1. Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp với những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, trong đó có việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 cùng hơn 100 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt trái phép giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.
Các tàu hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương.
Các tàu hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã hung hăng đâm húc vào tàu công vụ và tàu dân sự Việt Nam.
Việt Nam đã kiên quyết đấu tranh theo biện pháp hòa bình và sau 75 ngày hoạt động trái phép, cuối cùng giàn khoan Hải Dương 981 phải rút ra khỏi vùng biển chủ quyền Việt Nam.
2. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Sau nhiều năm, lãi suất huy động ngắn hạn (1-2 tháng) giảm xuống thấp nhất: 4%/năm; giảm tới 3 lần so với thời điểm năm 2010, khi đó lãi suất huy động lên tới 19%. Năm 2014 cũng đánh dấu sau gần 10 năm, các tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế như Moodys, Fitch đã nâng bậc và mức tín nhiệm với Việt Nam nhờ các chỉ số và ổn định kinh tế vĩ mô ngày một tốt lên. Đây cũng là năm Việt Nam phát hành thành công 1 tỷ USD ra nước ngoài với lãi suất thấp ngày 7/11/2014.
Tuy nhiên, năm 2014, vẫn còn những lo ngại, như: Nợ công của Việt Nam sát ngưỡng tối đa cho phép (65% GDP); xuất siêu tuy gần đạt 2 tỷ USD nhưng chủ yếu thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện...
3. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Triển khai Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, năm 2014 ngành Giáo dục đã có những quyết sách quan trọng liên quan tới việc đổi mới thi cử, cách dạy và học, nội dung và chương trình sách giáo khoa(SGK).
4. Tăng cường công khai, giám sát tài sản cán bộ, công chức, cả cán bộ cấp cao. Ngày 21/11, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã có thông cáo báo chí về Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Sau đó, ông Trần Văn Truyền đã phải trả lại Nhà nước thửa đất số 598B5, Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre và nhà số 105, Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ủy ban Kiểm tra T.Ư đề nghị Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật ông Trần Văn Truyền bằng hình thức cảnh cáo. Đây là lần đầu tiên vi phạm về nhà đất của một vị hàm bộ trưởng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng được làm rõ, đưa ra xử lý, công khai trên báo chí. Trên diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu cũng đề nghị xử lý nghiêm việc một số cán bộ nghỉ hưu nhiều năm vẫn không chịu trả nhà công vụ. Sau 8 năm Báo Tiền Phong có loạt bài phản ánh, tháng 12/2014 TP Hà Nội đã có quyết định về việc thanh lý hợp đồng thuê nhà 12 phố Nguyễn Chế Nghĩa đối với nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên.
Qua đây, cũng cho thấy còn nhiều sơ hở trong quản lý của nhà nước về công sản. Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định, sẽ cưỡng chế nếu không trả nhà công vụ sau 3 tháng nghỉ hưu.
5. Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập (22/12/1944- 22/12/2014), đón nhận Huân chương Sao Vàng lần thứ 5 và đang nỗ lực phát huy truyền thống anh hùng, đẩy mạnh xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; tích cực làm công tác dân vận, tham gia giúp đỡ nhân dân xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai, lũ lụt; triển khai thực hiện tốt phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Trong năm đã tiếp nhận, làm lễ thượng cờ Tổ quốc cho hai tàu ngầm Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nâng cao đáng kể khả năng tác chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo.
6. Nhiều “đại án” được khởi tố điều tra, truy tố, đưa ra xét xử, như: Dương Chí Dũng, “Bầu” Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như, vụ tham ô tại Công ty cho thuê tài chính II, nguyên Chủ tịch Ocean Bank Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Ngân hàng TMCP Xây dựng VN Phạm Công Danh...cho thấy những quyết tâm trong việc làm sạch hệ thống ngân hàng, các Tổng công ty, tập đoàn lớn của nhà nước. Đặc biệt, đã có 3 án tử hình trong vụ tham ô tại Công ty cho thuê Tài chính II, tuyên tử hình Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, nguyên Chủ tịch và Tổng giám đốc Vinaline, Vũ Việt Hùng, nguyên Giám đốc Ngân hàng Phát triển VN chi nhánh Đắk Lắk- Đắk Nông...Những án tử hình này thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
7. Giá dầu sụt giảm kỷ lục tác động kép đến nền kinh tế Việt Nam. Giá dầu thế giới giảm khoảng 50% so với tháng 6/2014. Giá xăng dầu trong nước giảm tới 30% so với thời điểm tháng 7 trong năm (từ 25.640 đồng/lít xuống còn 17.880 đồng/lít). Sự kiện này một mặt được đánh giá sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế; mặt khác cũng là nỗi lo hụt thu ngân sách nhà nước năm 2015 (do 10% phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô).
8. Sập hầm thủy điện Đạ Dâng và vấn đề an toàn lao động, an toàn giao thông thu hút sự quan tâm của dư luận. 16 giờ 30 phút ngày 19/12 là thời điểm 12 công nhân, trong đó có 1 nữ bị mắc kẹt trong đường hầm tại công trình thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) được giải cứu. Sau gần 4 ngày đêm họ đã được giải cứu an toàn. Niềm vui vỡ òa. Niềm hạnh phúc lan tỏa với tất cả mọi người có mặt tại hiện trường và những người dân đã luôn quan tâm theo dõi, hướng về các nạn nhân trong suốt những ngày họ bị mắc kẹt.
9. Bóng đá Việt Nam vui buồn lẫn lộn. Vụ án đánh bạc (cá độ) của nhóm cầu thủ Ninh Bình tại AFC Cup (thực hiện giữa tháng 3, bị phát hiện giữa tháng 4 và xét xử hồi tháng 8) và vụ bán độ của nhóm cầu thủ Đồng Nai tại V.League (tháng 7, đang chờ xét xử) là đòn cực mạnh giáng vào nền bóng đá nước nhà, khiến người hâm mộ thất vọng và mất niềm tin, có CLB bị xóa sổ, doanh nghiệp bỏ chạy.
10. Các sự kiện văn hóa lớn như cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 và Festival Đờn ca tài tử toàn quốc lần thứ nhất đã tôn vinh mạnh mẽ các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, giới thiệu tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch của các địa phương. Đặc biệt, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và còn hướng mạnh về cổ vũ tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, tinh thần bảo vệ chủ quyền biển, đảo và bảo vệ thiên nhiên, môi trường.