Đơn kiến nghị đứng tên 9 doanh nghiệp vận tải gửi chính quyền 2 địa phương đề nghị được xem xét. Theo đó, các đơn vị được 2 địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam phê duyệt cho hoạt động các tuyến xe buýt liền kề không trợ giá gồm Đà Nẵng - Tam Kỳ, Đà Nẵng - Hội An, Đà Nẵng - Phú Đa, Đà Nẵng - Ái Nghĩa, Đà Nẵng - Quế Sơn hoạt động đã 20 năm nay, phục vụ nhu cầu đi lại của cán bộ, nhân dân Đà Nẵng và Quảng Nam và giải quyết công ăn việc làm cho 300 lao động.
Ngày 5/11, Sở GTVT Đà Nẵng có báo cáo gửi UBND thành phố về việc điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt liền kề giữa tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng theo hướng không đi vào khu vực nội thành được áp dụng kể từ ngày 1/1/2019. “Nếu chủ trương được áp dụng thì đây coi như là bản “án tử” đối với các tuyến xe buýt này với gần 100 phương tiện buýt phải ngưng hoạt động bởi lộ trình hoạt động không đi đến những nơi hành khách cần, khách khó chấp nhận với loại hình xe buýt nửa vời này” - ông Ông Văn Dũng, Giám đốc Xí nghiệp vận tải thuộc Cty CP GTVT Quảng Nam, nói.
9 đơn vị vận tải đề nghị được xem xét tiếp tục hoạt động theo lộ trình đã đề xuất vì các tuyến xe đã duy trì 20 năm nay. Các tuyến xe trợ giá dự kiến mở thêm thực sự là cắt lộ trình của 5 tuyến xe buýt liền kề đang hoạt động, việc này làm kéo dài thêm thời gian của hành khách vì đối tượng chúng tôi đang phục vụ là cán bộ, công nhân viên của Quảng Nam và nhân dân 2 địa phương thăm viếng đi lại chứ không phải là hành khách đi lại trong nội thành Đà Nẵng. Nếu theo lộ trình của Sở GTVT Đà Nẵng đề xuất thì hành khách đi xe phải qua 2 lần chuyển xe, chưa kể người già yếu, tàn tật thì sự bất tiện tăng lên nhiều lần, hành khách phải mất thêm 1 lần tiền mua vé cho chặng xe thứ 2, việc này chỉ góp phần cho các loại xe dù có điều kiện thuận lợi để phát triển.
“Chúng tôi chấp nhận cùng hoạt động song song với loại hình xe buýt có trợ giá và không có xung đột nào trong đón trả khách cũng như việc đi lại. Quan trọng hơn là chúng tôi không hề dùng ngân sách, đã và đang hoạt động ổn định, tạo thói quen, sự thuận tiện trong đi lại của người dân. Để hạn chế vào các tuyến đường có mật độ người tham gia giao thông lớn, chúng tôi đã chủ động đề xuất điều chỉnh lộ trình trong nội thị nhưng cũng chưa được cơ quan chức năng trả lời”, ông Ông Văn Dũng nói.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu có văn bản đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, trước mắt tạm dừng, chưa thực hiện điều chỉnh hành trình các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng theo quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2013-2020 và tầm nhìn đến 2030 đã được phê duyệt. Tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị nghiên cứu nâng cao chất lượng vận tải hành khách bằng xe buýt đối với các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng, theo hướng nâng cấp các tuyến hiện có hoặc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư mới (nếu các đơn vị hiện nay không đáp ứng yêu cầu).
Trong khi đó, lãnh đạo Sở GTVT thành phố Đà Nẵng cho biết, Sở đã đề xuất UBND thành phố thống nhất chủ trương cho phép thời gian điều chỉnh các tuyến xe buýt liền kề ra khỏi trung tâm thành phố bắt đầu từ ngày 1/1/2019. Hiệp hội Vận tải ô-tô của 2 địa phương và các đơn vị vận tải tuyến xe buýt liền kề có nguyện vọng gặp lãnh đạo thành phố để trình bày khó khăn, đề xuất nguyện vọng để hài hòa quyền lợi nhưng hiện lãnh đạo thành phố chưa sắp xếp được buổi làm việc này.