> Sẽ có phương án chuyển 10 cơ sở sản xuất
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Huy Việt – Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm nói, doanh nghiệp làm xưởng sản xuất gỗ ép trên đất nông nghiệp là sai.
Tuy nhiên, ông Việt thừa nhận, việc buông lỏng quản lý đất đai là trách nhiệm và là hậu quả của chính quyền địa phương các khóa trước để lại. Việc sử dụng đất sai mục đích xuất phát từ năm 1999, 2001, 2002...
Để giải quyết việc làm cho lao động trong xã, huyện đồng ý cho các cơ sở sản xuất này hoạt động trở lại từ nay đến Tết. Về lâu dài, xã Đình Xuyên có 8 ha đất để quy hoạch làm khu làng nghề.
Trả lời câu hỏi, vì sao không quy hoạch khu vực hiện tại (Trường Thi-Đình Xuyên) mà doanh nghiệp đang sản xuất thành cụm công nghiệp làng nghề, vì khu vực 8ha quy hoạch cũng là đất nông nghiệp?
Ông Việt nói: “UBND huyện Gia Lâm sẽ có văn bản trình UBND thành phố về việc sử dụng khu đất mà các doanh nghiệp đang sản xuất làm khu làng nghề, nhằm đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của nhân dân cũng như tránh lãng phí cho các doanh nghiệp”.
Buổi đối thoại trên diễn ra, sau khi báo Tiền Phong (ngày 6-8) đăng bài “Làng có nghìn công nhân thất nghiệp”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau lệnh đóng cửa 10 cơ sở sản xuất gỗ ép của UBND huyện Gia Lâm, khoảng 1.000 người trong xã Đình Xuyên mất việc, kéo theo khoảng 3.000 người thân bị ảnh hưởng cuộc sống, do mất nguồn thu nhập.
Hiện đã có hàng trăm hộ gia đình làm đơn gửi lên Phòng Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng các trường xin khất học phí cho con em, chờ khi có công việc mới, có thu nhập mới có thể chi trả học phí, hoặc con em họ sẽ phải rời ghế nhà trường.
Theo ông Nguyễn Duy Thích, Chủ tịch UBND xã Đình Xuyên, các cơ sở gỗ ép bị đình chỉ sản xuất đã hơn 2 tháng, song chưa có lao động nào tìm được việc làm.