12 năm cuối đời của người đứng đầu Tự lực Văn đoàn

12 năm cuối đời của người đứng đầu Tự lực Văn đoàn
TP - Từng là cử nhân khoa học đào tạo tại Pháp, là chủ súy nhóm văn chương Tự lực Văn đoàn, Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) tham gia đại biểu Quốc hội khóa I đặc cách, được giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Nhưng năm 1946, Nhất Linh đã đi lưu vong ở nước người...
12 năm cuối đời của người đứng đầu Tự lực Văn đoàn ảnh 1
Nhất Linh (bên phải) và nhà thơ Đông Hồ tại Sài Gòn (1960)

Sau bốn năm lưu vong ở nước ngoài, khoảng cuối năm 1950, Nhất Linh về nước, tuyên bố không hoạt động chính trị. Ông ở nhờ nhà anh cả Nguyễn Tường Thụy (số 2 Lý Thường Kiệt – Hà Nội), trong một khu phố yên tĩnh, đối diện với Viện Đại học Hà Nội.

Năm 1951, Nhất Linh mang theo con gái lớn và con trai út vào sống tại Sài Gòn. Ông cho in lại các tác phẩm cũ và viết tác phẩm mới.

Ông đã lấy chữ đầu quê vợ (Phượng Dực) và chữ cuối nơi sinh trưởng của mình là Cẩm Giang (Giàng) rồi ghép thành tên nhà xuất bản Phượng Giang. Tường Hùng người gọi Nhất Linh bằng chú ruột đã thiết kế dấu hiệu con phượng hoàng làm biểu tượng nhà xuất bản Phượng Giang.

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí giúp Nhất Linh trang trí mẫu bìa tiểu thuyết qua nghệ thuật cắt và dán giấy màu của ông. Họa sĩ vẽ chân dung Nhất Linh còn dở thì bị bắt đi an trí ở Thủ Dầu Một. Khi trở về định vẽ tiếp, nhưng Nhất Linh không đồng ý. Có lần ông nói vui cứ để nguyên như vậy, bởi cuộc đời ông cũng chưa phải là tác phẩm hoàn tất.

Năm 1954, Nhất Linh sang Pháp chữa bệnh và thăm người con du học từ năm 1949. Thời gian này bà Nhất Linh đưa cả gia đình vào Nam mua một căn lầu trong chung cư chợ An Đông để lấy chỗ ở và buôn bán. Nhất Linh ở Pháp một thời gian ngắn lại hồi hương.

Sang năm 1955, ông mang theo con trai lên Đà Lạt và quyết định ở hẳn trên đó. Ở đây ông có thú vui chơi hoa phong lan rồi mê lan, đến nỗi mang được cây lan quý về nhà, ông trồng lên một khúc cây mục, tìm rêu để đắp vào rễ giữ độ ẩm, rồi treo ngay trên tường trong phòng ngủ. Nhất Linh chơi lan công phu, ra thư viện tra cứu hoặc đặt mua các sách ngoại quốc viết về hoa phong lan trên thế giới, rồi tỉ mỉ phân loại, so sánh với hoa ở địa phương.

Ông vẽ từng đóa hoa, đặt tên, ghi chú đặc tính, với ý viết một cuốn sách về việc sưu tập hoa phong lan. Bà Nhất Linh bận rộn buôn bán ở Sài Gòn, ông cũng gọi lên Đà Lạt sống với ông ít ngày để cùng thưởng lan. Cái nhiệt tình của Nhất Linh đã lây sang rất nhiều người. Về sau Nhất Linh mua căn nhà số 19 đường Đặng Thái Thân, do ông chủ garage Lê Đình Gioãn, một người bạn lan để lại.

Tại đây Nhất Linh đã biến căn biệt thự thành một trại lan nhỏ với đủ các loại hoa trồng khắp từ trong ra đến tận ngoài nhà. Những người bạn từ Sài Gòn lên Đà Lạt để cùng đi tầm lan với ông khá đông: nhà văn Đỗ Tốn, thi sĩ Tô Kiều Ngân. Ngoài các văn nghệ sĩ còn có cả cựu bộ trưởng, nhà chính khách như ông Phan Huy Quát thỉnh thoảng cũng có mặt. Đặc biệt có tướng Dương Văn Minh...

