10 năm Unesco vinh danh: Quan họ ngày một hoàn thiện, đẹp hơn

Liền anh, liền chị hát quan họ trên thuyền rồng ở Bắc Ninh. Ảnh: Ngọc Châu
Liền anh, liền chị hát quan họ trên thuyền rồng ở Bắc Ninh. Ảnh: Ngọc Châu
TP - Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hùng Vỹ đánh giá sau 10 năm được UNESCO tôn vinh, quan họ ngày càng chọn lọc và nâng tầm hơn.

CHI TRĂM TỶ CHO QUAN HỌ

Bắc Ninh là một trong những địa phương “chịu chơi” sau khi được UNESCO tôn vinh. Thực hiện cam kết với UNESCO, ngay sau khi quan họ trở thành di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại, UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở VHTTDL Bắc Ninh và các cấp, ngành cùng cộng đồng thực hiện nhiều đề án bảo tồn và phát triển
quan họ.

Hai dự án lớn nhất phải kể “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể Dân ca Quan họ Bắc Ninh giai đoạn 1” (2010-2011) cùng đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù giai đoạn 2013-2020”. Tổng kinh phí hơn 102 tỷ đồng để tôn vinh và đãi ngộ nghệ nhân, đầu tư thiết chế văn hoá, truyền dạy cũng như quảng bá quan họ.

Thành quả dễ nhận biết nhất chính là nhiều thiết chế văn hoá dành cho quan họ được tu bổ và xây dựng. Bắc Ninh quy hoạch chi tiết quần thể văn hoá khu Thuỷ tổ Quan họ Bắc Ninh tại xã Hoà Long, TP Bắc Ninh để bảo tồn không gian văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa quan họ: Đình Diềm, đền thờ Vua Bà, chùa Hưng Sơn, Đền cùng Giếng Ngọc, không gian lễ hội và mở rộng không gian, quy mô nâng cao tầm vóc vai trò của khu văn hoá gốc.

Nhà chứa quan họ vốn là thiết chế văn hoá đặc thù của người quan họ-nơi sinh hoạt, giao lưu- nay được đầu tư với mức kinh phí 7-8 tỷ đồng. Một nhà nghiên cứu bảo đây là sự đầu tư chưa từng có, là niềm mơ ước của người quan họ xưa nay. Bốn công trình nhà chứa quan họ ở thị trấn Lim, Tiên Du, khu Đương Xá, Viêm Xá, Thị Cầu được bàn giao cho các làng quan họ cổ. Bắc Ninh hoàn thiện hai chòi Dân ca quan họ trong khuôn viên di tích đồi Lim phục vụ hoạt động giao lưu tại hội Lim hàng năm.

Trong số hàng trăm CLB quan họ hiện nay, tỉnh đầu tư trang thiết bị cho 45 CLB quan họ thuộc 44 làng quan họ gốc, gồm hệ thống loa, âm li, micro, đầu DVD, tivi. Ông Trần Quang Nam, Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Ninh nói rằng, việc đầu tư thiết bị tạo điều kiện thuận lợi giúp các CLB đẩy mạnh sinh hoạt văn hoá quan họ ở cộng đồng, giao lưu với địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Bắc Ninh cũng là địa phương quan tâm tới nghệ nhân quan họ bằng sự trọng thị, chính sách tôn vinh và đãi ngộ xứng đáng.

NÂNG TẦM

Nguyễn Hùng Vỹ-một trong những nhà nghiên cứu yêu và theo sát quan họ bảo, trước khi được công nhận, quan họ vốn phát triển trong dân gian, tuy nhiên sau khi được UNESCO vinh danh, di sản này còn phát triển mạnh mẽ hơn. Việc ghi danh quan họ là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại không chỉ là sự công nhận tính truyền thống của di sản, mà còn ở sự tồn tại không gian bản địa.

