9h30 ngày 3/8, trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 14 sẽ diễn ra. Trước thềm trận đấu quan trọng này, cùng điểm lại cuộc sống hiện tại của 13 nhà vô địch Olympia từ 2000 đến 2013.
Ba cô gái từng vinh dự đội vòng nguyệt quế
Trong suốt 14 năm chương trình Đường lên đỉnh Olympia được tổ chức, chỉ có 3 cô gái từng dành được vòng nguyệt quế chiến thắng. Hiện tại, họ đều đạt được những thành công nhất định cho bản thân mình.
Trần Ngọc Minh tham gia chung kết Đường lên đỉnh Olympia khi là học sinh lớp 12 THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long). Cô cũng là nhà vô địch đầu tiên của cuộc thi này vào năm 2000.
Trần Ngọc Minh hạnh phúc trong ngày cưới (Ảnh: Trí Thức Trẻ).
Sau chiến thắng, Ngọc Minh lên đường đi du học tại ĐH Swinburne, Australia. Cô gái này đã chứng tỏ được tài năng của mình khi hoàn thành xuất sắc chương trình kỹ sư chuyên ngành viễn thông và công nghệ thông tin và là một trong số ít những người tiếp tục nhận được học bổng toàn phần cho chương trình đào tạo bậc tiến sĩ chuyên ngành mạng thông tin của ĐH Kỹ thuật Swinburne.
Ngoài việc học ở trường, Minh còn là giám đốc tiếp thị cho Open Your Hearts - một tổ chức từ thiện chuyên giúp đỡ trẻ em tàn tật, bất hạnh. Một trong những dự án hiện nay của nhóm là quyên góp giúp đỡ cho trẻ em Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam.
Sau khi nhận bằng tiến sĩ, Ngọc Minh cũng làm việc cho một công ty về lĩnh vực viễn thông tại Australia. Tháng 1/2013, Ngọc Minh vừa làm đám cưới sau khi mọi công việc và học tập đã ổn định.
Mùa thứ 3 của chương trình Đường lên đỉnh Olympia tiếp tục ghi danh một người đồng môn của Ngọc Minh trên đỉnh vinh quang. Đó là cô gái Lương Phương Thảo cũng đến từ THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long.
Lương Phương Thảo (Ảnh: Tuổi trẻ).
Ngay sau khi đạt được giải thưởng cao nhất của chương trình cô đã quyết định chọn ngành học là kinh doanh quốc tế và marketing ĐH Monash (thành phố Melbourne, Australia).
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành marketing tại ĐH Monash, Melbourne. Năm 2011, Phương Thảo về nước và làm ở một công ty quảng cáo tại TP.HCM. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là nhà vô địch duy nhất của chương trình đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Cô gái thứ 3 từng đạt được vòng nguyệt quế trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia đó là Phạm Thị Ngọc Oanh đến từ THPT Tiên Lãng, Hải Phòng với 230 điểm.
Phạm Thị Ngọc Oanh (Ảnh: swinburne.edu.vn).
Hiện tại, nhà vô địch năm thứ 11 là cử nhân thương mại (kế toán và tài chính) của ĐH Swinburne. Ngọc Oanh từng chia sẻ chiến thắng chương trình và giành được suất học bổng là bước ngoặt rất lớn trong cuộc đời mình. Sau khi tốt nghiệp, cô mong muốn làm việc ở Melboune (Australia) 2 năm có thể tích lũy kinh nghiệm và xin học bổng học thạc sĩ tại Mỹ.
10 chàng trai quán quân thành đạt
Sau Trần Ngọc Minh, nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 2 là Phan Mạnh Tân (THPT Năng khiếu Hà Tĩnh, Hà Tỉnh). Phan Mạnh Tân cũng sớm trở thành sinh viên của ĐH Swinburne.
Phan Mạnh Tân và con trai (Ảnh: Trí Thức Trẻ).
Sau 12 năm học tập và làm việc tại Úc, hiện tại, Phan Mạnh Tân đã lập gia đình và ổn định cuộc sống và có hai con. Vợ anh cũng là du học sinh, từng hoạt động chung hội sinh viên Việt Nam ở trường. Nhà vô địch Olympia thửa nào cũng đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ và đã đi làm ở công ty IBM, Melbourne, Australia.
Còn Võ Văn Dũng vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 4 với 120 điểm khi là học sinh THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng đã tốt nghiệp đại học Kỹ thuật Swinburne và đang làm việc trong lĩnh vực kế toán tại thành phố Melbourne (Australia).
Với 220 điểm Đỗ Lâm Hoàng (THPT Gò Vấp, TP.HCM) đã xuất sắc giành được vòng nguyệt quế năm thứ 5. Cũng như các nhà vô địch khác, Lâm Hoàng theo học tại ĐH Swinburne chuyên ngành ngành kỹ sư công nghệ viễn thông và Internet . Sau khi tốt nghiệp anh cũng chọn Melbourne để làm việc.
Năm thứ 6, đại diện của THPT Số 1 Bố Trạch, Quảng Bình, Lê Vũ Hoàng đã chiến thắng trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia với 170 điểm. Chàng trai này là một trong những nhà vô địch để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả.
Lê Vũ Hoàng (Ảnh: swinburne.edu.vn).
