10 lưu ý thi môn Toán giúp hạn chế những điểm trừ đáng tiếc

Thầy giáo, ThS. Nguyễn Bá Tuấn – Giảng viên Đại học Công nghiệp Hà Nội
Thầy giáo, ThS. Nguyễn Bá Tuấn – Giảng viên Đại học Công nghiệp Hà Nội
TPO - Nhiều năm tham gia coi thi và chấm thi đại học, thầy giáo, ThS. Nguyễn Bá Tuấn (Giảng viên Đại học Công nghiệp Hà Nội) đưa ra 10 lưu ý tưởng “vặt vãnh” nhưng sẽ giúp học sinh hạn chế tối đa những điểm trừ đáng tiếc.

1. Đọc kĩ đề và làm theo thứ tự từ dễ đến khó

Đọc kỹ từng chữ trong đề, phân tích từng ý hỏi để nắm được các vấn đề cần giải quyết. Mỗi câu hỏi có nhiều ý, cần tách rõ và giải quyết từng ý, khi trình bày cũng xử lí từng ý để người chấm có thể cho điểm theo ý.

Từ năm 2015,  đề thi THPT quốc gia đã được sắp xếp theo thứ tự dễ tới khó, học sinh nên làm từ câu 1 trở đi đến câu 10, tuyệt đối không đi loay hoay làm các câu hỏi khó ngay từ đầu khiến tâm lí bị hoang mang. Trong khi làm bài, học sinh tuyệt đối tránh dành quá nhiều thời gian làm bài cho một câu, nếu cảm thấy đang khó, đang bí hướng làm câu đó thì hãy chuyển qua câu khác. Tập trung cao độ cho một câu hỏi mãi không tìm ra hướng giải sẽ làm mất sự tỉnh táo, bình tĩnh. Vậy nên hãy làm từ câu hỏi mà học sinh cảm thấy tự tin nhất .

2. Không vẽ đồ thị hàm số bằng bút chì

Khi làm câu hỏi khảo sát hàm số, cần trình bày theo thứ tự các ý hỏi, chú ý viết cẩn thận các điều kiện, bảng biến thiên nên sử dụng thước để bảng cẩn thận (nên kẻ bằng bút mực, tránh kẻ bằng bút chì), vẽ đồ thị hàm số bằng bút mực cùng màu mực, tránh vẽ đồ thị bằng bút chì hoặc bút mực màu khác, đồ thị vẽ trơn đều, than mảnh, tránh vẽ đồ thị quá đậm hoặc quá nhạt, tránh vẽ đồ thị vượt quá độ dài 2 trục Ox và Oy.  Câu đầu tuy dễ nhưng nếu không làm đúng, vẽ đồ thị cẩu thả sẽ làm mất thiện cảm của người chấm thi.

Câu hỏi liên quan thường yêu cầu tìm giá trị lớn nhất nhỏ nhất, cực trị, tương giao, tiếp tuyến, biện luận số nghiệm… Đối với các câu hỏi này, học sinh nên làm tách ý theo đề bài. Ví dụ: Tìm m để hàm số có 2 điểm cực trị thỏa mãn yêu cầu. Trong bài tóan này, học sinh nên tách 2 ý: (1) Tìm m để hàm số có 2 điểm cực trị; (2) Tìm m để 2 điểm cực trị thỏa mãn yêu cầu đề bài. Trình bày rõ ràng 2 ý này, học sinh sẽ được điểm tối đa và nếu lỡ sai ý sau thì vẫn được chấm điểm ý trước. 

3. Vẽ hình chính xác

Không vẽ hình bằng bút chì (trừ hình tròn), vẽ hình to và rõ ràng. Chú ý nét liền, nét dứt khi vẽ hình không gian. Khi vẽ hình Oxy, học sinh cần vẽ hình chính xác về tỉ lệ. điều này giúp học sinh có thể nhìn đúng, nhìn trúng tính chất hình học mà bài đang giấu kín. Ngoài ra, một hình Oxy chính xác cho em gợi ý về độ dài đoạn này bằng đoạn kia hay tỉ lệ bao nhiêu, đây là chìa khóa giúp học sinh chinh phục câu hỏi Hình Oxy có tính chất phân loại.

