147.911 m2 nhà công vụ sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổng hợp sơ bộ số liệu báo cáo không đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2016-2021 cho thấy, số lượng phương tiện đi lại sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ là 6.976 chiếc; diện tích nhà công vụ sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ là 147.911 m2…

Kiến nghị xử lý hình sự 50 người đứng đầu

Chiều 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.

Báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát cho thấy, giai đoạn 2016-2021, toàn ngành Thanh tra đã triển khai triển khai 43.276 cuộc thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua thanh tra, kiểm tra 64.671 đơn vị, phát hiện vi phạm về kinh tế 148.540 tỷ đồng, 143.777 ha đất, trong đó, kiến nghị thu hồi 70.697 tỷ đồng, 111.894 ha đất; kiến nghị xử lý khác 77.843 tỷ đồng, 31.883 ha đất.

Ngành Thanh tra cũng kiến nghị xử lý hành chính 11.999 tổ chức, 40.704 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 293 vụ, 375 đối tượng; xử lý hành chính trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị 1.709 người, xử lý hình sự 50 người; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.

Với Kiểm toán Nhà nước, giai đoạn 2016-2021 cũng thực hiện 1.243 cuộc kiểm toán, kết quả đã kiến nghị xử lý tài chính 431.435,5 tỷ đồng. Đồng thời, đã chỉ ra hàng loạt lỗ hổng cơ chế, chính sách với nhiều lĩnh vực được kiểm toán như: đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT; quản lý đất đai, đô thị, tài nguyên khoáng sản; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; quản lý tiền lương, biên chế; quản lý, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA….

Đặc biệt, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước phát hiện những hiện tượng, những dấu hiệu tham ô, lãng phí, không tuân thủ pháp luật trong quản lý kinh tế, tài chính, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực tài chính, tài sản nhà nước…

Giai đoạn này, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 21 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật và cung cấp 763 hồ sơ.

Diện tích trụ sở sử dụng sai chế độ đã xử lý là 37.317 m2

Tổng hợp sơ bộ số liệu báo cáo không đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2016-2021 cho thấy, số lượng phương tiện đi lại (ô tô, mô tô, xe gắn máy) sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ là 6.976 chiếc với số tiền xử lý vi phạm 4,8 tỷ đồng. Số lượng tài sản khác được trang bị, sử dụng sai mục đích, sai chế độ phát hiện được là 33.608 tài sản với số tiền xử lý vi phạm 38,234 tỷ đồng; diện tích trụ sở sử dụng sai chế độ đã xử lý là 37.317 m2. Số tiền xử lý vi phạm, thanh lý trụ sở thu được là 452,7 tỷ đồng. Diện tích nhà công vụ sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ là 147.911 m2…

Đoàn giám sát đề nghị các bộ, ngành, địa phương bổ sung báo cáo cụ thể việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc, tài sản từ nguồn viện trợ, tài trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và tài sản khác.

Đoàn giám sát cũng yêu cầu báo cáo rõ việc di dời, chuyển đổi trụ sở tại từng bộ, ngành, địa phương, việc chấp hành các quy định hoàn trả nhà nước hoặc để hoang phí, lãng phí tài sản nhà nước, làm rõ số lượng trụ sở nhà nước quản lý không sử dụng hoặc chỉ sử dụng một phần, phần còn lại cho thuê, liên doanh liên kết không đúng quy định của pháp luật.

Về kế hoạch triển khai, đoàn giám sát sẽ tập trung giám sát: Việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, đặc biệt là các bộ, ngành, địa phương đầu tư xây dựng nhiều trụ sở, số lượng trụ sở nhà nước quản lý không sử dụng hoặc chỉ sử dụng một phần, phần còn lại cho thuê, liên doanh liên kết không đúng quy định của pháp luật; hoặc vừa thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.