Nhất Linh sống thanh bạch và giản dị. Trong các đơn từ, giấy tờ, hoặc có ai hỏi về nghề nghiệp, ông chỉ khai giản dị “nhà văn”. Năm 1957, Nhất Linh mua được vài mẫu đất, rất gần dòng suối Đa Mê, nằm ven quốc lộ 20 Sài Gòn – Đà Lạt, ngay cột cây số 27. Ông cho xây móng dựng một căn nhà gỗ tranh đầu tiên của đời mình. Đó là căn nhà do ông tự vẽ họa đồ, xây cất bằng toàn vật liệu nhẹ, một kiểu nhà thông thoáng, đơn giản và rẻ tiền, đúng tiêu chuẩn kiểu nhà của Hội Ánh Sáng thời Tự lực Văn đoàn ở ngoài Bắc.

Một đêm kia trời mưa dông bão lớn, căn nhà đang làm dở bị sụp đổ tan hoang, chỉ còn trơ lại nền móng. Nhất Linh buồn rầu, nói với người con mình rằng: “Nay việc đã không thành, sự sụp đổ này chắc có một điềm lạ”. Thế rồi ông quyết định giã từ Đà Lạt, dòng Đa – Mê để về ở luôn Sài Gòn, chấm dứt cái thời kỳ, mà như một học giả Sài Gòn nói “một Nhất Linh nằm trùm chăn ở trên Đà Lạt”.

Về lại Sài Gòn năm 1958, Nhất Linh hoạt động văn hóa. Ông là vị Chủ tịch đầu tiên của Văn bút Việt Nam.

Ông muốn ra báo nhưng chính quyền không cho phép, đành tìm cách xin ra giai phẩm định kỳ. Nghĩa là làm số nào đem duyệt số nấy. Giai phẩm “Văn hóa ngày nay” số đầu tiên ra ngày 17 tháng 6 năm 1958, in 8.000 bản bán vài ngày đã hết, phải in thêm nhiều lần mới đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

Tòa soạn là một văn phòng nhỏ nằm sau biệt thự của anh cả Nhất Linh là Nguyễn Tường Thụy. Khác xa với thời Phong Hóa, trước kia Nhất Linh chỉ trông  nom, phân công người phụ trách, nay một mình ông lo bìa, trình bày, trả lời bạn đọc cả sửa bản in thử... Nhất Linh có tài năng về họa nhưng ông theo nghiệp họa sĩ. Ông chỉ dùng cho báo chí. Tại số đầu tiên, ông đã trích đăng từng phần cuốn tiểu thuyết Xóm Cầu Mới, rồi mới in thành sách.

12 năm cuối đời của người đứng đầu Tự lực Văn đoàn ảnh 2
Nhất Linh (tên thật là Nguyễn Tường Tam, 1905 – 1963) thành lập Tự lực Văn đoàn năm 1933, cùng với  các nhà văn, nhà thơ: Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ.  Sau có thêm Xuân Diệu và Trần Tiêu gia nhập. Cộng tác chặt chẽ với Tự lực Văn đoàn có: Huy Cận, Thanh Tịnh, Trọng Lang. Cơ quan ngôn luận của Tự lực Văn đoàn là báo Phong hóa.

Tác phẩm của Nhất Linh: Tiểu thuyết: Gánh hàng hoa, Đời mưa gió (cùng Khái Hưng), Nàng thu, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Đôi bạn, Bướm trắng, Xóm Cầu Mới, Dòng sông Thanh Thủy; Tập truyện ngắn: Nho phong, Người quay tơ, Anh phải sống (cùng Khái Hưng), Đi Tây, Hai buổi chiều vàng, Thế rồi một buổi chiều, Thương chồng; Tiểu luận: Viết và đọc tiểu thuyết.

