14% cơ sở, khu công nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng

Cá chết do nước thải chưa qua xử lý của Nhà máy đường Khánh Hòa năm 2017. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn
Cá chết do nước thải chưa qua xử lý của Nhà máy đường Khánh Hòa năm 2017. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn
TPO - Theo kết quả thanh tra môi trường của Tổng cục Môi trường trong thời gian 2015-2017 ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, có tới 14% cơ sở được thanh tra gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Sáng nay (5/6/2018) - Ngày Môi trường thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị triển khai chương trình toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực miền Trung và Tây Nguyên năm 2018.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 3 năm 2015-2017, Tổng cục Môi trường tổ chức thanh tra, kiểm tra với 253 cơ sở, khu công nghiệp trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên. Kết quả, 36 cơ sở thuộc đối tượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (chiếm 14%), lập biên bản vi phạm hành chính với 101 cơ sở, khu công nghiệp, đề nghị xử phạt hơn 14 tỷ đồng.

Miền Trung, Tây Nguyên cũng xảy ra nhiều sự cố môi trường thời gian qua. Ngày 24-28/5/2017 tại khu vực xã Xuân Phương và phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên xảy ra hiện tượng tôm hùm nuôi lồng chết, gây thiệt hại hơn 700 tỷ đồng. Nguyên nhân do mật độ nuôi quá dày kết hợp với ô nhiễm môi trường nước do chăn nuôi và sự thay đổi thời tiết đột ngột.

Ngày 13/3/2017, Nhà máy đường Khánh Hòa, Công ty TNHH đường Khánh Hòa để nước thải chưa qua xử lý tràn ra hệ thống thoát nước mưa ra đầm Thủy Triều khiến một số loài thủy sản tự nhiên bị chết, thiệt hại 3,5 tỷ đồng. Ngày 17/7/2017 cá lồng bè chết hàng loạt tại sông Cổ Cò, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn. Tháng 12/2017, sự cố Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ, Đắk Nông xảy ra sự cố tràn dung dịch nhiễm kiềm ra suối gây hiện tượng cá chết. Các sự cố trên đã tìm được nguyên nhân và có biện pháp khắc phục.

Theo ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, từ những sự cố trên, bài học rút ra cần coi trọng công tác thẩm định hồ sơ môi trường như báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đặc biệt là nội dung phòng ngừa, ứng phó sự cố phải được nêu cụ thể, chi tiết. “Thực tế cho thấy, nhiều tình huống sự cố xảy ra, chủ cơ sở lúng túng, không biết ứng phó dễ dẫn đến hậu quả khôn lường”, ông Đồng nói.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, trong thời gian 6 tháng từ tháng 11/2017-5/2018, đường dây nóng của Tổng cục Môi trường tiếp nhận 78 thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường trên địa bàn 14 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, 42 vụ đã được xác minh, kiểm tra, xử lý. Các vụ việc được phản ánh chủ yếu tập trung ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, Đắk Lắc, Đắk Nông, Lâm Đồng và Thừa Thiên Huế.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vi phạm. Xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Tập trung thanh tra, giám sát các dự án lớn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường như dệt nhuộm, luyện thép, sản xuất hóa chất, các cơ sở có lưu lượng nước thải từ 200m3/ngày đêm, các đối tượng có loại hình sản xuất, công nghệ lạc hậu, nguồn thải lớn, xả thải ra những khu vực nhạy cảm về môi trường như ven biển, lưu vực sông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường.

MỚI - NÓNG