1001 chiêu lừa đảo tân sinh viên

1001 chiêu lừa đảo tân sinh viên
Do nhẹ dạ cả tin, rất nhiều tân sinh viên đã tự biến mình trở thành "miếng mồi ngon" cho những kẻ "đạo chích".

Rời xa gia đình, bạn bè để bắt đầu một cuộc sống tự lập, nhiều sinh viên tỉnh lẻ đã "choáng" trước cuộc sống đầy cám dỗ nơi thành thị. Đáng bàn nhất là nạn lừa đảo trong giới sinh viên.

Lê Thị Hiền (19 tuổi, Thanh Hóa), hiện là sinh viên năm nhất trường Học viện Báo chí – Tuyên truyền mếu máo kể lại. "Cách đây hai hôm, em bị một tên lạ mặt lừa mất một triệu ở cây ATM trên đường Nguyễn Phong Sắc. Khi biết em vừa rút tiền xong, hắn lịch sự dựng xe SH ngay bên cạnh cây rút tiền và bảo anh chạy vội từ cơ quan ra đây quên không mang thẻ tín dụng. Hiện tại anh cần chuyển khoản gấp cho bạn nên mong em giúp anh rồi anh sẽ trả em bằng tiền mặt".

Nghe vậy, Hiền tưởng thật, bèn chuyển ngay vào tài khoản của hắn một triệu đồng. Sau khi chuyển xong xuôi, quay lại thông báo chuyển khoản thành công thì hắn đã lên xe phóng đi được một đoạn. Lúc đó Hiền mới biết mình bị lừa, thẫn thờ bước vào lớp tay chân vẫn còn run không nói được câu nào. "Chẳng biết tháng này sống bằng gì nữa, em không dám nói cho bố mẹ biết vì sợ bố mẹ mắng" - Hiền buồn bã chia sẻ.

Còn bạn Nguyễn Văn Chung ( 19 tuổi, Yên Bái), sinh viên năm nhất trường Đại học Công nghiệp vẫn chưa khỏi bàng hoàng sau cú lừa ngoạn mục của một người phụ nữ đi đường, chỉ vì lòng thương, sự tin người đến "ngớ ngẩn" của mình.

Chung kể: "Trên đường từ trường về nhà trọ, mình có bắt gặp một người phụ nữ chừng 30 tuổi trong điệu bộ rất tội nghiệp. Cô ta mượn điện thoại của mình gọi điện cho người nhà tới đón về, vì trên người chẳng có một xu dính túi". Thương tình, Chung bèn cho cô ta mượn điện thoại. Nhưng đúng lúc đó thì điện thoại hết tiền, Chung vội chạy vào quán cạnh đường mua thẻ điện thoại nạp. Khi vừa chạy ra đến nơi thì cô ta đã cao chạy xa bay, không thấy tăm tích đâu. Thế là chiếc điện thoại gia đình mua tặng nhân dịp đỗ đại học cũng mất tiêu.

Đồng cảnh ngộ với Chung là trường hợp của bạn Bùi Thị Hương (19 tuổi, Thanh Hóa), sinh viên năm nhất trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Cho tới bây giờ Hương vẫn còn nhớ như in ngày đầu tiên đi học. Hương cho biết: "Hôm đó, em đang tới trường thì gặp một bà bầu đi ăn xin, gặp ai cô ấy cũng kể nghèo kể khổ, chìa nón xin tiền. Thấy tình cảnh đáng thương, em lục túi định cho cô ấy 5.000 đồng".

Nhưng trong ví chỉ còn duy nhất tờ 500.000 nghìn đồng, thấy vậy, cô ấy bảo sẽ cầm tờ 500.000 đi đổi tiền lẻ rồi sẽ quay lại trả tiền thừa cho mình. Thế nhưng 15 phút sau, Hương đợi mãi vẫn chẳng thấy cô ta đâu, hỏi mấy người bán nước gần đó, mới biết mình bị lừa.

Hóa phép trộm cắp giữa ban ngày

Dù có đủ tỉnh táo, cẩn trọng đến mấy, các tân sinh viên cũng khó lòng thoát khỏi "âm mưu" của kẻ gian. Những tên trộm không chỉ hoạt động lén lút ban đêm mà họ còn liều mình mò đến các xóm trọ để lọc lừa sinh viên giữa ban ngày.

