1001 thắc mắc: Chó hóa sói thế nào, cầu tự sát của chó nằm ở đâu?

TPO - Chó nhà rất thân thiện còn chó sói thì lạnh lung, hoang dã. Làm thế nào chó lại ‘hóa thành chó sói’. Có một cây cầu trên thế giới mà rất nhiều chú chó khi đi qua đã nhảy xuống tự tử, cây cầu này nằm ở đâu?

Chó hóa thành sói như thế nào?

Một nhóm các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu hóa thạch của loài chó cổ đại ở châu Mỹ. Họ phát hiện chỉ trong vài triệu năm, biến đổi khí hậu kéo theo môi trường sống thay đổi khiến chó bản xứ vốn là thú ăn thịt rình mồi trở thành những con sói biết tấn công và truy tìm dấu vết như ngày nay.

Thời tiết ấm và ẩm ướt hơn cách đây 40 triệu năm đã góp phần tạo ra những cánh rừng rậm rộng lớn ở khu vực nay là đồng bằng trung tâm Mỹ. Môi trường này đã tạo điều kiện cho loài thú săn mồi nhỏ như chó dễ ẩn nấp và vồ mồi chạy ngang qua.

Tuy nhiên, khi khu vực này trở nên ngày càng lạnh và khô, những cánh rừng thưa dần và biến thành đồng bằng ở nhiều nơi, kéo theo sự tiến hóa và sinh sôi của các động vật ăn cỏ chân dài như bò rừng bison hay hươu nai. Những con thú săn mồi, bao gồm loài chó, cũng buộc phải tiến hóa theo.

 Biến đổi khí hậu khiến chó hóa thành sói
Chi trước của những con chó hoang dã quen với chạy cự ly dài và ít linh hoạt hơn. Đồng thời, hàm răng của chúng cũng chắc khỏe hơn để cắn xé những miếng da khô hoặc đá dăm lẫn trong thịt.

Những sự thật ít biết về loài sói

Sói đen

Màu lông phổ biến của loài sói là màu trắng và xám, tuy nhiên trong số đó có một số ít con có bộ lông màu đen vô cùng đặc biệt. Sự thật đây không phải màu sắc tự nhiên của chúng. Một nghiên cứu năm 2008 của Đại học Stanford cho thấy một bộ gene đặc biệt quy định màu lông đen chỉ xuất hiện trên loài chó, do đó loài sói đen dường như là kết quả của sự lai tạo. Gene quy định màu đen của bộ lông này là gene trội, do đó nó được di truyền hầu hết cho các đời con. Tuy rằng loài sói đen không thể hiện là một thợ săn xuất sắc, nhưng chúng lại có hệ miễn dịch tốt hơn. Loài sói đen hầu như chỉ xuất hiện ở vùng lạnh giá của Bắc Mỹ.

Tỷ lệ sói lai

Loài sói thuần chủng hiện nay dường như khá hiếm, trong đó tỷ lệ loài sói lai lại phát triển mạnh do điều kiện môi trường sống. Trong nhiều năm qua, một lượng dân số di chuyển về phía đông, thu hẹp môi trường sống tự nhiên của loài sói, từ đó tạo ra nhiều giống sói lai và chiếm một tỷ lệ lớn. Các loài sói lai thường nhỏ hơn loài sói thuần chủng, và cực kỳ thông minh, chúng có thể thích nghi với những khu đô thị khoặc dân cư. Một phần do nạn săn bắn ở những môi trường sống tự nhiên làm giảm đi số lượng đáng kể của loài sói thuần chủng.

 

Ăn thịt đồng loại

Ăn thịt đồng loại là điều khá phổ biến trong thế giới của loài sói. Do sống trong một môi trường cực kỳ khác nghiệt, thường là các vùng lạnh giá với nguồn thức ăn khan hiếm, hơn nữa phải cạnh tranh với nhiều loài ăn thịt khác, do đó chúng buộc phải ăn thịt các con sói bị thương hoặc bị bệnh trong một bầy. Khi hai bầy sói tranh giành lãnh thổ, thường sẽ xảy ra một cuộc chạm trán khốc liệt và kẻ bại trận sẽ làm mồi cho những kẻ chiến thắng. Có một sự thật là đôi khi chúng buộc phải ăn thịt chính con đẻ của mình.

