1,2 triệu tỷ đồng làm giao thông 10 năm tới: Nan đề?

0:00 / 0:00
0:00
Các quy hoạch giao thông dù đặt ra số vốn đầu tư rất lớn, nhưng không rõ sự liên kết để phát huy hiệu quả cho nền kinh tế
Các quy hoạch giao thông dù đặt ra số vốn đầu tư rất lớn, nhưng không rõ sự liên kết để phát huy hiệu quả cho nền kinh tế
TP - Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), với 5 quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông giai đoạn 10 năm tới, cần số vốn đầu tư hơn 1,2 triệu tỷ đồng. Dù đã xếp hạng các dự án ưu tiên, nhưng với số vốn lớn như vậy sẽ rất khó để đạt được nếu chỉ trông chờ ngân sách.

Nhiều nghìn tỷ đồng chờ ngân sách

Bộ GTVT đang lấy ý kiến để hoàn thiện 5 quy hoạch mạng lưới giao thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050, gồm các quy hoạch: đường bộ, hàng không, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa. Theo quy hoạch, đơn vị tư vấn đưa ra 2 kịch bản vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông giai đoạn tới năm 2030 dựa theo mức độ phát triển kinh tế. Trong đó, kịch bản phát triển thấp sẽ cần vốn từ 700-800 nghìn tỷ đồng; kịch bản phát triển cao cần từ 1,4-1,5 triệu tỷ đồng (chưa tính chi phí nâng cấp hạ tầng giao thông hiện có và 560 nghìn tỷ đồng làm đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang đang nghiên cứu). Như vậy, với kịch bản thấp nhất, trong 10 năm tới cũng cần khoảng 1,2 triệu tỷ đồng cho giao thông.

Với quy hoạch đường bộ, giai đoạn tới năm 2030, tư vấn đề xuất ưu tiên đầu tư mới các tuyến cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế, đạt mục tiêu 80% tỉnh, thành phố có đường cao tốc kết nối. Các tuyến quốc lộ chỉ nâng cấp, mở rộng và đấu nối với các loại hình giao thông khác. Chỉ riêng đầu tư đường bộ cao tốc, tổng vốn tới năm 2025 cần hơn 543 nghìn tỷ đồng, tới năm 2030 cần 535 nghìn tỷ đồng, tới năm 2050 cần 800 nghìn tỷ đồng.

Với hàng không, quy hoạch đưa ra mục tiêu tới năm 2030 chỉ tập trung cho dự án sân bay Long Thành và đầu tư nâng cấp, mở rộng các sân bay hiện có (như Nội Bài, Đà Nẵng, Thọ Xuân, Cam Ranh, Điện Biên...). Giai đoạn 2030 - 2050, nghiên cứu đầu tư thêm 4 sân bay mới gồm: Nà Sản, Lai Châu, Cao Bằng và sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô. Tổng vốn cần cho sân bay trong 10 năm tới là hơn 365 nghìn tỷ đồng, giai đoạn tới năm 2050 là hơn 866 nghìn tỷ đồng.

Với đường sắt, đơn vị tư vấn đề xuất 10 năm tới sẽ tập trung nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt hiện có, ưu tiên tuyến Bắc - Nam và kết nối với cảng biển lớn; xong thủ tục đầu tư 2 đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang. Tới năm 2050, cơ bản hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, mạng lưới đường kết nối với số vốn 10 năm tới cần hơn 665 nghìn tỷ đồng, và cần thêm 1,5 triệu tỷ đồng cho giai đoạn 2031 - 2050.

Với hàng hải, quy hoạch đưa ra mục tiêu ưu tiên xây thêm bến cảng tại cảng Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, khởi động cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng). Tổng vốn đầu tư cảng biển 10 năm tới cần từ 150 -200 nghìn tỷ đồng (không tính cảng chuyên dùng). Trong đó, kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển do nhà nước đầu tư từ 35 - 40 nghìn tỷ đồng.

Với đường thủy nội địa, quy hoạch 10 năm tới cũng xác định ưu tiên 19 dự án quan trọng. Tổng vốn đầu tư 5 năm tới dự kiến trên 15.000 tỷ đồng.

Lo manh mún, thiếu liên kết

Theo đề nghị bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT, cần khoảng 700 nghìn tỷ ngân sách cho đầu tư giao thông. Tuy nhiên, ngân sách dự kiến chỉ bố trí được khoảng 230 nghìn tỷ đồng. Do đó, phần vốn còn lại phải trông chờ đầu tư xã hội.

Trong các dự thảo quy hoạch, đơn vị tư vấn cũng phân tích và đề xuất ưu tiên vốn ngân sách nhà nước cho một số dự án hạ tầng quan trọng có sức lan tỏa lớn, hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Như với cảng biển, nhà nước chỉ đầu tư luồng tàu, khu neo đậu, còn bến cảng sẽ kêu gọi vốn tư nhân trong và ngoài nước. Với các công trình nhà nước đầu tư, sau khi hoàn thành có thể thực hiện thu phí, chuyển nhượng quyền thu phí hoặc cho thuê lại để thu hồi vốn đầu tư.

Góp ý cho 5 dự thảo quy hoạch giao thông, các chuyên gia cho rằng, các quy hoạch chưa có tính liên thông, thống nhất để phát huy tính ưu việt của mỗi phương thức vận tải. Do đó, dù các quy hoạch đều nêu nhu cầu vốn rất lớn, nhưng không rõ sẽ ưu tiên đầu tư cụ thể dự án nào để kết nối với các loại hình giao thông khác nhằm phát huy hiệu quả cao nhất.

“Xem dự thảo quy hoạch đường bộ, thấy đường cao tốc khắp nơi, nhưng không rõ dự án nào ưu tiên đầu tư trước, như vậy sẽ lãng phí nguồn lực. Chúng ta hiểu, địa phương nào cũng muốn có cao tốc, nhưng phải lựa chọn ưu tiên, sau đó khi kinh tế khá lên sẽ kéo dài tới các vùng khác. Các quy hoạch cũng cần làm rõ danh mục dự án, sau đó mời gọi tư nhân đăng ký đầu tư. Dự án nào không ai đăng ký, nhà nước mới rót vốn. Với sân bay cũng vậy, cứ quy hoạch, còn làm hay không các địa phương tự huy động vốn, ngân sách nhà nước chỉ đầu tư sân bay cửa ngõ quốc tế”, ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT góp ý.

MỚI - NÓNG
Sở TN&MT Hà Nội nói gì về tình trạng thổi giá, bỏ cọc đấu giá đất?
Sở TN&MT Hà Nội nói gì về tình trạng thổi giá, bỏ cọc đấu giá đất?
TPO - Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, đấu giá đất vừa qua tại huyện Thanh Oai và Hoài Đức có hiện tượng một nhóm người tham gia đấu giá không có nhu cầu ở, mà để kinh doanh, đầu cơ, trả giá cao hơn giá thị trường sau đó bỏ cọc. Việc đầu cơ dẫn đến phức tạp trong quản lý đất đai.