Tắm ở suối nước nóng là một trong những thói quen rất phổ biến của người Nhật. Họ không chỉ coi việc tắm ở suối nước nóng là một nét truyền thống mà còn coi đây như cách thư giãn tinh thần, thúc đẩy lưu thông máu, còn giúp da căng bóng, láng mịn hơn.
Điều đặc biệt nhất của loại hình tắm suối này đó là mỗi người đều không ngại khỏa thân trước mặt người lạ và luôn đặt một chiếc khăn nhỏ trên đầu. Tại sao lại như vậy?
Trên thực tế, chiếc khăn này không phải một vật trang trí, không phải để làm gọn tóc, mà mục đích của nó liên quan đến sức khỏe.
Trước hết, chiếc khăn này nhất định phải ẩm ướt với mục đích ngăn ngừa xuất huyết não bằng cách tránh mất nhiệt, ổn định huyết áp cho cơ thể, đặc biệt là trong những ngày đông lạnh giá - khi nhiệt độ ngoài trời và nước trong bể có sự chênh lệch lớn.
Khi xuống bể nước nóng, cơ thể ngay lập tức cảm nhận được sự chênh lệch nhiệt độ. Máu sẽ được bơm lên khu vực đầu nhiều, có thể khiến sung huyết não, gây xuất huyết. Đặt một chiếc khăn ướt trên đầu có thể giúp hạ nhiệt độ, từ đó giải trừ những trường hợp rủi ro.
Bên cạnh đó, khi ngâm mình lâu trong bể nước nóng, bạn có thể sẽ bị choáng váng và chóng mặt khi đứng dậy. Điều này do phần thân dưới được giải phóng khỏi áp lực nước, máu nhanh chóng di chuyển từ đầu đến bàn chân. Đặt một chiếc khăn ướt trên đầu và từ từ đứng dậy, sẽ giảm thiểu được những tai nạn không đáng có.
Vì vậy, nếu ngâm mình trong nước nóng vào mùa đông thì bắt buộc phải sử dụng chiếc khăn nhúng qua nước nóng để tránh chênh lệch nhiệt độ quá nhiều.
Tắm suối nóng bao lâu là đủ?
Trước khi xuống tắm bạn nên dùng nước nóng trong hồ xối nhẹ lên trên phần ngực và bụng đễ đỡ bị sốc nhiệt
Hồ nước nóng thường có nhiệt độ khá cao có khi lên đến 45oC nên người chưa quen sẽ có cảm giác như bị bỏng. Vì vậy, tiếp xúc với nước thật chậm theo trình tự từ đầu ngón chân đến hông, ngực, vai là yêu cầu cần thiết để bảo đảm an toàn cho cơ thể. Một điều quan trọng nữa là không được để nước ngập quá vai vì như thế áp lực nước sẽ đè nặng lên phổi và tim. Đối với người có bệnh tim mạch và người cao huyết áp thì càng phải chú ý.
Thời gian tắm cũng tuỳ theo nhiệt độ của suối nước. Nếu ở khoảng 43oC-45oC thì thời gian tắm là 5-10 phút/lần. Nếu dưới 40oC thì 20-30 phút/lần.
Top suối nước nóng nổi tiếng ở Việt Nam
Suối khoáng nóng Kim Bôi (Hòa Bình)
Khu du lịch suối khoáng Kim Bôi nằm ở điểm phun lên của dòng suối khoáng thuộc xóm Mớ Đá, xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Trong các suối nước nóng tại Việt Nam, đây là suối khoáng có nhiệt độ thấp nhất (từ 34 - 36ºC). Tuy không nóng đến độ tạo thành những làn hơi trên mặt nước, song nhiệt độ và hàm lượng khoáng của nơi đây đủ chuẩn cho việc để ngâm mình chữa bệnh, thư giãn dưỡng da.
Suối khoáng nóng Mỹ Lâm (Tuyên Quang)
Nằm giữa núi rừng Yên Sơn, suối khoáng Mỹ Lâm là một trong số ít những mỏ nước khoáng tại miền Bắc với dòng nước rất trong và nóng trên 60 độ C, được lấy trực tiếp từ mạch nước sâu hơn 150m. Với hàm lượng Sulfuahydro khá cao, suối khoáng Mỹ Lâm còn được gọi là “suối khoáng Sulfua”. Tắm và ngâm bùn khoáng Sunfua giúp chữa các bệnh như đau khớp hay đau dây thần kinh rất hiệu quả.
Suối khoáng nóng Bang (Quảng Bình)
Suối khoáng nóng Bang là một con suối lộ thiên trải dài qua những rừng cây hoang sơ và bí ẩn. Nếu muốn thám hiểm những lỗ phun nước đây huyền bí, du khách có thể thả bước lên đầu nguồn, khám phá những lỗ phun nước với nhiệt độ khoảng 105ºC. Còn nếu muốn ngâm mình vào dòng ấm, đi xuôi theo dòng suối khoảng 300m du khách sẽ bắt gặp một bãi tắm lộ thiên được tạo thành từ việc chắn và dẫn hai dòng nước của suối Ban nóng và suối Ban lạnh. Nhiệt độ của bể này chỉ dao động khoảng từ 40-45ºC.
Suối khoáng nóng Thần Tài (Đà Nẵng)
Nằm tại khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà Núi Chúa, thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài có thể nói là một tuyệt tác mà thiên nhiên ban tặng cho thủ phủ của miền Trung Việt Nam, trải dài trên một diện tích hơn 60ha. Giữa thành phố biển nhưng nơi đây lại mang một khí hậu đặc trưng của Bà Nà với 4 mùa trong ngày.
Suối khoáng nóng Bình Châu (Bà Rịa – Vũng Tàu)
Suối khoáng nóng Bình Châu thuộc xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu, cách Sài Gòn khoảng 150km. Nằm giữa khu rừng nguyên sinh quốc gia có diện tích 7ha và được người Pháp phát hiện ra từ năm 1905.Tại đây nổi tiếng với hơn 70 điểm phun nước lộ thiên, có nhiệt độ từ 37 độ C đến 82 độ C. Vùng hồ rộng nhất trong khu vực khoảng 100m2, có độ sâu 1m, nhiệt độ thường ở mức 64 độ C đến 84 độ C.
Tháng 8/2003 suối nước nóng Bình Châu đã được tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) bình chọn là một trong 65 khu du lịch sinh thái bền vững của 47 quốc gia trên toàn cầu.
Suối khoáng nóng Đam Rông (Lâm Đồng)
Suối nước nóng Đam Rông nằm ở địa bàn xã Đam Rông, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, cách Đà Lạt chừng 70km. Dòng suối có nhiệt độ trung bình khoảng 40-45°C. Đến đây, du khách sẽ được hoà nhập vào thiên nhiên thông qua việc tựa lưng vào những phiến đá mát lạnh, dưới tán rừng xanh um, đón dòng nước ấm áp đang tuôn trào từ lòng đất, thả trôi mọi buồn phiền, căng thẳng của cuộc sống.