Bùi Thị Phượng (20 tuổi, Ninh Bình) hiện đang trọ ở Cổ Nhuế, đã bị mất một chiếc laptop chỉ vì tin vào phép "ảo thuật" của những tên cướp. Phượng buồn bã kể: "Hôm đó vào ngày cuối tuần, cả xóm trọ vắng tanh, người thì về quê, người thì đi chơi với bạn bè, còn mỗi mình em ở xóm. Lợi dụng lúc giữa trưa vắng vẻ, có một thanh niên tên Hà, tự xưng là nhân viên của Big C vào quảng cáo chương trình khuyến mãi bốc thăm trúng thưởng".

Ban đầu, Phượng cũng không tin, nhưng nghe qua quảng cáo hấp dẫn, bùi tai nên sà vào ngay. Sau khi mua 2 hộp kem đánh răng giá 80.000 đồng, cô sẽ có cơ hội bốc thăm trúng thưởng. Thử vận may, Phượng bèn bốc thăm thì không ngờ trúng 1 chỉ vàng, cảm giác lúc đó vui mừng khôn xiết, cô chỉ chăm chăm vào trị giá giải thưởng. Nhiệm vụ cuối cùng trước khi được lĩnh 1 chỉ vàng là ký tên vào danh sách khách hàng trúng thưởng.

Sau khi cầm cây bút thì Phượng gần như bị thôi miên hoàn toàn. Trong lúc đó, cô vẫn còn nhớ tự tay mình đem laptop ra "biếu" không cho tên trộm. Một lúc gã thanh niên ra khỏi nhà, Phượng tỉnh lại thì mới biết cái laptop của mình đã không cánh mà bay.

Cũng như Phượng, Dung (22 tuổi, trọ ở Cầu Giấy) cũng ngậm ngùi: "Cách đây 3 năm khi còn là sinh viên năm nhất, mình cũng từng bị kẻ trộm thôi miên ngay chính phòng trọ. Khi tỉnh lại thì bị mất 1 chiếc máy ảnh và 4 triệu đồng tiền mặt. Từ đó, ai cũng đề phòng mỗi khi người lạ vào xóm".

Không chỉ gài bẫy sinh viên bằng cách trực tiếp mò đến xóm trọ mà những tên trộm tinh vi này còn bày ra những chiêu trò "lừa đảo" hòng dụ sinh viên "sa bẫy" rồi mới móc ví dần dần.

Đó là trường hợp của Cao Văn Kiên (Hà Nam) sinh viên năm 2, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Kiên bức xúc kể: "Mình có đến đặt cọc 640.000 đồng ở một Trung tâm gia sư trên đường Hoàng Quốc Việt để nhận dạy thêm môn Toán cho học sinh lớp 6. Tiền đã đặt cọc rồi nhưng khi gọi cho Trung tâm thì họ bảo đã có người nhận, muốn dạy ngay thì phải đóng thêm 200.000 nữa".

Đang cần công việc gấp, Kiên chấp nhận đi vay nóng bạn bè đóng cho trung tâm theo đúng yêu cầu và đợi 2 ngày sau thì đi dạy. Hôm đó, trung tâm cũng cho địa chỉ rõ ràng nhưng khi Kiên đến nhận lớp thì phụ huynh cho biết, gia đình không có nhu cầu thuê gia sư. Lúc đó, Kiên mới ngã ngửa ra mình bị lừa, vội điện lại cho trung tâm thì đều thuê bao không liên lạc được. Lọc cọc đạp xe đến tận nơi thì nhân viên của trung tâm đã cuốn gói đi mất.

Còn trường hợp của Lê Thị Quỳnh (21 tuổi, Nghệ An), sinh viên năm 3 trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay: "Tuần trước mình vừa bị mất khống 400.000 vì đặt cọc vào trung tâm gia sư. Họ bảo đợi 2 ngày là đi dạy luôn, thế mà mãi chưa thấy gọi. Lúc mình chủ động liên lạc lại thì họ đều tắt máy, tra thông tin trên mạng mới biết trung tâm đó vừa bị công an tóm vì tội chuyện lừa đảo".

Đối với sinh viên, nhu cầu làm thêm là hoàn toàn chính đáng nhằm có thêm chi phí trang trải cuộc sống thường nhật, đồng thời góp phần tích lũy kỹ năng, vốn sống. Tuy nhiên, trong quá trình tìm việc, nên cẩn trọng và tìm hiểu kỹ lưỡng công việc để tránh khỏi phải những chiêu trò của bọn lừa đảo.

Theo Khám phá

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG