16 dự án BT tổng mức đầu tư 130.000 tỷ đồng ở Hà Nội: Cần đấu thầu công khai

Cầu vượt Long Biên, một trong 7 dự án BT tại Hà Nội vừa hoàn thành đã hư hỏng mặt cầu.
Cầu vượt Long Biên, một trong 7 dự án BT tại Hà Nội vừa hoàn thành đã hư hỏng mặt cầu.
TP - Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội vừa đề xuất Chính phủ cho đầu tư thêm 16 dự án BT với tổng mức đầu tư trên 130.000 tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, để tránh lặp lại những sai phạm của các dự án BT vừa qua, thành phố Hà Nội nên đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư.

Vẫn hưởng cơ chế đặc thù?

Trong 16 dự án BT được Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất, có 12 dự án BT giao thông và 4 dự án BT môi trường, tổng mức đầu tư cho các dự án này trên 136.000 tỷ đồng. Với các dự án về giao thông, có một số dự án với mức đầu tư lớn như đường vành đai 2,5 (đoạn Trần Duy Hưng - Dịch Vọng): trên 5.000 tỷ đồng; Vành đai 3,5: 25.000 tỷ đồng; Vành đai 4: 35.900 tỷ đồng; Cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng: 7.000 tỷ đồng; Cầu Mễ Sở và đường dẫn 2 đầu cầu; đường trên cao Vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng… Các dự án môi trường, gồm: Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (Bắc Từ Liêm): 4.200 tỷ đồng; Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở: 3.000 tỷ đồng; Trạm bơm Đông Mỹ: 1.200 tỷ đồng; Trạm chuyển nước sông Tích sang sông Đáy: 800 tỷ đồng.

Quá trình triển khai dự án, thành phố còn đề xuất được hưởng cơ chế đặc thù (miễn nhiều thủ tục theo quy định). Cụ thể, thành phố kiến nghị: Đối với một số dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, có tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết ách tắc giao thông cần triển khai sớm, nếu thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định của Chính phủ sẽ mất nhiều thời gian, không đáp ứng được mục tiêu, tiến độ. “Dự án càng chậm triển khai thực hiện sẽ càng lãng phí và giảm hiệu quả khai thác. Vì vậy cần có cơ chế đặc thù trong việc lựa chọn nhà đầu tư đối với một số dự án bức xúc dân sinh”, ông Chung kiến nghị.

Đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, hiện dự án Cầu Mễ Sở và đường dẫn 2 đầu cầu (Vành đai 4), đường trên cao Vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng đã có nhà đầu tư đề xuất thực hiện theo hình thức PPP. Cụ thể, dự án cầu Mễ Sở và đường dẫn 2 đầu cầu đã được Liên danh Cty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành và Cty CP Đầu tư và phát triển hạ tầng Nguyên Minh đề xuất thực hiện theo hình thức BOT với tổng kinh phí 4.881 tỷ đồng. Dự án cũng đã được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận về phương án triển khai và báo cáo Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT. Với dự án đường trên cao Vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng, hiện UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định nhà đầu tư. Tập đoàn Vingroup là nhà đầu tư được thành phố chấp thuận lựa chọn để thực hiện dự án theo BT với tổng kinh phí trên 8.000 tỷ đồng, dự kiến dự án sẽ được khởi công cuối năm 2017 và hoàn thành năm 2020…

Cần đấu thầu công khai

Đánh giá về việc thực hiện các dự án BT tại Hà Nội vừa qua, nhiều chuyên gia xây dựng cho rằng, hầu hết các dự án BT triển khai tại Hà Nội đều thực hiện theo cơ chế đặc thù là chỉ định thầu. Cùng với đó, trong quá trình triển khai, Hà Nội chưa thực hiện đúng các quy trình lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, đánh giá năng lực đối với một số nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ. Việc lựa chọn ký hợp đồng để thực hiện dự án đối với một số nhà đầu tư cũng không đảm bảo năng lực theo quy định. “Đặc biệt, các dự án xin chủ trương đặc thù đều được Hà Nội đưa ra lý do tính cấp bách, cấp thiết… Tuy nhiên, thành phố Hà Nội đã không thực hiện đúng quy trình, không chứng minh, làm rõ thực trạng, mức độ chính xác của việc cấp bách, cấp thiết khi chỉ định nhà đầu tư”, một thành viên Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

TS Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Giao thông Vận tải, cho rằng, cho dù có được hưởng cơ chế đặc thù thì khi lựa chọn nhà đầu tư các dự án BT hay BOT cũng phải lựa chọn theo hình thức đấu thầu công khai. Tuy nhiên, trong 7 dự án BT Hà Nội triển khai vừa qua tất cả là lựa chọn theo hình thức chỉ định thầu. Điều này dẫn đến nhà nước khó chọn ra được nhà đầu tư có đủ năng lực, đủ chuyên môn để thực hiện dự án.

 “Đây là nguyên nhân chính khiến dự án bị chậm tiến độ, đội giá như kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra vừa qua. Cùng với đó, chưa có loại hình thi công nào mà dự án đi vào hoạt động nhiều năm nhưng đến nay 7/7 dự án BT thực hiện tại Hà Nội vẫn chưa thể quyết toán”, ông Tâm nêu thực tế.

Đề cập đến hình thức lựa chọn nhà thầu của các dự án BT, BOT thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho rằng, trừ các dự án cấp bách và có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, sắp tới các dự án được triển khai theo hình thức PPP trong đó có BT, BOT sẽ được thành phố tổ chức đấu thầu công khai theo Nghị định 15 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.