4. Đặt điều kiện cho bài toán về phương trình, hệ phương trình, bất phương trình

Nếu không tìm được điều kiện thì sau khi tìm được nghiệm cần thay trở lại phương trình để kiểm tra. Khi đó chúng ta cần chú ý việc viết dấu suy ra và dấu tương đương cho hợp lý. Mỗi khi tìm ra nghiệm hãy luôn coi lại điều kiện để tránh mất điểm đáng tiếc, công sức giải 1 câu khó, đừng vì không nhìn điều kiện mà mất điểm.

Đặc biệt chú ý khi  biến đổi phương trình, hệ phương trình, bất phương trình là cần sử dụng đúng dấu suy ra và dấu tương đương, Đây là lỗi sai mà năm nào cũng có nhiều học sinh mắc phải.

5. Viết công thức tổng quát trước rồi mới thay số

Khi cần dùng đến các công thức, học sinh nên viết công thức tổng quát trước rồi mới thay số. Điều này giúp học sinh dễ dàng soát lại bài thi, dễ phát hiện lỗi sai khi thay số. Hơn nữa, nếu có sai sót trong quá trình tính toán thì người chấm cũng có thể châm chước cho các em điểm ở việc hướng làm đúng.

6. Trình bày đủ các bước

 Học sinh luôn phải nghĩ rằng mình viết bài cho một bạn học kém Toán sao cho bạn ấy đọc và hiểu được tuần tự bài làm của mình. Chú ý việc chia ý 1 điểm thành 4 ý nhỏ, chia ý 0.5 điểm thành 2 ý nhỏ trong việc trình bày. Xem kỹ thang điểm chấm điểm thi đại học, cao đẳng, tốt nghiệp các năm trước để biết được các điểm được tính ở ý nào.

7. Trình bày thoáng, sạch sẽ, dễ nhìn

Khi trinh bày bài thi, không nên viết chữ quá dày, bạn nào chữ xấu thì nên viết to và khoảng cách các chữ vừa đủ, tuyệt đối chữ xấu không nên viết dày chi chít khiến người chấm khó đọc và dịch ý, viết số và tham số rõ ràng để tránh tình trạng người chấm nhìn nhầm. Khi bị sai chỉ cần gạch ngang phần sai và ghi xuống dưới làm lại câu… ý… Nhiều bạn thường mất điểm ở các câu dễ do phần xóa đi không rõ ràng. Nếu làm sai, các em dùng dấu x gạch chéo vùng viết sai và cách 1-2 dòng để trình bày phần bài đúng của các em.

Cuối mỗi bài toán nên xuống dòng mới có một câu kết luận. Có thể là viết lại đáp số hoặc trả lời câu hỏi của đề bài để người chấm thi biết được thí sinh đã kết thúc bài đó hay chưa và có cảm tình hơn khi chấm bài.

8. Nháp cẩn thận nhưng không nên nháp quá nhiều

Xem giấy nháp như là công cụ hỗ trợ giúp ta tìm ra hướng đi cho bài toán chứ đừng làm xong trên nháp mới chép vào bài thi như vậy gây mất thời gian, bởi tiết kiệm thời gian làm bài sẽ giúp chính các em có thêm cơ hội kiếm thêm điểm.

9. Dành 5-10 phút để soát lại bài

Đặc biệt là khi soát cần lưu ý đến các sai sót mà bản thân các em hay gặp phải và tránh việc nhầm lẫn, bỏ sót ý nào đó.

10. Cẩn thận hết sức khi làm bài thi

Công sức cả năm ôn rồi, đừng để vì chủ quan, sơ ý mà mất đi 0.25 điểm, làm được có 7 câu chẳng hạn mà lại bị trừ mất 2 chỗ 0.25 điểm vì những cái lỗi sơ ý không đáng có thì quả là không đáng, đặc biệt là từ năm 2015, điểm thi sẽ không làm tròn, chỉ hơn kém nhau 0.25 điểm thôi mà người đỗ kẻ trượt rồi.

MỚI - NÓNG