16.000 lưu học sinh Lào đang học tại Việt Nam

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai từ trái sang) tham triển lãm giáo dục Việt - Lào 2019
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai từ trái sang) tham triển lãm giáo dục Việt - Lào 2019
TPO - Tại thời điểm tháng 3/2019, có tổng số trên 16.000 lưu học sinh Lào tại Việt Nam (chiếm gần 80% tổng số lưu học sinh quốc tế đang học tập tại Việt Nam).

Hôm nay, 29/5, tại thủ đô Viêng Chăn, nước CHDCND Lào, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục Thể thao Lào đã phối hợp tổ chức “Diễn đàn nâng cao chất lượng đào tạo Việt Nam - Lào”.

Trong nhiều năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho CHDCND Lào luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của hai Đảng, hai Nhà nước và ngày càng được tăng cường về số lượng và chất lượng.

Năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020”.

Nếu như năm 2011 cả nước chỉ có hơn 6000 lưu học sinh Lào học tập tại khoảng 70 cơ sở giáo dục của Việt Nam trong đó có gần 4000 lưu học sinh diện ngoài hiệp định, thì từ năm 2015 đến nay số lượng lưu học sinh Lào học tập tại Việt Nam luôn duy trì trên 12.000 người. Tại thời điểm tháng 3/2019 có tổng số trên 16.000 lưu học sinh Lào tại Việt Nam (chiếm gần 80% tổng số lưu học sinh quốc tế đang học tập tại Việt Nam).

Để hỗ trợ nâng cao đào tạo tiếng Việt, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã hoàn thành Biên soạn Chương trình dạy tiếng Việt và bộ sách giáo khoa tiếng Việt (thực nghiệm) từ lớp 1 đến lớp 12 cho học sinh Lào. Thực hiện thí điểm dạy học song ngữ Việt - Lào tại trường Nguyễn Du, Viêng Chăn, Lào. Hiệu chỉnh và hoàn thiện 02 bộ từ điển Lào - Việt, Việt - Lào. Hàng năm cử từ 30 đến 40 giáo viên sang dạy tiếng Việt và các môn khoa học tự nhiên tại Lào.

Tuy nhiên, do số lượng lưu học sinh ngoài Hiệp định và số cơ sở tham gia đào tạo lưu học sinh tăng nhanh, dẫn tới chất lượng đào tạo lưu học sinh diện ngoài Hiệp định chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, ý thức và kết quả học tập của nhiều lưu học sinh chưa cao, trình độ tiếng Việt còn hạn chế, một số cơ sở giáo dục Việt Nam chưa thực sự quan tâm tới công tác đào tạo lưu học sinh Lào.

Trao đổi tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hải Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT Việt Nam đề nghị, Bộ GD&TT Lào chỉ công nhận văn bằng đối với các lưu học sinh có Quyết định của Bộ GD&TT Lào cử đi học tập tại Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện để lưu học sinh diện ngoài Hiệp định cũng được học tiếng Việt ít nhất 03 tháng tại Lào trước khi sang Việt Nam học giống như những lưu học sinh diện Hiệp định.

Về phía Lào, Thứ trưởng Bộ GD&TT Lào Khathaly Siliphongphan cho biết, sẽ tăng cường dạy tiếng Việt cho sinh viên Lào trước khi sang Việt Nam học tập, ngoài việc học dự bị tiếng Việt 2 tháng, khoa tiếng Việt của Đại học Quốc gia Lào cũng sẽ có chương trình dạy 4 tháng tiếng Việt cho các sinh viên Lào. Phía Lào cũng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam để tăng cường các giải pháp quản lý sinh viên Lào tại Việt Nam.

Giới thiệu về giáo dục đại học Việt Nam tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Văn Phúc cho biết, hiện Việt Nam đã có 121 cơ sở giáo dục đại học được công nhận bởi các tổ chức kiểm định trong nước và 06 cơ sở đào tạo được kiểm định và công nhận bởi tổ chức kiểm định nước ngoài, 142 chương trình đại học được đánh giá và công nhận trong đó 16 chương trình được đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước và 126 chương trình theo tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế.

Trong khuôn khổ Diễn đàn nâng cao chất lượng đào tạo Việt Nam - Lào đã diễn ra Triển làm giáo dục đại học Việt Nam - Lào 2019. Đây là lần thứ hai Triển lãm được tổ chức sự tham gia của 40 trường đại học Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.