1001 thắc mắc: Vì sao cột sắt 1.600 tuổi ở Ấn Độ mãi không gỉ?

1001 thắc mắc: Vì sao cột sắt 1.600 tuổi ở Ấn Độ mãi không gỉ?
TPO - Cột sắt Delhi là một trong những di tích cổ nổi tiếng của Ấn Độ. Nó đã trải qua hơn 1.600 năm dầm mưa dãi nắng nhưng lại không hề gỉ sét.

Cột sắt Delhi được đúc vào thế kỷ thứ 5, và nằm ở trung tâm của đền thờ Hồi giáo Quwwat-ul-Islam Mosque ở Delhi, Ấn Độ. Cây cột sắt khổng lồ này ban đầu được bảo tồn trong ngôi đền Thần cổ. Nó có chiều cao 7,2 m tính từ mặt đất và tổng trọng lượng khoảng 10 tấn.

Những dòng chữ lưu lại trên thân của nó cho thấy người ta đã dựng nó để ca tụng vị thần của đạo Hindu và vua Chandra – một vị vua bí ẩn mà tới nay vẫn là bài toán đố với giới sử học.

Nhưng điều làm người ta kinh ngạc là cột sắt đứng lộ thiên đã hơn 1.600 năm, trải qua không biết bao mưa gió cho tới tận ngày nay vẫn không thấy một vết gỉ sét nào. Trong khi đó, sắt là kim loại rất dễ gỉ sau vài chục năm chứ không cần nói tới hơn nghìn năm.

Mới đây, các chuyên gia của viện Công nghệ Ấn Độ IIT đã giải mã được bí ẩn làm lên sự trường thọ của cây cột sắt Delhi. Quan sát qua kính hiển vi siêu nhỏ, họ phát hiện ra một lớp "áo khoác" cực mỏng bao phủ toàn bộ bề mặt cây cột này.

Lấy mẫu về nghiên cứu, thành phần của lớp vỏ ấy được xác định là một hợp chất của sắt, oxy và hidro. Chính hợp chất này đã ngăn cản không cho kim loại sắt của chiếc cột tiếp xúc với không khí. Nhờ đó, phản ứng ăn mòn do phản ứng hóa học không thể xảy ra, khiến cột sắt trở nên bất diệt.

Phân tích đồng vị phóng xạ cũng chỉ ra rằng, lớp bảo vệ này bắt đầu được hình thành khoảng ba năm sau khi cột sắt được chế tạo, tức tuổi thọ của chúng cũng tương đương với tuổi thọ của cây cột. Trong suốt hơn một thiên niên kỷ ấy, chúng liên tục dày lên qua từng năm với tốc độ rất chậm. Sau 1.600 năm, đến nay lớp vỏ này mới chỉ đạt độ dày khoảng 1/20 milimet.

Nhưng nhờ đâu mà cây cột sắt này lại có được lớp vỏ bảo vệ quý giá như vậy? Công bố của một nhóm nghiên cứu đã khiến giới khoa học trên toàn thế giới phải bất ngờ: Chính công nghệ luyện kim lạc hậu thế kỷ thứ IV đã vô tình tạo ra hợp chất này. Tiến sĩ Balasubramanian - trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, nhóm của ông đã tìm thấy một hàm lượng chất phốt-pho cao bất thường trong mẫu sắt thu thập từ cây cột này.

Tỷ lệ phốt-pho phân tích được hơn 1%, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ phốt-pho trong các loại sắt hiện đại ngày nay, vốn chỉ dưới 0,05%. Chính hàm lượng phốt-pho cao này đã đóng vai trò như chất xúc tác, thúc đẩy các phản ứng tạo nên chất bảo vệ nói trên.

Đây là một thành tựu vô tình mà có được, xuất phát từ kỹ thuật luyện kim còn rất thô sơ thời bấy giờ. Người Ấn Độ cổ đại đã trộn than đá với quặng sắt để rút ngắn thời gian nung luyện. Với cách làm này, chất phốt-pho có trong quặng sắt sẽ không thể bị tách hết được và nằm lại trong sắt thành phẩm.

Trong khi đó, với công nghệ luyện sắt hiện đại bằng lò cao, có thể khử được hàm lượng phốt-pho xuống rất thấp. Chính sự tinh khiết do công nghệ hiện đại tạo ra đã khiến sắt thời nay không thể có được sự trường tồn như cột thép Delhi.

Những di sản đẹp nhất Ấn Độ

Tu viện Diskit, Ladakh: Nằm ở vùng đồi núi gồ ghề, tu viện Diskit được thành lập vào thế kỷ 14 và có liên hệ với giáo phái mũ vàng Phật giáo Tây Tạng. Tu viện nhìn ra thung lũng Nubra, một trong những nơi tươi tốt hiếm hoi của vùng Ladakh khô cằn.

