12 đại gia lập siêu giải đấu: Bóng đá châu Âu dậy sóng

0:00 / 0:00
0:00
Real Madrid hiện là 1 trong số 12 đội bóng đồng ý tham gia Super League
Real Madrid hiện là 1 trong số 12 đội bóng đồng ý tham gia Super League
TP - Sự ra đời của European Super League làm dậy sóng cộng đồng bóng đá thế giới.

Hôm qua, 12 CLB hàng đầu châu Âu đến từ 3 quốc gia là Tây Ban Nha, Anh và Italy đã công bố quyết định thành lập một giải đấu mới có tên gọi European Super League. Các CLB này bao gồm: Barcelona, Real Madrid, Atletico Madrid (La Liga), M.U, Liverpool, Man City, Arsenal, Chelsea, Tottenham (Premier League), Inter Milan, AC Milan, Juventus (Serie A).

Ban đầu, các đại diện Bundesliga là Bayern Munich, Borussia Dortmund cùng hai đội bóng Ligue 1 là PSG, Lyon có mặt trong danh sách 16 CLB sáng lập Super League. Tuy nhiên, do sức ép từ Liên đoàn bóng đá Đức và Pháp, các đội bóng này đã từ chối tham dự.

Ông Florentino Perez- chủ tịch Real Madrid được bầu là Chủ tịch European Super League, trong khi hai phó chủ tịch giải đấu được trao cho Andrea Agnelli (Chủ tịch Juventus) và Joel Glazer (đồng chủ tịch M.U).

Về thể thức thi đấu, European Super League sẽ có 20 CLB tham gia tranh tài, bao gồm nhóm 15 CLB (3 đội chưa công bố danh tính) sáng lập và 5 đội bóng khác đủ điều kiện dựa trên thành tích thi đấu của mùa giải trước. Giải đấu khởi tranh vào tháng 8/2023 và các trận đấu sẽ được tổ chức vào giữa tuần, nhường khoảng thời gian cuối tuần cho các CLB đá giải quốc nội.

Theo ESPN, các “ông lớn” châu Âu cùng nhau thành lập European Super League vì vấn đề tài chính. Theo trang phân tích tài chính-kinh tế bóng đá “Swiss Ramble”, 12 CLB sáng lập giải đã lỗ 1,2 tỷ bảng trong mùa giải 2019/2020. Ngoài ra, 12 CLB này đang gánh khoản nợ 5,6 tỷ bảng - gồm nợ tài chính (3,5 tỷ bảng) và nợ chuyển nhượng (2,1 tỷ bảng). Nếu bao gồm cả các khoản nợ khác - như nợ tiền lương nhân viên, thuế, dịch vụ và các chủ nợ khác - tổng nợ của 12 CLB sáng lập Super League là 7,4 tỷ bảng.

Trong khi đó, thông qua European Super League, 12 CLB sáng lập dự kiến sẽ thu lợi nhuận rất lớn. Theo AP, hiện tại, một ngân hàng ở Mỹ cam kết tài trợ hơn 4 tỷ bảng. Một đơn vị truyền hình sẵn sàng chi 2,5 tỷ bảng để giữ quyền phát sóng. Viễn cảnh kinh doanh phát đạt của giải còn tươi sáng hơn bởi vẫn còn nhiều đơn vị truyền thông, quảng cáo sẵn sàng trả hàng tỉ bảng để có bản quyền giải đấu này.

“Lời tiên tri” của HLV Wenger

Sự ra đời của European Super League đã được dự báo từ lâu bởi các CLB hàng đầu châu Âu ngày càng mâu thuẫn với UEFA về vấn đề tài chính. Họ tạo ra hình ảnh và sức hút lớn cho Champions League nhưng không nhận được mức đãi ngộ tương xứng, tiền bản quyền cũng không được phân chia công bằng và minh bạch. Trong khi đó, ước tính mỗi đội bóng tham dự European Super League sẽ nhận ít nhất gần 300 triệu bảng. Con số này nhiều hơn gấp 4 lần số tiền mà đội vô địch Champions League hiện nhận được.

Đặc biệt, cách đây hơn 10 năm, HLV Arsene Wenger từng có lời "tiên tri" về một siêu giải đấu ra đời thay thế Champions League. Bleacher Report hôm qua dẫn lại phát biểu “gây bão” của HLV Wenger năm 2009 rằng: "10 năm nữa, nhiều khả năng sẽ có thêm giải đấu ở châu Âu. Khoản thu từ Champions League là không đủ cho một số đội bóng. Không thể tránh khỏi nguy cơ các CLB rời Champions League. Chuyện chia sẻ quyền lợi giữa CLB lớn và CLB nhỏ rồi cũng sẽ trở thành một vấn đề không thể tránh khỏi".

Hôm qua, UEFA đã có động thái phản đối gay gắt quyết định thành lập European Super League. UEFA tuyên bố mọi đội bóng và cầu thủ đá giải này sẽ bị cấm thi đấu ở giải quốc nội lẫn các Cup châu Âu, thế giới đồng thời đe dọa kiện họ ra tòa. “Chúng tôi đạt sự đồng thuận với FIFA về việc cương quyết bác bỏ việc hình thành Super League. FIFA sẽ cấm các CLB thuộc Super League dự các giải thế giới. Các cầu thủ có thể sẽ mất cơ hội đại diện cho ĐTQG của họ. Chúng tôi cảm ơn các CLB Đức và Pháp đã từ chối tham gia liên minh này”, thông báo của UEFA nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.