12 thợ lặn xuống biển Dung Quất vớt cổ vật trong tàu đắm

Đơn vị trục vớt hút lớp cát 5 mét trên xác tàu. Ảnh: Phạm Linh.
Đơn vị trục vớt hút lớp cát 5 mét trên xác tàu. Ảnh: Phạm Linh.
Tàu cổ đắm dài 30 m, rộng 10 m, chứa nhiều gốm sứ quý hiếm, được đội thợ lặn và các chuyên gia trục vớt trong hai tháng.

Chiều 9/7, Bảo tàng Lịch sử quốc gia bắt đầu cho khai quật tàu cổ đắmở vùng biển Dung Quất, Quảng Ngãi. Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng gia cho biết, đây là tàu cổ đắm đầu tiên được trục vớt bằng ngân sách và không nhờ sự trợ giúp của nước ngoài.

Theo đó, kinh phí khai quật khoảng 48 tỷ đồng. Diện tích thực hiện khoảng 800 m2, cách bờ 6-7 m, sâu khoảng 9 m. Thời gian trục vớt khoảng hai tháng. Hiện vật sau đó sẽ được đưa về bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi và một phần về Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Giám đốc Bảo tàng lịch sử cho biết, đây là tàu cổ đắm thứ 7 được trục vớt ở Việt Nam, nhưng cũng là tàu đầu tiên việc khai quật được thực hiện theo quy trình khảo cổ học một cách bài bản. "Việc khai quật đảm bảo tính logic, lịch sử, tầm nghiên cứu chứ không chỉ là đưa hiện vật lên trên bờ", ông Cường nói.

Theo chuyên gia, có hai giải pháp để khai quật xác tàu là đánh số và dỡ từng cấu kiện con tàu lên, ngâm bảo quản từ đó làm cơ sở để phục chế khảo cổ; hoặc là dùng hệ thống phao đưa lên tháo dỡ và chở về nơi bảo quản.

12 thợ lặn xuống biển Dung Quất vớt cổ vật trong tàu đắm ảnh 1 Thợ lặn chuyên nghiệp sẽ làm việc trong hai tháng để hoàn thành trục vớt tàu đắm. Ảnh: Phạm Linh.

Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - Chuyên gia khảo cổ học dưới nước cho biết, tàu đắm đang bị phủ bởi lớp cát sâu 5 m. Sau khi hút cát, đội thợ lặn 12 người sẽ đưa cổ vật lên bờ. "Cổ vật sẽ được phân loại ban đầu trên sà lan, sau đó đưa về Bảo tàng Tổng hợp tỉnh phân loại lần hai", ông Lâm nói.

Một năm trước, trong quá trình nạo vét luồng lạch tại vùng biển Dung Quất, Công ty Hào Hưng phát hiện nhiều cổ vật gốm sứ và ván thuyền. Sau đó, tỉnh Quảng Ngãi phối hợp cùng các nhà khảo cổ học khảo sát, phát hiện xác tàu cổ dài khoảng 30 m, rộng 10 m.

Theo các chuyên gia, trong tàu có nhiều chồng gốm sứ hoa lam cao cấp thời Minh (Trung Quốc), niên đại thế kỷ XVI. Nhiều hiện vật đáy ghi ký tự Đại Minh Gia Tĩnh niên chế đời vua Minh Thế Tông (1521-1576).

Giữa tháng 6, sau khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo phương án khai quật, Bộ Văn hóa đề xuất chi kinh phí cho việc trục vớt. Theo kế hoạch, sau khai quật, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Sở Văn hóa Quảng Ngãi phải hoàn thành báo cáo khoa học chậm nhất cuối năm 2019.

12 thợ lặn xuống biển Dung Quất vớt cổ vật trong tàu đắm ảnh 2 Quả chuông đồng độc bản được khai quật trong tàu cổ đắm ở Bình Châu, Quảng Ngãi năm 2013. Ảnh: Phạm Linh.
Vùng biển Quảng Ngãi được mệnh danh là "nghĩa địa tàu cổ đắm". Ngư dân đánh hành nghề gần bờ thường xuyên phát hiện các cổ vật quý hiếm như gốm xứ, chuông đồng, tiền xu... Nhà chức trách từng tiến hành khai quật hai tàu cổ do người dân phát hiện vào năm 1999 và 2013.
Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG