công tác phòng, chống dịch còn hạn chế cũng là một khó khăn.

Phát biểu tại buổi giám sát, bà Thi Thị Tuyết Nhung - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội - cho rằng, quận 2 cần rà soát, đánh giá các hoạt động truyền thông, đề ra giải pháp để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đầu tư kinh phí cho công tác phòng chống dịch đúng mức, quận cần huy động nguồn lực từ các đoàn thể để làm công tác truyền thông, vệ sinh môi trường. Đối với các công trình xây dựng không đảm bảo vệ sinh môi trường, quận cần tập trung xử lý một cách triệt để.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Zika, Sở Y tế TPHCM cũng đã ban hành quy trình thu dung điều trị thai phụ nhiễm virus Zika nhằm thống nhất cách phát hiện, chăm sóc và theo dõi, bảo đảm tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Cũng như phù hợp với thực tiễn và năng lực chuyên môn của các bệnh viện có khoa sản tại thành phố.

Cụ thể, thai phụ sẽ được chỉ định làm xét nghiệm chẩn đoán xác định nhiễm Zika khi xuất hiện hồng ban da và có thêm 2 trong số 3 triệu chứng gồm sốt, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc mắt.

Nơi tiếp nhận thai phụ nghi ngờ nhiễm Zika trực tiếp lấy mẫu bệnh phẩm gửi về khoa xét nghiệm của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM ngay trong ngày. Kết quả xét nghiệm được trả cho bệnh viện lấy mẫu bệnh phẩm chỉ sau 48 giờ.

Các bệnh viện có khoa sản thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc thai kỳ và có thể chuyển tuyến thai phụ nghi ngờ hoặc đã xác định nhiễm virus Zika đến Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, nếu vượt quá khả năng. Đối với trẻ sinh ra từ các thai phụ này, bệnh viện thực hiện tư vấn, khám tầm soát, sàng lọc theo chuyên khoa phù hợp để phát hiện sớm các bất thường, dị tật bẩm sinh nhằm can thiệp kịp thời.

MỚI - NÓNG