1.000 cuốn tiểu thuyết về tình yêu ở chiến trường Quảng Trị được chuyển sang Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha vừa ra mắt tiểu thuyết viết về tình yêu ở chiến trường Quảng Trị. Một nghìn bản in đầu tiên được chuyển sang Mỹ cho kiều bào ở Mỹ và các nước lân cận. 

Cuốn tiểu thuyết Hương tái hiện cuộc đời Lĩnh, giáo viên trẻ mới vào nghề đã xung phong vào chiến trường Quảng Trị khốc liệt. Anh đã gặp mối tình khắc cốt ghi tâm với Hương. Vượt lên trên tất cả những đau thương, mất mát của chiến tranh, tình yêu vẫn tỏa màu xanh của sự sống. Nhưng tình yêu của người lính trẻ nảy nở giữa chiến tranh cũng nhuốm màu bi thương. Chiến tranh đã đẩy họ ra xa, không có cơ hội gặp lại, để đến tuổi xế chiều Lĩnh mới tìm ra Hương thì cô đã không còn trên cõi đời này.

Tuy nhiên, cuộc đời vẫn ưu ái để anh gặp lại Bao-người bác sĩ phía bên kia chiến tuyến, người đã từng cứu chữa, che chở cho anh trong những tháng ngày ở bệnh viện, người đã làm chồng của Hương, làm cha của con anh khi không tìm được tin tức gì của anh trong thời buổi chiến tranh loạn lạc. Cuộc gặp gỡ của Lĩnh, Bao và Thơm-con gái Lĩnh- đẫm nước mắt, nước mắt của của sự bất ngờ, sự chia lìa, xa cách, nỗi đau buồn dồn nén, của tình thân, tình người.

1.000 cuốn tiểu thuyết về tình yêu ở chiến trường Quảng Trị được chuyển sang Mỹ ảnh 1

Cuốn tiểu thuyết "Hương" của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha được chuyển sang Mỹ.

Thông qua những tài liệu, nhật ký và hồi ký của những người lính ở cả hai bên chiến tuyến, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã tái hiện những hình ảnh về những năm tháng đẫm máu và nước mắt của dân tộc, về tình yêu của những người lính, về lòng vị tha của con người, đất nước Việt Nam.

“Cuốn sách tôi viết nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng Quảng Trị và bảo vệ thành cổ năm 1972. Tôi muốn mọi người biết thêm về những khốc liệt của chiến tranh để trân quý hơn hôm nay. Với Hương, tôi đã trộn lẫn bút pháp hư cấu và phi hư cấu, như chương 9 không hư cấu chút nào, đó là những câu chuyện thật của bạn bè tôi ở chiến trường”, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cho hay.

Chia sẻ về quá trình sáng tác và hoàn thiện cuốn tiểu thuyết Hương, Nguyễn Thụy Kha nói: “Tôi mất khoảng 2 tháng viết xong truyện, bố cục của tác phẩm tôi có từ lâu, khi được sự ủng hộ của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, tôi viết rất nhanh. Tôi và hoạ sĩ Lê Thiết Cương chơi với nhau khá lâu rồi nên anh Cương hiểu và vẽ bìa sách cho tôi. Anh Cương vẽ theo ý tưởng của anh mà tôi không phải can thiệp”.

1.000 cuốn tiểu thuyết về tình yêu ở chiến trường Quảng Trị được chuyển sang Mỹ ảnh 2

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha vừa ra mắt tiểu thuyết tình yêu thời chiến.

Cuốn tiểu thuyết như một nén hương tưởng niệm những anh hùng thầm lặng đã ra đi vì Tổ quốc, những con người làm nên bản tráng ca lịch sử. Sự hi sinh của những người lính vì độc lập, tự do của dân tộc là quá khứ không thể nào lãng quên, để mỗi người dân Việt Nam thấy yêu hơn cuộc sống hôm nay, quý trọng hơn giá trị của hòa bình, tình yêu, tình bạn, tình đồng hương, tình đồng bào, thấy tự hào và có trách nhiệm hơn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Tiểu thuyết Hương của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, bìa sách do hoạ sĩ Lê Thiết Cương vẽ được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản tại Việt Nam và chuyển 1.000 bản đầu tiên tới Mỹ phục vụ kiều bào tại Mỹ và các nước lân cận.

Một số trích đoạn trong tiểu thuyết Hương

Chính khi Bao xuất hiện ở cửa quán, Lĩnh thấy như có luồng điện của hồi ức đột ngột vọt trào trong cơ thể. Lĩnh chỉ kịp kêu kêu “Bao ơi!” rồi thấy mình ngắc ngứ trong câm lặng. Bao lao vào góc quán nơi Lĩnh vụt đứng lên. Cả hai ôm chầm nhau, hai tay quờ quạng trên lưng nhau. Bao nức nở: “Lĩnh ơi! Hương mất rồi”. Câu thơ của ai “Nước mắt dành cho ngày gặp mặt” giờ đây thật đúng với hai người đàn ông này. Ở giữa họ còn mênh mang một khoảng trống mất mát. Khoảng trống tên là Hương. Ôm ghì nhau như ôm lửa vào lòng. Ôm ghì nhau câm lặng”.

Đời người thật lạ. Khi còn trẻ thì thường hướng tới tương lai. Nhưng khi về già thì toàn ngoái về quá khứ. Từ hôm Bao gặp Lĩnh, những mảnh ký ức không biết từ đâu đó cứ thường ném vào trí nhớ trơ lỳ của tuổi tác, khiến nó cứ chợt lóe lên, lại chợt tắt ngấm. Dần dà, Bao cũng nhớ được những gì xảy ra khi chăm sóc Lĩnh ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Với Lĩnh thì ngược lại. Tuổi tác và thăng trầm cuộc sống vẫn bất lực trước trí nhớ siêu phàm của một người Việt luôn đau đáu muốn ghi lại tất cả những gì đã diễn ra với Lĩnh, với mọi người thân thiết, những đồng đội quen trước hay quen sau, nhưng đều đã từng dấn thân vào trận chiến Quảng Trị ngày tháng ấy”.

MỚI - NÓNG