Cân nặng

Chúng ta thường thấy hình ảnh những con sói với vẻ ngoài khá nhanh nhẹn và linh hoạt, nhưng cũng có những loài sói có cân nặng lên đến gần 100kg. Những loài sói của vùng nhiệt đới thường có thân hình nhỏ tương đương với những con chó có kích thước trung bình. Nhưng càng về phía Bắc (Alaska, Canada và Nga) thì kích thước của chúng càng tăng. Con sói lớn nhất đã từng bị giết ở Bắc Mỹ (Alaska) vào năm 1939 có cân nặng gần 90kg. Thông thường chúng đều là con sói đầu đàn, do luôn được các con khác trong bầy cung cấp đầy đủ thức ăn.

Bệnh dại và sự hóa điên

Khác với nhiều loài vật khác khi nhiễm bệnh dại thường thờ ơ, mất phương hướng và hay nằm một chỗ trước khi phát bệnh. Loài sói khi nhiễm bệnh dại cực kỳ nguy hiểm, chúng dường như ngay lập tức nổi cơn điên và có thể tấn công bất kỳ loài vật nào xung quanh, kể cả những loài vật to lớn hơn mình. Những vụ chó sói tấn công con người đa phần cùng vì chúng mắc bệnh dại, mặc dù hiện nay tình trạng này đã giảm. Tuy rằng có thuốc để điều trị những trường hợp bị động vật mắc bệnh dại cắn, nhưng đối với loài sói chúng thường có xu hướng tấn công và cắn vào cổ và đầu nạn nhân, do đó hầu hết các trường hợp là rất nguy hiểm. Còn trong trường hợp bình thường, loài sói thường có xu hướng tránh xa các loài vật khác to lớn hơn mình.

Chó sói Mỹ khá hiền

Thực tế sói ở Châu Mỹ khá hiền và ít tấn công con người hơn các nơi khác, có rất ít hồ sơ những vụ sói tấn công người ở Mỹ và Canada trong khi châu Âu và châu Á thì ngược lại. Theo tài liệu ghi lại đã có hơn 3000 người thiệt mạng do sói tấn công ở Pháp những năm 1600 - 1800. Loài sói ở Ấn Độ và Nga nổi tiếng nhất về sự tàn ác và hung dữ. Trong thế chiến thứ nhất, lực lượng quân Đồng Minh đã từng phải vất vả chống đỡ sự tấn công của những bầy sói đói bị thu hút bởi mùi máu.

Lãnh địa của sói lớn hay nhỏ tùy thuộc vào số lượng con mồi có nhiều hay ít

Lãnh địa của chúng có thể có phạm vi từ chỉ hai mươi cho đến hàng trăm dặm vuông, phụ thuộc vào số lượng con mồi có ở đó. Tiếng tru đồng thanh của cả đàn sói là lời cảnh báo những con sói khác hãy tránh xa khu vực đó.

Con người đã từng là món chính trong thực đơn

Vào thời Trung Cổ, tại châu Âu bùng phát bệnh dịch hạch khiến hàng ngàn người chết. Họ thường xếp các xác chết chất đống lại để chuẩn bị đem chôn hoặc thiêu hủy, và theo tự nhiên loài sói cũng bị thu hút. Trong thời gian đó, thức ăn chính của loài sói chính là những xác chết do đại dịch. Dần dần, chúng quen với hương vị mới và con người đã trở thành món chính trong thực đơn của loài sói. Những vụ sói tấn công người ngày càng tăng với tốc độ chóng mặt, và bắt nguồn từ đây những câu chuyện về người sói được reo rắc vào những người cả tin và ngày càng trở nên phổ biến.

Bệnh đậu mùa

Cũng giống như ở châu Âu, bệnh đậu mùa ở Mỹ vô tình khiến sói trở thành kẻ thù đáng sợ của con người. Trong thời kỳ này, chó sói thường xuyên tấn công các khu vực sống của con người, đặc biệt là nơi các bộ tộc sinh sống. Những người mắc bệnh bất lực trở thành con mồi cho loài sói, nhận ra nguồn thức ăn dễ dàng, loài sói càng hung bạo tấn công các khu dân cư và trở thành nỗi ám ảnh của loài người trong thời kỳ đó. Trong khi thông thường loài sói thường ẩn nấp ở những khu vực riêng biệt, những khu rừng cách xa nơi con người sống.