Khu tưởng niệm Orchha, Madhya Pradesh: Đây là nơi tưởng nhớ các vị vua Bundela trị vì thị trấn Orchha trong gần 300 năm. Những kiến trúc cổ xưa ít ỏi còn sót lại được xây dựng trong những triều đại này.

Đền Meenakshi, Madurai, Tamil Nadu: Mặc dù kiến trúc này có tuổi thọ 400 năm, đền Meenakshi có lịch sử đã hơn 2.000 năm. Ngày nay, đây là một trong những nơi hành hương quan trọng nhất của người dân trong vùng.

Tu viện Lamayuru, Ladakh: Một trong những tu viện lớn và lâu đời nhất ở Ladakh là Yung-Drung ở làng Lamayuru, có liên hệ với giáo phái Phật giáo Tây Tạng. Tu viện nằm ở vùng đất gồ ghề trước kia từng là đáy của một hồ sâu.

Pháo đài Mehrangarh, Jodhpur, Rajasthan: Pháo đài được xây dựng vào thế kỷ 15 trên đỉnh một quả đồi để bảo vệ an toàn khỏi sự tấn công từ bên ngoài. Ngày nay, pháo đài vẫn giữ được nội thất sang trọng. Nơi đây có một bảo tàng pháo và vũ khí mở cửa cho du khách tham quan.

Cung điện Mysore, Mysore, Karnataka: Là một trong những cung điện xa hoa nhất trong vùng, Mysore kỷ niệm tròn 100 năm tuổi vào năm 2012. Vào các ngày chủ nhật và lễ hội, đèn hoa được thắp sáng, biến cung điện thành một lâu đài lộng lẫy.

Pháo đài Amber, Jaipur, Rajasthan: Được xây vào cuối thể kỷ 16, công trình này đã nhiều lần được cải tạo. Bên trong pháo đài được trang trí bằng rất nhiều gương và tranh tường.

Đền Padmanabhaswamy, Thiruvananthapuram, Kerala: Ngôi đền từ thế kỷ 18 được xây dựng bằng đá nguyên khối và được trang trí bằng nhiều cột trụ và nghệ thuật chạm khắc gỗ tinh xảo.

Đền Khajuraho, Madhya Pradesh: Khajuraho là một thị trấn nhỏ với hàng chục ngôi đền cổ rải rác khắp nơi. Những ngôi đền được xây dựng trong vòng 200 năm, từ năm 950-1150. Ở đây có nhiều bức tượng điêu khắc cùng những nét chạm khắc trên tường rất tinh tế.

Tu viện Thiksey, Ladakh: Được xây dựng vào thế kỷ 15, tu viện có kiến trúc tương tự cung điện Potala ở Lhasa. Phía trước tu viện là các bảo tháp nhằm chống lại ma quỷ.

Đền Virupaksha, Hampi, Karnataka: Tòa tháp 9 tầng của đền Virupaksha có chiều cao khoảng 50 m. Được xây dựng ở thế kỷ 16, đây là công trình duy nhất không bị hư hại giữa thành phố cổ.

Bể Hulikere, Karnataka: Nằm trong một ngôi làng nhỏ ở miền nam Ấn Độ, bể nước này có những khối kiến trúc cầu kỳ bao quanh tứ phía. Đây từng là bể tắm của các hoàng hậu nửa đầu thế kỷ 12.

Nhà thờ Đức mẹ Lourdes, Thrissur, Kerala: Nhà thờ được xây dựng hơn 100 năm trước đây. Hiện những tòa tháp của nhà thờ vẫn đứng sừng sững giữa thị trấn Thrissur.

Quần thể đền Thanjavur, Tamil Nadu: Ngôi đền cao vút 1.000 năm tuổi Brihadeeswarar thờ thần Shiva được xây bằng đá sa thạch ở Thanjavur. Vòm đá trên đỉnh ngọn tháp nặng hơn 80 tấn. Người xưa đưa hòn đá lên đỉnh tháp bằng cách nào hiện vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp.

Patwon Ki Haveli, Jaisalmer, Rajasthan: Khu vực này là chuỗi 5 khu dân cư thuộc về một gia đình thương gia. Khu lâu đời nhất có tuổi đời gần 200 năm.

Bathing Ghats, Varanasi: Varanasi thường được gọi là thành phố cổ có người sinh sống lâu đời nhất thế giới. Hàng năm, hàng nghìn người đến đây hành hương và tắm trên dòng sông Hằng.

Đền Taj Mahal, Agra: Ngôi đền tuyệt đẹp do vua Shah Jahan xây dựng để tưởng nhớ người vợ thứ ba, hoàng hậu Mumtaz Mahal. Đền Taj Mahal giờ là một trong những công trình nổi tiếng nhất Ấn Độ và được mệnh danh là một trong những kỳ quan mới của thế giới.

MỚI - NÓNG