100% xe vi phạm bị giam, quy định nộp tiền bảo lãnh 'xếp kho'

Có quy định bỏ giam xe, nhưng các bãi tạm giữ xe tại Hà Nội vẫn quá tải
Có quy định bỏ giam xe, nhưng các bãi tạm giữ xe tại Hà Nội vẫn quá tải
TP - Có quy định để người dân nộp tiền bảo lãnh không phải giam xe dài ngày, tuy nhiên, gần nửa năm trôi qua, quy định này vẫn bị "xếp kho".

100% xe vi phạm vẫn bị giam dài ngày

Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 6, Phòng CSGT Hà Nội (PC08) đang là đơn vị có số trường hợp xử phạt vi phạm luật giao thông theo tháng cao nhất so với các đội ở Hà Nội. Riêng trong tháng 5/2020, Đội CSGT số 6 xử phạt hơn 3.600 trường hợp vi phạm giao thông. Trong đó, 72 trường hợp người vi phạm luật giao thông bị tạm giữ phương tiện. Hình thức tạm giữ xe ít nhất 7 ngày tại  bãi trên địa bàn quận Long Biên.

Tương tự, trong tháng 5, Đội CSGT số 7 (PC08), cũng xử phạt 2.600 trường hợp vi phạm, trong đó có 86 trường hợp người vi phạm bị tạm giữ phương tiện. 1 ô tô, 1 xe ba bánh, 84 xe máy bị tạm giữ ít nhất 7 ngày và được di chuyển về bãi tạm giữ xe trên địa bàn quận Hà Đông.

Trong danh sách các trường hợp người vi phạm giao thông đến mức phải tạm giữ phương tiện tại đội CSGT số 6 và 7 (PC08), chúng tôi thấy rằng, chưa có trường hợp nào được xử lý bằng hình thức nộp tiền bảo lãnh theo quy định mới tại Nghị định 31. Tìm hiểu công tác xử phạt vi phạm giao thông tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, chúng tôi cũng ghi nhận, hầu hết các trường hợp vi phạm đến mức phải giam giữ phương tiện vẫn bị CSGT di chuyển xe về bãi để ra quyết định tạm giữ ít nhất 7 ngày.

Trung tá Hà Văn Tuân, Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT Hà Nội (PC08) cho biết, các trường hợp phạm lỗi bị tạm giữ phương tiện, gồm: Phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có giấy phép, vi phạm nồng độ cồn, chất gây nghiện, gây tai nạn nghiêm trọng, chở hàng cấm… Tuy nhiên, với hàng chục vụ phải xử lý lỗi tạm giữ xe hàng tháng, Đội CSGT số 14 vẫn cẩu kéo và tạm giữ phương tiện, chưa có trường hợp nào được xử lý bằng hình thức nộp tiền bảo lãnh để không bị giam xe.

Quy định xử phạt mới vẫn bị trói buộc

Sau vụ chủ xe vi phạm phải trả 13 triệu đồng phí tạm giữ cho một lần vi phạm vừa xảy ra ở TPHCM. Trước đó, tại Hà Nội, chủ xe vi phạm cũng phải trả 18 triệu đồng cho một lần cẩu kéo về bãi, rất nhiều người từng vi phạm giao thông bị cẩu kéo và giam xe cũng tỏ ra bức xúc. Đặc biệt, việc phải trả số phí chặt chém trên lại thông qua các đơn vị dịch vụ cảnh sát hoặc trật tự giao thông (TTGT) “dẫn mối”.

Khảo sát thực trạng này tại Hà Nội, chúng tôi thấy rằng, tất cả các đơn vị được kiểm tra, xử phạt vi phạm giao thông trên đường hiện nay như CSGT, TTGT, Công an các phường, quận huyện… khi gặp trường hợp chủ xe vi phạm đến mức phải tạm giữ phương tiện, cơ quan xử phạt đều tự sử dụng dịch vụ xe cẩu kéo đồng thời chỉ định để xe cẩu kéo phải di chuyển xe về đây để tạm giữ. Như vậy chưa kể tiền phạt theo lỗi vi phạm, chủ xe còn phải nộp thêm các khoản phí như cẩu kéo, phí tạm giữ xe theo ngày. Khoản phí dịch vụ này có thể còn cao hơn tiền nộp phạt do vi phạm luật nào đó.

Thông tin về việc này, ông Ngô Quốc Cường, Đội trưởng Đội Thanh tra Hoàng Mai (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, cách đây hơn 1 năm, chính ông từng bị thu phí trông giữ xe vi phạm giá cao. Cụ thể, tuy là người bị hại (xe người khác tông vào ô tô của mình) nhưng xe của ông cũng bị công an một quận trên địa bàn Hà Nội tạm giữ. Sau 7 ngày hẹn đến giải quyết thủ tục để nhận lại xe, ông Cường phải nộp hơn 1 triêu đồng phí trông giữ.

“Tôi là người bị hại, lại bị giam xe 7 ngày, đến khi lấy xe ra phải đóng hơn 1 triệu phí (gần 200.000 đồng/ngày - PV) là quá bất hợp lý. Khoản phải trả vô lý này gây bức xúc cho người phải nộp”, ông Cường nói.

Lý giải về quy định nộp tiền bảo lãnh xe vi phạm chưa được thực hiện rộng rãi trên địa bàn tỉnh mình, đại tá Lê Văn Chiến, Trưởng phòng CSGT (PC08), Công an tỉnh Thanh Hóa cho rằng, thời gian qua, PC08 Thanh Hóa triển khai Nghị định 31, tuy nhiên người dân vẫn ít lựa chọn hình thức nộp phạt tiền bảo lãnh. Do nghị định nêu, người dân có quyền lựa chọn một trong hai hình thức xử phạt nên CSGT làm nhiệm vụ trên đường cũng không thể ép buộc.

Để đề xuất cho quy định nộp tiền bảo lãnh sớm đi vào thực tế, ông Chiến cho rằng, quy định mới chỉ đưa ra nội dung người dân có thể nộp tiền bảo lãnh rồi nhận lại phương tiện, chưa có quy định trong thời gian chờ làm thủ tục giải quyết vi phạm thì phương tiện đó sẽ được sử dụng thế nào?

Thiếu tá Nguyễn Minh Đức, Đội phó Đội CSGT số 7, PC08 Hà Nội cũng cho biết, còn nhiều băn khoăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị định 31. Luật sư Bùi Sinh Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, quy định người vi phạm ngoài việc phải nộp tiền bảo lãnh, làm đơn nộp và chờ trong 2 ngày để được cơ quan, đơn vị giải quyết khiến quy định nộp tiền bảo lãnh cho vi phạm khó thực hiện và bị lãng quên dần, "xếp kho".

Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội cho biết, trong khi chờ các hướng dẫn cụ thể hơn, để tạo điều kiện cho người vi phạm nhận xe ra sớm hơn 7 ngày, Phòng CSGT Hà Nôi đã yêu cầu các đội nghiệp vụ sau 2 ngày giữ xe phải giải quyết cho xin xe nếu người vi phạm đến làm thủ tục.

MỚI - NÓNG