Xóm Cầu Mới còn có tên là  Bèo Giạt, dựa theo một câu thơ của Huy Cận “Bèo giạt về đâu hàng nối hàng”. Theo nhà xuất bản Phượng Giang thì Nhất Linh viết đi viết lại Xóm Cầu Mới tất cả năm lần. Lần đầu tiên viết năm 1940 ở Hà Nội, lần thứ hai năm 1943 tại Quảng Châu. Lần thứ ba năm 1949 tại Sường Châu, một hòn đảo nhỏ, cách Hương Cảng một hoặc hai giờ tầu thủy. Về nước,  Nhất Linh viết lại lần thứ tư năm 1951. Và sau cùng, trước khi đăng trên tờ Văn hóa Ngày nay, Nhất Linh đã sửa bên dòng suối Đa Mê, Fin Nom (Đà Lạt) vào năm 1957.

Xóm Cầu Mới là câu chuyện không phải xảy ra ở Sài Gòn, mà nó được lấy bối cảnh từ phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Nơi đây có người ông nội Nguyễn Tường Tiếp từng làm tri huyện, có ông ngoại Lê Quang Thuật từng làm quan võ, và người cha Nguyễn Tường Nhu từng đi làm  thông phán tòa sứ Sầm Nưa (Lào) và thời niên thiếu Nhất Linh đã gửi gắm nhiều kỷ niệm...

Về lại Sài Gòn lần này, bạn bè văn chương lần lượt tìm đến ông như là tìm chỗ dựa tinh thần trong thế sự đầy bế tắc và mâu thuẫn lớn.

Theo nhà văn Vũ Hạnh, từng trong Ban Thường vụ của Hội Bút Việt, thì ngày 30 tháng 6 năm 1963, ông đi dự hội nghị thường niên để bầu lại Ban thường vụ mới. Vũ Hạnh kể:

“Anh ngồi gần tôi và hỏi: Anh thấy văn nghệ lúc này  thế nào? Tôi đáp: Tôi nghĩ trong lòng có vui mới thích ca hát, có no mới thích chuyện trò, có tin tưởng nhau mới thích tâm sự. Ở trong điều kiện hiện tại văn nghệ đang nằm trong khủng hoảng nặng nề.

Anh lại hỏi: Thế họ sống như thế nào?

- Sống bằng quảng cáo và sống thiếu  thốn. Còn anh ngày xưa, anh sống thế nào?

Anh đáp: Chúng tôi sống bằng lý tưởng của mình và sống hết sức đầy đủ...

Vậy mà một tuần sau anh ra đi. Anh đã giúp cho tôi tin tưởng thêm lên ở cái truyền thống bất khuất của dân tộc mình trước bọn bạo quyền...”.

Sống dưới chế độ Việt Nam cộng hòa, Nhất Linh phản đối Ngô Đình Diệm độc tài gia đình trị. Ông cùng các nhà hoạt động khác thành lập Mặt trận Quốc dân đoàn kết, ủng hộ cuộc đảo chính của đại tá Nguyễn Chánh Thi và trung tá Vương Văn Đông. Cuộc đảo chính tháng 11 năm 1960 thất bại, ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt, giam lỏng tại nhà riêng và định đưa ông ra tòa xét xử. Ngày 7/7/1963, ông uống thuốc độc tự tử, hưởng thọ 58 tuổi, để lại di chúc: “Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả”.

Chính quyền Ngô Đình Diệm đã tìm cách đối phó. Họ yêu cầu tang quyến phải an táng gấp, trong khi đó gia chủ đòi phải chờ đến ngày Chủ nhật, đợi con cả Nhất Linh ở Pháp về chịu tang. Mật vụ được cài nhan nhản ở xung quanh nhà Nhất Linh, khu chợ An Đông. Người thăm viếng phần lớn đàn bà nhiều hơn đàn ông, bởi người ta phải đề phòng khủng bố.

