Xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng trưởng khả quan

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong 4 thị trường xuất khẩu (XK) lớn nhất của cá tra Việt Nam 9 tháng đầu năm nay, XK cá tra sang các thị trường Trung Quốc, CPTPP và EU đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi thị trường Mỹ tăng trưởng ấn tượng với mức tăng 42,8%.

Ngày 26/10, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, sau khi tăng từ tháng 3 đến tháng 7 năm nay, XK cá tra Việt Nam tháng 8/2021 đã giảm 28,5% và tháng 9 giảm 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở ĐBSCL trong những tháng qua diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động nuôi trồng, sản xuất và XK của các doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra tại khu vực này. Do đó, tháng 9/2021, giá trị XK cá tra sang hầu hết các thị trường lớn đều giảm đồng loạt so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch XK cá tra Việt Nam đạt 1,07 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK sang thị trường số 1 là Trung Quốc đạt 279 triệu USD, giảm 19,9%.

Trong khi đó, XK cá tra sang thị trường Mỹ (xếp thứ 2) đạt 248 triệu USD, tăng 42,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong top 5 thị trường XK hàng đầu của cá tra Việt Nam 9 tháng đầu năm nay, thị trường CPTPP xếp thứ 3 khi đạt 144 triệu USD, giảm 2,6%. Thị trường EU đạt 78 triệu USD, giảm 20,4%. Trong khi đó, thị trường thứ 5 là Brazil đạt 45 triệu USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, cá tra là ngành hàng chủ lực, là sản phẩm đặc hữu của vùng ĐBSCL, có vai trò quan trọng đối với kinh tế xã hội của toàn vùng. Do thời gian giãn cách xã hội kéo dài, các hoạt động sản xuất, vận chuyển con giống, thức ăn, cá nguyên liệu bị gián đoạn; nhiều cơ sở nuôi thiếu người thu hoạch; một số nhà máy sản xuất thức ăn, chế biến cá tra phải tạm ngừng hoạt động hoặc giảm công suất; chi phí sản xuất tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến XK trong khi nhu cầu từ thị trường thế giới đang tăng cao.

Để khắc phục những khó khăn, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành hàng cá tra thích ứng với tình hình mới, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương vùng ĐBSCL cần liên kết, hợp tác chặt chẽ để đảm bảo tốt khâu lưu thông, điều tiết nhân lực.

Tổ chức các đoàn công tác hỗ trợ các DN xây dựng phương án phục hồi sản xuất trong tình hình mới. Xử lý các vướng mắc trong chuỗi ngành hàng cá tra và từ đó nhân rộng sang các chuỗi nông sản khác.

Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL thống nhất phương án hướng dẫn các DN, người nuôi duy trì sản xuất con giống, thức ăn, nuôi trồng, chế biến.... để đảm bảo ổn định chuỗi sản xuất cá tra. Trước mắt hướng dẫn người nuôi giảm mật độ nuôi, giảm bớt các chi phí để hạ giá thành, tăng cường liên kết chuỗi, kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm.

Tổng cục Thủy sản nắm chắc tình hình, chia sẻ thông tin chung toàn vùng, hỗ trợ các địa phương xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh nhằm duy trì sản xuất, không để xảy ra tình trạng thiếu con giống, thiếu nguyên liệu cho chế biến XK vào các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022…

MỚI - NÓNG