15 trạm cân có chặn được xe quá tải ở Hà Nội?

Sáng 23/9, sau hơn 1 giờ chây ì, tài xế và chủ xe 29C-853 mới chịu đưa xe chở quá tải vào cân
Sáng 23/9, sau hơn 1 giờ chây ì, tài xế và chủ xe 29C-853 mới chịu đưa xe chở quá tải vào cân
TP - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đang triển khai các đợt cao điểm xử lý xe quá tải, hàng nghìn trường hợp vi phạm đã bị xử lý.

Cùng với đó, để kiểm tra, xử lý hiệu quả xe chở quá tải, thành phố Hà Nội vừa đồng ý với đề xuất của Sở GTVT về phương án lắp đặt 15 trạm cân tự động tại các tuyến đường cửa ngõ huyết mạch. 

Trong tuần qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Cảnh sát môi trường - Công an thành phố Hà Nội triển khai các tổ công tác kiểm tra, xử lý xe quá tải tại nhiều tuyến đường cửa ngõ phía Tây.

Cụ thể, sáng 23/9, tổ công tác kiểm tra xử lý xe quá tải của Sở GTVT Hà Nội làm nhiệm vụ trên các tuyến đường thuộc quận Nam Từ Liêm. Tại đây, tổ công tác đã dừng kiểm tra xe tải chở quá tải vật liệu xây dựng chạy trên đường Cầu Diễn, Hồ Tùng Mậu (QL32) và đường 70…

Xe tải BKS 29C-853… chở đầy cát, quá tải lưu thông theo hướng cầu Diễn - Nhổn. Tổ công tác đề nghị lái xe cho phương tiện vào khu đặt trạm cân di động để kiểm tra. Tài xế khai tên là Khương Công Sắc (SN 1987), ngoài chứng minh thư nhân dân, tài xế Sắc không có bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến lưu hành của xe tải và hàng hóa chở theo. Khi tổ công tác yêu cầu lái xe cho phương tiện vào vị trí đặt trạm cân, tài xế đã không chấp hành và nói, phải chờ gọi điện thoại xin ý kiến chủ xe.

Sau gần một giờ chờ đợi lái xe chấp hành và có sự hỗ trợ của cảnh sát môi trường chiếc xe mới được đưa đến trạm cân để kiểm tra tải trọng. Kết quả, xe được phép chở 8,2 tấn, nhưng đã chở 15,5 tấn.

Trên đường 70, Thanh tra giao thông Từ Liêm, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã kiểm tra và cân xe 29C-898... Theo thiết kế, xe được phép chở 1,9 tấn, nhưng tại thời điểm kiểm tra, xe chở 3,7 tấn, quá tải trên 90%.

Với lỗi trên, cả lái xe và chủ xe bị phạt 34 triệu đồng, ngoài ra lái xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước bằng lái, chủ xe bị tước phù hiệu kinh doanh 2 tháng.

Đại diện Thanh tra, Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay Thanh tra Sở đã kiểm tra, phát hiện và xử lý hơn 4.200 trường hợp xe chở quá tải vi phạm trên đường. Hầu hết các xe được kiểm tra, phát hiện đều chở vượt tải từ 50% trở lên, có xe vượt đến 200% tải trọng cho phép.

15 trạm cân tự động

Ông Hoàng Xuân Dư, Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT đường bộ, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho rằng, ngoài gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông trên đường, xe chở quá tải còn làm hư hỏng mặt đường, cầu cống, thiệt hại rất lớn về kinh tế cho nhà nước. Theo ông Dư, khi thiết kế, xuất xưởng, nhà sản xuất đã tính toán tải trọng xe phù hợp với hệ thống trục, bánh xe; xe tải trọng lớn thì có nhiều bánh xe để chia tải trọng nén đều xuống mặt đường. Tuy nhiên nếu xe chở quá tải, độ nén tải trọng xuống mặt đường lớn, dẫn đến mặt đường, mặt cầu bị quá tải, gây lún nứt, tạo ổ gà, ổ trâu.

