16 bang nước Mỹ kiện Tổng thống Trump

Một sỹ quan biên phòng Mỹ nhìn sang phần lãnh thổ Mexico. ảnh: NBC News
Một sỹ quan biên phòng Mỹ nhìn sang phần lãnh thổ Mexico. ảnh: NBC News
TP - 16 bang của nước Mỹ vừa nộp đơn lên tòa án kiện Tổng thống Donald Trump vì việc ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Đại diện các bang này, dẫn đầu là bộ trưởng Tư pháp bang California Xavier Becerra, đã nộp đơn kiện lên tòa án ở California.

“Chúng tôi sẽ cố gắng ngăn tổng thống vi phạm hiến pháp, phân tách quyền lực, ăn cắp tiền của người dân Mỹ và ngân sách các bang đã được quốc hội phân bổ một cách hợp pháp”, ông Becerra nói với đài CNN. Bộ trưởng tư pháp các bang Colorado, Connecticut, Delaware, Hawaii, Illinois, Maine, Maryland, Michigan, Minnesota, Nevada, New Jersey, New Mexico, New York, Oregon và Virginia cùng California đứng đơn kiện.

Đây là thách thức mới nhất nhằm vào chính quyền của ông Trump, vốn đã phải đối đầu với một loạt đơn kiện liên quan đến việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Trong tuần vừa qua, Trung tâm Đa dạng sinh học, Mạng lưới biên giới vì nhân quyền, hai tổ chức phi chính phủ, cùng hạ nghị sỹ bang Texas Beto O’Rourke và Liên đoàn Dân sự Mỹ (tổ chức phi lợi nhuận) tuyên bố kiện tổng thống Mỹ.

Lý luận chính của các đơn kiện nói trên cho rằng ông Trump đã lách các quy định của quốc hội để lấy tiền ngân sách chi cho việc xây dựng bức tường trên biên giới Mỹ-Mexico, cụ thể bằng việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

“Hiến pháp trao quyền cho quốc hội quyết định các khoản chi tiêu, và chưa có tổng thống tiền nhiệm nào từng tìm cách sử dụng tình trạng khẩn cấp để tài trợ vốn cho một dự án, đặc biệt là một dự án thường xuyên quy mô lớn ở trong nước”, Dror Ladin, đại diện Liên đoàn Dân sự Mỹ nói.

Ông Becerra nói rằng các bang đứng lên thách thức Tổng thống Trump bởi vì tiền ngân sách của họ có thể bị trưng dụng.

“Nếu tổng thống về thực chất là đánh cắp tiền đã được phân bổ cho các bang chi vào nhiều mục đích, chúng tôi sẽ thiệt thòi, người dân các bang sẽ thiệt thòi”, ông nói.

Luật Tình trạng khẩn cấp quốc gia cho phép Tổng thống Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và sử dụng ngân quỹ quốc gia, viện dẫn một số quyền do luật định. Tổng thống Mỹ có quyền áp đặt nhiều thứ được xem là cấu thành tình trạng khẩn cấp quốc gia. Vì thế, các chuyên gia luật pháp cho rằng chống lại tuyên bố (tình trạng khẩn cấp) dựa vào chính cơ sở của tuyên bố này là khá khó khăn. Một câu hỏi khác là đạo luật mà ông Trump viện dẫn, trong trường hợp cụ thể này, đòi hỏi sử dụng các lực lượng vũ trang, có cho phép dùng ngân sách cho quân đội chi vào việc xây tường hay không.

Theo tuyên bố tình trạng khẩn cấp của ông Trump, chính quyền sẽ sử dụng 6,1 tỷ USD ngân sách chi cho quân đội. Quyền bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan nói ông sẽ nghiên cứu xem dự án nào của quân đội có thể được rút và cũng xác định việc xây các hình thức rào chắn ở biên giới có phải là việc cần thiết đến mức phải sử dụng vai trò của các lực lượng vũ trang hay không.

Nhưng ông Trump không chỉ phải giải quyết các đơn kiện, mà còn có nguy cơ đối mặt với một nghị quyết do các nghị sỹ đảng Dân chủ chiếm đa số ở Hạ viện đưa ra nhằm chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp của tổng thống. Tất nhiên nghị quyết này còn cần phải được thông qua ở Thượng viện rồi mới tới bàn tổng thống.

Hôm chủ nhật vừa qua, cố vấn Nhà trắng Stephen Miller cho rằng ông Trump sẽ dùng quyền phủ quyết của Tổng thống lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức nếu các nhà lập pháp cố gắng hủy bỏ tuyên bố tình trạng khẩn cấp của ông.

Tình trạng khẩn cấp quốc gia có thể kéo dài trong một năm và hết hạn, trừ phi Tổng thống Mỹ gia hạn thêm 90 ngày. Cứ 6 tháng/lần, quốc hội lưỡng viện Mỹ lại ra nghị quyết xem xét chấm dứt hay tiếp tục tình trạng khẩn cấp.

MỚI - NÓNG