“Quan họ sau 10 năm ngày càng toả rộng rãi hơn. Bằng chứng là nhiều CLB quan họ ở các thôn làng mọc lên rầm rộ. Từ thiếu niên, thanh niên cho tới cao niên đều hát quan họ say mê. Phong trào dạy và học hát quan họ bén rễ từ mẫu giáo, tiểu học cho tới phổ thông. Mọi người yêu mến tiếng hát quan họ, say mê thực sự chứ không hề bị ép buộc”, nghệ nhân Lệ Ngải nói.

Từ 44 làng quan họ cổ đất Kinh Bắc, đất quan họ giờ có thêm hơn 380 CLB quan họ thực hành tại các huyện, thị xã và thành phố. Di sản quan họ giờ phổ biến mọi miền. Từ Hà Nội, Bình Định, Kon Tum, TPHCM cho tới cộng đồng người Việt ở châu Âu hình thành dễ đến 140 CLB quan họ. Nghệ nhân Lệ Ngải khoe cháu nội đầu học lớp 4 học và hát quan họ rất hay từ bài cổ tới lời mới. Còn đứa cháu mẫu giáo chỉ nghe nhạc cũng nhận ra Cây trúc xinh, Ngồi tựa mạn thuyền, Tương phùng tương ngộ do từ tấm bé thấm đẫm lời ru quan họ.

Người quan họ gốc, lại là con gái nghệ nhân lừng danh Nguyễn Đức Sôi, nghệ nhân Lệ Ngải cảm động về sự thay đổi sau 10 năm di sản được vinh danh. Bà là người truyền dạy cho nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Thuý Hường, nghệ sĩ Lệ Thanh, Thanh Nhàn và nhiều thế hệ học hát quan họ ở các làng, vùng miền quan họ từ thời chưa hề có đồng thù lao nào. “Chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm truyền lại tiếng hát của cha ông, không để mai một”, nghệ nhân Lệ Ngải nói.

Trước lo ngại của một số nhà nghiên cứu và dư luận về kỷ lục người hát quan họ và một số nguy cơ khác, ông Nguyễn Hùng Vỹ vẫn lạc quan. “Theo cách nhìn tổng thể và so sánh tài liệu trước đây, tôi chưa thấy có gì đáng trách, đáng ngại. Quan họ phát triển ngày càng mạnh mẽ. Sự phong phú, cái đẹp của quan họ ngày càng hoàn thiện. Quan họ ngày càng được chọn lọc hơn, để người ta hát với tính chất nghệ thuật cao hơn hẳn. Trước đây các làng quan họ mỗi nơi một phách, có khi nghệ nhân còn hát ngọng và không đủ bài bản, nay các làng và CLB nâng quan họ lên một tầm cao mới”, ông đánh giá.

Chuỗi chương trình kỷ niệm 10 năm di sản UNESCO

Ghi dấu mốc 10 năm UNESCO vinh danh quan họ, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức chuỗi chương trình kỷ niệm lớn trong Festival Về miền quan họ 2019.

Lễ kỷ niệm 10 năm Dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh vào 20h tối 23/2 tại Quảng trường Trung tâm Văn hoá Kinh Bắc (TP Bắc Ninh), thời lượng 95 phút, trực tiếp trên VTV1, đài Truyền hình Bắc Ninh và một số đài khác. Sau nghi lễ dâng hương là chương trình nghệ thuật Rạng rỡ miền quan họ gồm ba chương Dòng sông quan họ, Làng quan họ quê tôi, Rạng rỡ miền quan họ. Nhiều ca sĩ, diễn viên đại diện 49 làng quan họ Bắc Ninh, Bắc Giang và các đoàn nghệ thuật khác tham gia.

Tứ hải giao tình vào 20h tối 25/02 tại Trung tâm văn hoá Kinh Bắc là chương trình giao lưu nghệ thuật giữa người quan họ với các nghệ nhân di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO vinh danh như Hát xoan, Ví giặm, nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, Đờn ca tài tử, Bài chòi.

MỚI - NÓNG