12 dự án thua lỗ ngành Công Thương: Tập trung xử lý các tranh chấp pháp lý

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Cty CP Gang thép Thái Nguyên
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Cty CP Gang thép Thái Nguyên
TP - Theo thông tin từ Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương (gọi tắt: Ban Chỉ đạo) đã xác định còn nhiều vấn đề khó khăn vướng mắc cần tiếp tục được xử lý, đặc biệt là việc tập trung giải quyết dứt điểm các tranh chấp, vướng mắc về hợp đồng EPC và công tác quyết toán, xử lý tài sản ở các dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ.

Theo Bộ Công Thương, sau hơn 2 năm triển khai xử lý 12 dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương, tình hình ở các dự án được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng khó khăn vướng mắc còn lại cũng rất lớn. 

Giải pháp xử lý các dự án thua lỗ được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện trên nhiều mặt. Cùng với việc xử lý vấn đề về tài chính, quản trị, thị trường, hỗ trợ pháp lý, khoa học công nghệ, vấn đề về lao động việc làm, ổn định xã hội, bảo đảm môi trường, an ninh - quốc phòng đã được tính tới để xử lý, qua đó tới nay đã tạo được những chuyển biến tích cực.

Trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến năm 2018 đã có 2 nhà máy kinh doanh bước đầu có lãi, một nhà máy đang được xem xét để đưa ra khỏi danh sách các dự án, doanh nghiệp thua lỗ (dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng); 4 dự án còn lại tiếp tục hoạt động và giảm dần lỗ.

Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay đã có 2 dự án vận hành sản xuất trở lại và 1 dự án đã hoàn tất chuẩn bị để khởi động lại nhà máy. Một số vấn đề phức tạp, khó giải quyết về pháp lý ở các dự án cũng được tập trung xử lý như Dự án Nhà máy thép Việt Trung, Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ...

Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo, còn nhiều khó khăn vướng mắc cần tiếp tục được xử lý, đặc biệt là tập trung giải quyết dứt điểm tranh chấp, vướng mắc về hợp đồng EPC và quyết toán, xử lý tài sản ở các dự án.

MỚI - NÓNG