Kén ăn

Loài sói có thể ăn bất cứ thứ gì để sống, ngay cả các loài vật đã chết lâu ngày. Tuy nhiên trong điều kiện sống tốt, những mùa nhiều thức ăn, loài sói khá kén chọn. Chúng thường chỉ thích các loài móng guốc lớn như hươu và nai, và chúng cũng chỉ ăn khi còn mồi vẫn còn tươi sống. Nếu không chén hết lượng thức ăn kiếm được, chúng sẽ bỏ đi mà không cất để dự trữ.

 

Chó là con mồi ưa thích của sói

Một sự thật khá ngạc nhiên vì hai loài này thực tế có chung nguồn gốc, hơn thế nữa chúng sẵn sàng giao phối với nhau, tuy nhiên có những loài sói coi chó là con mồi ưa thích. Ngay cả đối với những con chó có kích thước lớn, một khi đã đi lạc vào địa bàn của loài sói, đều trở thành mồi ngon của chúng. Một con sói có kích thước nhỏ cũng dễ dàng đánh bại một con chó lớn nhờ hàm răng sắc nhọn và những cú cắn chết người vào vùng cổ. Ở Nga, trong thời kỳ sau sự kiện Liên Xô tan rã, họ đã phát hiện rất nhiều xác của những con chó xấu số phải làm mồi cho loài sói.

Tách đàn

Tại Âu châu hiện có khoảng 12 ngàn con. Tại Trung Âu, một đàn sói thường kiểm soát vùng lãnh thổ rộng tới 200km vuông. Tại Bắc Âu, diện tích này lên tới 1.000km vuông.

Khi sói non tách đàn, nó thường đi tới nơi mới cách xa tới trên 1.000km đường chim bay

Cầu tự sát của chó ở Scotland

Từ những năm 1950, khoảng 50 con chó bất ngờ nhảy xuống từ độ cao 15 m khi đi ngang qua cầu và tử vong. Ước tính 600 con chó khác may mắn sống sót sau cú nhảy nhưng nhiều con vẫn tìm cách nhảy tiếp.

 

Cầu Overtoun (Scotland) được xây dựng vào năm 1895 và có biệt danh "cầu tử thần" do gắn liền với những vụ tai nạn liên quan tới chó. Nguyên nhân khiến những con chó liên tục "tự sát" vẫn là bí ẩn chưa có lời giải.

Vị trí mà mọi con chó đứng trước khi nhảy nằm giữa hai đoạn tường phòng hộ cuối cùng bên mạn phải của cầu. Một điều kỳ lạ nữa là phần lớn chúng tự sát vào ngày nắng và không mây.

Người ta đưa ra nhiều giả thuyết để giải thích nguyên nhân khiến cầu Overtoun trở thành “điểm tự sát ưa thích của chó”. Một lãnh chúa có họ Overtoun đã xây cầu vào năm 1895. Cầu bắc qua suối Overtoun Burn và có độ cao 15m. Giả thuyết được chấp nhận rộng rãi nhất là một hoặc nhiều linh hồn đang lang thang trên cầu. Một truyền thuyết đã đề cập tới cầu Overtoun, theo đó cầu là nơi mà thiên đường và hạ giới gần nhau nhất. Do linh cảm của chó nhạy hơn người, chúng cảm nhận sự hiện diện của thiên đường ở phía trên một cách rõ ràng nên mất khả năng kiểm soát hành vi.

 

Trong khi đó, David Sands, chuyên gia về tâm lý động vật, cho rằng mùi hương của động vật bò dưới cầu thu hút chó nhảy xuống. Theo ông, những con chó đánh hơi thấy mùi của chồn nâu, chồn thông hoặc một số động vật có vú khác. Chúng nhảy chồm lên thành cầu và trượt chân ngã do mặt đá vát nghiêng.

Chồn nâu tỏa ra mùi hôi rất nồng từ tuyến hậu môn. Loài vật này kéo tới sinh sống trong khu vực từ thập niên 1950, trùng khớp với thời gian xảy ra các vụ chó nhảy cầu đầu tiên. Giả thuyết này cũng giúp lý giải tại sao chó chỉ nhảy khỏi cầu vào những ngày trời quang khi mùi hôi của chồn phát tán mạnh nhất.

Hiệp hội ngăn chặn tội ác với động vật Scotland từng tiến hành điều tra nguyên nhân dẫn tới hiện tượng nhưng không thành công. Ngày nay, người nuôi động vật được khuyến khích dắt chó bằng dây khi đi qua cầu Overtoun để tránh tai nạn không mong muốn.

 Chó sói săn mồi. Clip nguồn youtube.