Tham dự cuộc thi khi mẹ liên tục ốm, nhà lại nghèo không có tiền chạy chữa, nhưng Lê Vũ Hoàng vẫn lần lượt chinh phục các vòng thi và đem về vinh quang cho gia đình.
Đặt chân đến ĐH Swinburne, Australia, sau khi tốt nghiệp Lê Vũ Hoàng tiếp tục học tiến sĩ tại đây. Sau 7 năm, đến hiện tại, chàng trai đến từ Quảng Bình đã lập gia đình vào tháng 2/2013. Cả hai vợ chồng Vũ Hoàng đều đang sống và làm việc tại Australia.
Năm thứ 7, Đường lên đỉnh Olympia đã trao vòng nguyệt quế cho Lê Viết Hà (học sinh THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi). Sau khi giành suất học bổng trị giá 3500 USD, Hà theo đuổi hai chuyên ngành cử nhân cơ Khí (Robot và cơ điện tử) và cử nhân khoa kọc (Khoa học máy tính và kỹ thuật phần mềm) cũng cùng trường đại học của các nhà vô địch trước.
Huỳnh Anh Vũ là một trong những nhà vô địch Olympia có điểm số rất cao trong trận chung kết (325 điểm). Cậu học sinh THPT Tăng Bạt Hổ, Bình Định thửa nào nay đã trở thành giảng viên ngành kinh tế tại ĐH Swinburne.
Huỳnh Anh Vũ (Ảnh: swinburne.edu.vn)
Năm 2008, Huỳnh Anh Vũ giành vòng nguyệt quế chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 8, được học bổng vào học tại ĐH Swinburne, Úc. Tháng 6/2012, Vũ tốt nghiệp loại giỏi. Tháng 8/2012, Vũ là 1 trong 2 sinh viên hiếm hoi được giữ lại trường và chính thức tham gia giảng dạy 2 môn kinh tế vĩ mô và kế toán doanh nghiệp.
Hồ Ngọc Hân (THPT Quốc học Huế) đội vòng nguyệt quế Olympia cùng lúc với tin vui trở thành thủ khoa khối B của ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2009.
Sau khi dành chiến thắng và nhận được suất học bổng tại ĐH Swinbune, Hân rất hạnh phúc vì ước mơ du học từ thửa bé đã thành hiện thực. Sau khi kết thúc khóa học muốn tiếp tục học tiến sĩ để theo đuổi giấc mơ nghiên cứu khoa học.
Hồ Ngọc Hân (Ảnh cắt từ clip do ĐH Swinburne thực hiện trước khi diễn ra chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 13).
Chiến thắng Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 10 là Phan Minh Đức, học sinh THPT chuyên Hà Nội Amsterdam với 295 điểm. Sau khi kết thúc cuộc thi, Đức chọn chuyên ngành kinh doanh (Hệ thống thông tin), ĐH Kỹ thuật Swinburne để theo học.
Sau khi tốt nghiệp, chàng trai này dự định xin học bổng để tiếp tục học lên cao hơn hoặc đi làm để lấy kinh nghiệm trước khi về Việt Nam.
Phạm Minh Đức (Ảnh: Vietnamnet).
Quán quân năm thứ 12 của Đường lên đỉnh Olympia Đặng Thái Hoàng (THPT Hòn Gai, Quảng Ninh) từng gây xôn xao dư luận khi cả 4 vòng thi tuần, tháng, quý, năm đều trả lời được ô chữ chỉ sau 2 gợi ý, nay đã trở thành sinh viên ngành xây dựng tại ĐH Swinburne.
Sau khi có tấm bằng kỹ sư dân dụng theo chương trình học bổng 4 năm, Thái Hoàng dự kiến sẽ học thêm để có bằng tiến sĩ kiến trúc.
Đặng Thái Hoàng (Ảnh: baoquangninh.com.vn).
Chàng trai gần đây nhất được vinh dự đội vòng nguyệt quế là Hoàng Thế Anh, học sinh THPT chuyên Bắc Giang.
Sau một năm từ khi đăng quang cuộc sống của Hoàng Thế Anh có nhiều thay đổi. Chàng trai này tâm sự: "Thay vì học đại học, một năm qua em cũng đã cố gắng ôn luyện tiếng Anh để có thể sớm thực hiện ước mơ du học. Những điều này đều khác so với dự tính của em ngày nhỏ".
Hoàng Thế Anh (Ảnh: zing.vn).
Tuy đỗ ĐH Bách khoa nhưng Thế Anh không nhập trường mà dành toàn bộ thời gian cho việc học tiếng Anh từ trung tâm giáo dục và đào tạo Úc ACET. Từng tự nhận bản thân mình học kém nhất môn tiếng Anh, nhà vô địch Olympia tâm sự: “Mặc dù chỉ đạt được điểm thi IELTS 6.5 nhưng em tự cảm thấy đó như là một sự vượt bậc của bản thân, vì chỉ một năm trước thôi em vẫn còn là người gần như không dám và không bao giờ giao tiếp bằng tiếng Anh”.
Ngày 24/7, nhà vô địch năm thứ 13 cuộc thi đã lên đường sang du học tại Úc, gia nhập cộng đồng Olympia tại ĐH Swinburne.