Nhà cầm quyền cũng từ chối không cho quan tài Nhất Linh đến chùa cầu siêu, bắt  đám tang đi theo lộ trình, đi đúng giờ quy định sẵn. Gia quyến tìm nhiều cách đấu tranh, sau cùng chính quyền phải đồng ý cho quan tài ông ghé qua chùa Xá Lợi cầu  siêu, nhưng không cho quan tài vào trong.

Theo Thế Uyên trong bài “Người bác” (Tự lực Văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc – NXB VHTT, năm 2000), đám tang ông có nhiều cảnh sát chiến đấu và mật vụ đi lẫn trong những người đưa đám. Đoàn đưa tang đầu tiên là một vòng hoa lớn, sau là một người mang ảnh Nguyễn Thái Học, tiếp theo là bức hình của Nhất Linh do Nguyễn Gia Trí vẽ dở như nói phần trên.

Thi hài Nhất Linh được an táng tại nghĩa trang Giác Minh, sau được hỏa thiêu di cốt, gửi bình tro tại chùa Kim Cương đường Trần Quang Diệu quận 3 Sài Gòn. Gần bốn chục năm sau, năm 2001, các con của ông bà Nhất Linh đã quyết định đưa bình tro ấy về Hội An – Quảng Nam, nguyên quán của gia tộc Nguyễn Tường. Mộ ông bà Nhất Linh và cô con gái Kim Thư nằm gần mộ cụ tổ là tiến sĩ Tam giáp Nguyễn Tường Phổ, người đầu tiên của họ Nguyễn Tường ra làm quan và lập nghiệp ở Cẩm Giàng, Hải Dương, nhưng khi mất đã được triều đình nhà Nguyễn cho phép mang thi hài về an táng tại quê nhà.

*  *  *

Cuộc đời Nhất Linh đầy gian nan và phức tạp. Có lần ông ghi chép  nhìn nhận cuộc đời mình, mà như một chúc thư:

“Những lúc ngoảnh về quá khứ, kiểm điểm công việc mình đã làm tôi thấy rõ ràng công việc tốt đẹp, lâu bền và có ích nhất của đời tôi là sự thành lập được Tự lực Văn Đoàn và công việc sáng tác…”. (Nhất Linh – 2 giờ sáng, mồng 1 Tết năm Quý Tỵ 14/2/1953)

Trước khi mất khoảng mấy giờ đồng hồ, Nhất Linh còn trò  chuyện với con trai. Khi Nguyễn Tường Thiết hỏi cuộc đời cậu gian nan như thế, thì cái gì là tâm đắc nhất, ông không hề giấu diếm, trả lời con: “Thật ra thì chẳng có việc gì đáng tự hào vì chẳng có việc nào cậu cho là đến nơi đến chốn. Nhưng cậu vừa lòng nhất là việc thành lập được Tự Lực Văn Đoàn. Đến bây giờ cậu vẫn tha thiết nhất về việc này”.

Đúng như di chúc Nhất Linh để lại, đời ông lịch sử sẽ phán xét. Thế nhưng ông đã tự nhận ra rằng: Trong cuộc đời của mình, Nguyễn Tường Tam đã thất bại khi làm chính trị, chỉ còn một nhà văn Nhất Linh trên văn đàn Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Cán bộ, nhân viên Tiểu đoàn Đặc công 20 thăm hỏi, động viên gia đình Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Sinh - vợ liệt sĩ Bùi Văn Kim
Hậu phương người lính - điều chưa kể - Kỳ 6: Thay chồng khoác áo 'Bộ đội Cụ Hồ'
TP - Tháng 8/2019, Đại úy Bùi Văn Kim - Chính trị viên Đại đội 33 thuộc Tiểu đoàn Đặc công 20 (Bộ Tham mưu Quân khu 1) hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện nhảy dù tại sân bay Hòa Lạc và được truy phong liệt sĩ. Một năm sau, vợ anh được Bộ Quốc phòng tuyển dụng và được điều động về chính đơn vị của chồng công tác.