Ông Dư nói, việc xử lý vi phạm tải trọng đang gặp rất nhiều khó khăn. “Trong quá trình xử lý xe chở quá tải, lực lượng thực hiện nhiệm vụ gặp phải sự bất hợp tác, thậm chí là chống đối của cả lái và chủ xe. Vụ lái xe chây ì như sáng 23/9, khiến tổ công tác mất khoảng 2 giờ mới xử lý xong là ví dụ”, ông Dư nói.

Có mặt tại nhiều tuyến đường Hà Nội những ngày qua, chúng tôi thấy, các tuyến đường cửa ngõ, trục hướng tâm và quốc lộ chạy qua Hà Nội đang có nhiều xe vi phạm các quy định: Đi vào phố cấm, đường cấm, chở hàng, vật liệu không được che chắn, rơi vãi xuống đường…

Tại các tuyến đường, khu vực cửa ngõ trong những ngày qua, chúng tôi ghi nhận, xe tải thường chạy nhiều vào ban đêm và sáng sớm.

Đơn vị quản lý tuyến QL5 cho biết, vừa đề xuất Bộ GTVT duyệt chủ trương để chi trên 800 tỷ đồng sửa chữa hư hỏng mặt đường, trong đó chủ yếu là sửa chữa, vá víu các vị trí hằn lún do xe chở quá tải gây ra.

Trước tình trạng xe chở quá tải gia tăng gây nhiều hậu quả như lâu nay, UBND thành phố Hà Nội vừa đồng ý để Sở GTVT xây dựng dự án lắp đặt hệ thống thiết bị cân kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ. Sở GTVT được giao nghiên cứu lắp đặt trạm cân tự động tại 15 vị trí. Trong đó có trạm cân tại đường Võ Văn Kiệt, huyện Đông Anh (khu vực đầu cầu tầng 2 bờ Bắc cầu Thăng Long) nhằm kiểm soát tải trọng xe trên tuyến đường Vành đai 3 và cầu Thăng Long.

14 vị trí còn lại dự kiến lắp đặt trạm cân gồm: Đường Tây Tựu (đường 70), đường Lĩnh Nam, Quốc lộ 3, Quốc lộ 2, Quốc lộ 21, Quốc lộ 21B, Quốc lộ 32, Quốc lộ 6, đường đi Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Quốc lộ 1A, đường 429, đường Hồ Chí Minh… 

Chiều 30/9, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi thành phố đồng ý đề xuất, Sở GTVT Hà Nội đã giao các đơn vị trực thuộc chọn phương án thực hiện trong quý 4 năm nay.

Khó xử lý
Trao đổi với PV Tiền Phong  đại diện CSGT Hà Nội cho rằng, mức xử phạt xe quá tải đủ sức răn đe nhưng không hề dễ 
xử lý.
Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT số 5, Phòng CSGT Hà Nội (quản lý trật tự giao thông khu vực cửa ngõ phía Bắc gồm địa bàn quận Long Biên, Gia Lâm) cho biết, theo quy định hiện hành, nếu xe chở quá tải 50 - 100%, lái xe bị phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3 tháng; chủ xe bị phạt 34 triệu đồng, tước phù hiệu hoạt động 3 tháng. Ngoài ra, tại thời điểm vi phạm, lái xe chở quá tải còn phải hạ tải toàn bộ phần chở vượt tải trọng cho phép. Đối với xe cơi nới thùng để chở quá tải, lái xe phải tháo dỡ các phần cơi nới, đăng kiểm lại… sau đó lực lượng chức năng mới tiến hành các thủ tục xử phạt.
Tuy nhiên, ông Ngọc cho rằng, đang gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý. Đầu tiên là lái xe chống đối, tình huống thường xảy ra là lái xe không chịu xuất trình giấy tờ, viện lý do gọi điện cho chủ xe để câu giờ, có trường hợp lái xe đóng cửa bỏ đi. Tiếp đến, việc dừng xe để xử lý sẽ gây ùn tắc giao thông nên đôi khi vào ban ngày, lực lượng chức năng phát hiện chỉ nhắc nhở rồi phải cho xe đi, tránh gây ùn tắc kéo dài. Để xử lý hiệu quả xe quá tải, cần trang bị thêm xe cẩu kéo lớn để có thể cẩu kéo được các xe tải vi phạm nhưng tài xế chây ì.
Anh Trọng

MỚI - NÓNG