> Khổ như ở... chung cư cao cấp
> Ba Vì không trở thành trung tâm hành chính quốc gia
Ảnh: M.T.
Sau cả chục năm giao cho Cty cổ phần Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội nghiên cứu lập quy hoạch cải tạo lại khu tập thể Văn Chương (Đống Đa) đến nay công trình vẫn dậm chân tại chỗ. Những tuyến ngõ ngoằn nghèo trong khu Văn Chương vốn đã nhỏ, nay bị lấn chiếm, càng xập xệ, nhếch nhác.
Theo nhiều hộ dân tại khu tập thể Văn Chương, do xây dựng từ những năm 1960 nên nhiều dãy nhà đã xuống cấp rất nặng, thấm dột tràn lan, chỉ mưa chừng nửa tiếng là nước thải từ cống rãnh đã dâng lên đường ngập đến bắp chân. “Người dân ủng hộ chủ trương cải tạo của nhà nước. Nhưng không thể giao cho những chủ đầu tư yếu năng lực” - đại diện căn hộ 47 B2 Văn Chương kiến nghị.
Tại 11 dự án khác, thuộc diện nhà nguy hiểm, mặc dù đã được thành phố hỗ trợ, trong đó nhiều dự án đã được bàn giao đất, giải phóng mặt bằng nhưng rất ì ạch trong triển khai. Điển hình như dự án cải tạo khu C1 Thành Công do Tổng Cty công trình giao thông 1 làm chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, toàn thành phố còn tới 982 nhà chung cư cũ 3-4 tầng do thành phố quản lý và 173 nhà chung cư, tập thể do Cty TNHH một thành viên đầu tư phát triển nhà và đô thị (Bộ Quốc phòng) quản lý. So với kế hoạch, đến nay Hà Nội mới cải tạo được gần 1% trong tổng các khu chung cư cần cải tạo, xây dựng lại.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đang có sự thiếu linh hoạt về các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc khiến các chủ đầu tư khó đảm bảo về yêu cầu tái định cư, cải thiện diện tích nhà ở cho các hộ dân. Quy định về kiểm định chất lượng công trình chưa quan tâm đến các yếu tố thực tế tác động đến môi trường sống, kinh tế xã hội.
Điển hình như quy định chỉ công trình nguy hiểm hạng D mới được di dời dân. Trong khi Hà Nội có rất nhiều chung cư xếp hạng C nhưng kết cấu lắp ghép tấm lớn chỉ có chiều dày 10cm liên kết bằng thép D6 đến nay đã bị phá hủy mối nối, nếu có lực xô ngang như động đất thì rất dễ xảy ra thảm họa!
Trước tình trạng một số dự án có dấu hiệu “bán cái”, chuyển nhượng trái phép, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi yêu cầu kiểm tra xử lý nghiêm. Ông Khôi giao Sở Xây dựng làm cơ quan thường trực đầu mối rà soát, kiểm tra toàn bộ các dự án, trước hết là 11 dự án nhà nguy hiểm đã có quyết định thu hồi đất giao chủ đầu tư.
“Cần đặc biệt chú ý kiểm tra năng lực của chủ đầu tư. Nếu không đủ năng lực thì dứt khoát phải mời ra khỏi dự án” - ông Khôi nhấn mạnh. Đối với cải tạo nhà A1, A2 Nguyễn Công Trứ, UBND quận Hai Bà Trưng phải chủ động ra quyết định cưỡng chế theo thẩm quyền...